Việt Nam Thời Báo

VNTB – Phóng sự ảnh: Mùa tư vấn tuyển sinh và nhu cầu có thật?

Chim báo bão (VNTB) Còn 5 tháng nữa là đến mùa thi tuyển sinh đại học năm học 2017-2018. Các trường đại học và học viện trên khắp cả miền nam đang tất bật quảng bá thương hiệu. Tại đại học quốc gia TP.HCM, gần trăm trường đại học đang mở hội chợ tư vấn tuyển sinh. Nhìn không khí sôi động đó, không ít thiếu niên tin tưởng vào nhu cầu việc làm như các trường hứa hẹn.

Quang cảnh hội chợ tư vấn tuyển sinh đại học hôm nay 12 tháng 02 năm 2017, tại khuôn viên khối đại học quốc gia TP.HCM.. Ảnh: tác giả
Ước tính có trên dưới 50 trường đại học, chủ yếu là dân lập, đến tham gia hội chợ lần này. Mỗi trường làm một ki-ốt và dùng những cái loa thùng rất bự để gây chú ý. Vô số áp phích quảng cáo, tờ rơi để giới thiệu về trường đại học giữa phiên hội chợ ồn ào nắng nôi. Vì muốn thu hút những em học sinh lớp 12 nên hội chợ đại học này tổ chức vào chủ nhật – ngày nghỉ để các em tới xem được. Để lấy lòng các em, nhiều ki-ốt của nhiều trường còn tặng không sách, sổ tay và bút. Có trường còn tặng nước ngọt miễn phí cho bất kỳ em học sinh cấp ba nào đến xem ki-ốt của họ.

Đại học tư Hoa Sen- một trường được biết đến là rất chịu chi cho các hội chợ tư vấn tuyển sinh. Ảnh: tác giả
Xưa nay, các hội chợ tư vấn tuyển sinh đại học luôn là nơi các trường dùng mọi cách để quảng bá tên tuổi. Chẳng hạn như đại học dân lập Lạc Hồng, một trường mà học phí đã quá khổ so với mặt bằng những trường khác, nhân tiện hôm nay có bao nhiêu cup trong các cuộc thi Robocon, họ trưng ra hết:

Đại học dân lập Lạc Hồng trưng bày cup các cuộc thi Robocon. 
Các cuộc thi Robocon là nơi quảng cáo của các trường. Những nhóm sinh viên của các trường làm thật thì không được giải cao. Một nhóm sinh viên ở Bách khoa Đà Nẵng than phiền rằng có những trường phía trong mua máy về rồi lắp ghép thì kiểu gì mà không giải nhất, kiểu gì mà không huy chương vàng? Những người học thật, làm thật thì không đua được với xã hội như thế.

Nhu cầu có thật hay không?

Khi được hỏi về nhu cầu đào tạo đại học, một trưởng khoa ở một trường đào tạo công nghệ thông tin thuộc khối Đại học quốc gia TP.HCM cho biết cô giáo làm đã lâu trong ngành nhưng chưa hề thấy một dự báo về nhu cầu đào tạo. Là một chuyên gia nhưng cô cũng không hề biết rằng xã hội Việt Nam trong một giai đoạn cần bao nhiêu kỹ sư công nghệ thông tin. Các trường thì cứ mở ngành công nghệ cách vô tội vạ, cứ hô hào là nhu cầu rất lớn, trong khi thực tế ra trường không ai làm đúng sức của mình. 

Để có chi phí trang trải cho trường đại học, nhiều trường đã nghĩ ra một mức học phí quá cao nhưng không cho sinh viên biết. Cô Đ.H.H, một thạc sỹ giảng dạy tại đại học Nguyễn Tất Thành cho biết trường này sinh viên có khi phải đóng 20 triệu đồng mỗi học kỳ. Trước lời tư vấn tuyển sinh quá ngọt ngào, các em nộp hồ sơ vào trường này. Sau năm học đầu tiên, cô H. nói, đến năm học thứ hai thì nhiều em phải bỏ học do học phí quá cao so với hoàn cảnh. Nhiều trường ở Âu- Mỹ cũng thu học phí cao, nhưng họ bắt ứng sinh phải chứng minh được khả năng tài chính thì mới được vào học, không như ở Việt Nam mời được em nào vào học là mời, chẳng cần biết gì đến hoàn cảnh thực tế các em- những cô bé cậu bé chưa hết tuổi thơ ngây. 

Đại học Nguyễn Tất Thành, vài năm qua không có hội chợ đại học nào là không tham gia. Đây là trường nổi tiếng về số lượng sinh viên buộc phải bỏ học giữa chừng. 
Làm thế nào để vận động các trường ngồi lại bàn bạc với nhau và đưa ra con số tuyển sinh sát với thực tế xã hội và đưa ra mức học phí trung thực? Đây là nan đề càng ngày càng trầm trọng ở Việt Nam. Các trường đại học đang giống như những công ty tư bản, sản xuất ồ ạt và bán ồ ạt theo thị hiếu. Ở những nước không có tự do báo chí như Việt Nam, các công ty tư bản thậm chí còn vẽ ra nhu cầu ảo rồi hè nhau trục lợi từ nhu cầu đó. Cũng vậy, vận động các hiệu trưởng để làm sạch môi trường đại học dường như là điều không thể. 

Tất nhiên cũng có ngoại lệ. Một trong số ít ỏi những trường được coi là còn có lương tâm, đại học Dầu khí, đã tự động ngừng tuyển sinh khi số kỹ sư vượt quá nhu cầu. Năm 2015, trên trang Web của mình, trường đại học Dầu khí tuyên bố ngừng tuyển sinh mới. Nhưng xã hội Việt Nam là một xã hội đảo điên, những ví dụ thành thật như thế thì chẳng thấy báo chí hay Bộ giáo dục & đào tạo tuyên dương bao giờ. 

Tin bài liên quan:

VNTB- Đối thoại với PGS-TS Đoàn Lê Giang: Ai có quyền quyết định dạy chữ Hán trong trường học?

Phan Thanh Hung

VNTB – Hàn Quốc: kỳ tích sông Hàn đến từ giáo dục

Phan Thanh Hung

Việt Nam Thời Báo tham dự khóa huấn luyện về bình đẳng giới của tờ Prachat Thái

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo