Việt Nam Thời Báo

VNTB- Khiếu kiện dự án Thủ Thiêm: Thủ tướng phê duyệt “suông”quy hoạch 1/5000?

Nguyễn Tuấn

(VNTB) – Nếu không có sơ đồ tổng mặt bằng 1/5000 kèm theo tờ trình 1861 của UBND TPHCM, vậy hoá ra Thủ tướng Chính phủ với sự tham mưu của Bộ Xây dựng phê duyệt quy hoạch 1/5000 “suông”? Điều này trên thực tế chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào trong quy trình thủ tục hành chính về dự án đô thị.

 Images intégrées 1

Ngoài nhóm những hộ dân khiếu nại được tiếp xúc ngày 10-6, dự án Thủ Thiêm còn một số hộ dân đang khiếu kiện hành chính tại tòa án các cấp và khiếu nại riêng lẻ khác.
Ngày 10-6, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc tiếp xúc và đối thoại với đại diện các hộ dân trong dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2. Tham dự còn có Cục trưởng Cục III Thanh tra Chính phủ Võ Văn Đồng; Trưởng Ban Tiếp công dân trung ương Nguyễn Hồng Điệp; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm.

Ông nói gà, bà nói vịt
Có thể dẫn phần kết luận của cuộc “tiếp xúc và đối thoại” để cùng nhìn lại vụ việc này.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói rằng về vấn đề đất nằm trong hay ngoài quy hoạch dự án, thì căn cứ vào Quyết định 367 năm 1996 của Thủ tướng thì TP.HCM đã ban hành Quyết định 13585 năm 1998 về phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 khu Thủ Thiêm kèm theo bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất. Đây là cơ sở pháp lý để xác định ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
“Về phía các hộ dân thì căn cứ vào bản đồ quy hoạch kèm theo Quyết định số 785 năm 1995 về phê duyệt quy hoạch chung của quận Thủ Đức và sơ đồ điều chỉnh các khu vực không bán nhà thuộc sở hữu nhà nước ban hành kèm theo Quyết định 255 năm 1998 của UBND TP để cho rằng nhà, đất của một số hộ không nằm trong quy hoạch của dự án” – ông Phong nói.
Tuy nhiên ngay cả ông chủ tịch cũng không tin chắc rằng mình đúng, nên đã… thòng thêm một câu quen thuộc mà các quan chức vẫn hay sử dụng: “Để có nhận thức và cách hiểu thống nhất, giao Thanh tra TP chủ trì phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc và các đơn vị liên quan đối thoại với các hộ dân để làm rõ vấn đề này. Sau đó báo cáo đề xuất UBND TP hướng giải quyết có căn cứ và đúng pháp luật”.
Theo kế hoạch, ba vấn đề sẽ được tranh luận, đối thoại gồm quy hoạch, quyết định thu hồi đất và đền bù. Tuy nhiên trong ngày 10-6 các bên mới chỉ đối thoại về vấn đề quy hoạch và còn xa quan điểm.

Câu chuyện của rối rắm văn bản
Luật sư Trần Vũ Hải (Đoàn Luật sư Hà Nội), đại diện cho các hộ dân, nêu 3 điểm cần làm rõ trong buổi đối thoại. Đó là phần lớn các hộ dân cho rằng họ không nằm trong quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm; không có quyết định thu hồi đất cho từng hộ dân là vi phạm pháp luật; đền bù chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Khu ĐTM TT) bắt đầu hình thành về quy hoạch từ năm 1995, khi UBND TP HCM phê duyệt quy hoạch huyện Thủ Đức (năm 1997 tách ra thành quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức). Quyết định số 785 ngày 10/2/1995 (QĐ785) phê duyệt quy hoạch huyện Thủ Đức tầm nhìn 1995-2010 đã quy hoạch khu đô thi Thủ Thiêm- An Khánh với diện tích 650 ha, có bản đồ quy hoạch kèm theo. Theo các hộ dân, đối chiếu bản đồ này, họ nằm ngoài quy hoạch khu đô thị này.
Năm 1996, UBND TPHCM có tờ trình 1861 ngày 27/5/1996 xin Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Khu ĐTM TT tỷ lệ 1/5000. Thủ tướng đã ban hành quyết định 367 ngày 4/6/1995 (QĐ367) phê duyệt quy hoạch này. Tuy nhiên, theo thông tin từ UBND TPHCM, không lưu giữ được sơ đồ tổng mặt bằng quy hoạch kèm theo QĐ367. UBND TPHCM có công văn hỏi Cục lưu trữ Quốc gia và Văn Phòng Chính Phủ, hai cơ quan này đều trả lời không lưu trữ. Ông Nguyễn Thành Phong cho biết UBND TPHCM sẽ có công văn hỏi Bộ Xây dựng hỏi cơ quan này còn lưu giữ khi nhận được tờ trình 1861 không.
Ngày 15/1/1998, UBND TPHCM ra quyết định số 255 (QĐ255), phê duyệt quy hoạch không bán nhà thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn quận 2 để thực hiện Nghị định 61/1994 về bán nhà thuộc sỡ hữu nhà nước. Theo nghị định 61 này, chưa thực hiện việc bán nhà thuộc sở hữu nhà nước nếu thuộc khu vực đã được quy hoạch hoặc đang làm đồ án quy hoạch. Bản đồ kèm QĐ255 đã chỉ ra các khu vực không được bán nhà nước (tức có quy hoạch hoặc đang làm đồ án quy hoạch), trong đó có khu vực quy hoạch khu trung tâm đô thị mới tương ứng Khu ĐTM TT.
Các hộ đang khiếu kiện cho biết vị trí Khu Trung tâm đô thị mới (tức Khu ĐTM TT) chính là vị trí Khu đô thị Thủ Thiêm – An Khánh theo bản đồ quy hoạch kèm theo QĐ785 và phần lớn họ nằm ngoài các khu quy hoạch không được bán nhà, tức ngoài quy hoạch khu ĐTM TT.
Nhưng ngày 16/9/1998 Kiến trúc sư Thành phố căn cứ vào quy hoạch 1/5000 được QĐ307 của Thủ tướng phê duyệt ban hành quyết định 13585 kèm bản đồ quy hoạch chi tiết 1/2000 Khu ĐTM TT do công ty Dich vụ phát triển đô thị UDESCO của Sở xây dựng lập.
Văn bản của QĐ13585 không ghi điều chỉnh khu vực của các hộ đang khiếu kiện vào quy hoạch của khu ĐTM TT, nhưng có ghi “phía Đông giáp phần còn lại phường An Khánh, quận 2”, tức những khu phố của các hộ đang khiếu kiện nằm ngoài quy hoạch này (vì nếu nằm trong quy hoạch này, thì phạm vi này sẽ bao trùm toàn bộ phần giáp ranh giữa phường An Khánh và phường Bình An, tức đoạn ghi “giáp phần còn lại phường An Khánh” là vô nghĩa).
Tuy nhiên bản đồ quy hoạch nói trên lại trùm lên các khu phố của các hộ dân đang khiếu kiện. Giải thích mâu thuẫn này, đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc cho rằng do ghi nhầm từ “giáp phần còn lại của xã An Khánh, huyện Thủ Đức”.
Vấn đề mấu chốt ở đây là sơ đồ tổng mặt bằng quy hoạch 1/5000 phê duyệt theo QĐ307 gốc như thế nào để phân định giá trị pháp lý ranh giới quy hoạch Khu ĐTM TT? Nếu không có bản sơ đồ tổng mặt bằng đó, căn cứ vào đâu để Kiến Trúc Sư Trưởng ban hành Quy hoạch chi tiết 1/2000?

Lợi ích nhóm?
Theo ông Nguyễn Thành Phong, về bản đồ quy hoạch kèm Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ mà bà con yêu cầu công khai, UBND TP đã chủ động có 2 văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và Trung tâm Lưu trữ quốc gia III nhờ hỗ trợ cung cấp bản đồ. Tuy nhiên, văn bản trả lời của Văn phòng Chính phủ và Trung tâm Lưu trữ quốc gia III trả lời là không có bản đồ kèm theo Quyết định 367.
Luật sư Trần Vũ Hải cho rằng trong dự án này, có “lợi ích nhóm” và đề nghị Chủ tịch UBND TP làm rõ trách nhiệm của những người liên quan, nhất là công ty đo vẽ bản đồ của dự án. Ông Trần Vũ Hải nhìn nhận với một đại dự án đô thị như Khu ĐTM TT thì bắt buộc phải có bản sơ đồ tổng mặt bằng quy hoạch 1/5000 có giá trị pháp lý. Nếu đúng như lời giải thích của người đứng đầu chính quyền, thì ít nhất có 3 giả thiết.
Thứ nhất, không có sơ đồ tổng mặt bằng 1/5000 kèm theo tờ trình 1861 của UBND TPHCM? Vậy hoá ra Thủ tướng Chính phủ với sự tham mưu của Bộ Xây dựng phê duyệt quy hoạch 1/5000 “suông”? Điều này trên thực tế chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào trong quy trình thủ tục hành chính về dự án đô thị.
Thứ hai, các cơ quan chức năng “tình cờ” làm thất lạc bản sơ đồ tổng mặt bằng này, kể cả UBND TPHCM.
Thứ ba, có bản sơ đồ tổng mặt bằng có giá trị pháp lý kèm theo QĐ307, nhưng vì lý do nào đó, có “nhóm lợi ích” đã giấu diếm, hoặc thậm chí tiêu huỷ.
Ngoài nhóm những hộ dân khiếu nại được tiếp xúc ngày 10-6, dự án Thủ Thiêm còn một số hộ dân đang khiếu kiện hành chính tại tòa án các cấp và khiếu nại riêng lẻ khác. Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã cam kết ghi nhận các nội dung trình bày của các hộ dân và có kết luận trả lời cho các hộ dân bằng văn bản.

Tin bài liên quan:

VNTB – Vì sao UBND TP.HCM lật lọng cam kết: Doanh nghiệp cũng khiếu nại Nhà nước

Phan Thanh Hung

VNTB – Đình công đã bước sang ngày thứ sáu

Phan Thanh Hung

VNTB – Tản mạn: Quân sự hoá ngôn ngữ trong mùa dịch

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.