Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chênh lệch địa tô và vấn đề cuộc sống tốt hơn sau khi bị thu hồi đất

Lê Tự Do

 

(VNTB) – “Với chênh lệch địa tô đó, người dân bị đẩy ra ngoài lề của sự phát triển, bị bỏ lại phía sau, bất chấp là người thuộc sắc tộc nào, ngoại trừ tộc nón cối”.

 

Theo tờ trình tại Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra của Chính phủ, nguyên tắc đền bù cho người dân bị thu hồi đất đã bị bỏ phần “người dân sau khi đền bù có điều kiện, cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước”.

“Lợi ích của các bên liên quan trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất, cũng như đời sống, sinh kế của người có đất bị thu hồi được quan tâm và bảo đảm tốt hơn” là yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16-6-2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Như vậy khi bỏ đi nguyên tắc đền bù để người dân bị thu hồi đất có điều kiện, cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước, thì dự thảo luật đất đai sửa đổi sẽ là một bước lùi.

Trong thực tiễn thì đúng là ‘đề bài’ về chuyện “sinh kế của người có đất bị thu hồi được quan tâm và bảo đảm tốt hơn” là rất khó xác định về đại lượng.

Khi tính giá đền bù, bên cạnh giá thị trường, cần thiết phải tính thêm các yếu tố khác như tinh thần, như phải đền bù cho người dân việc họ phải di dời nhà cửa, cây trái, kỷ niệm, những thứ đã gắn bó vài chục năm… Bởi đặt mình trong hoàn cảnh của người có đất bị thu hồi mới giải quyết được bài toán này. Và điều đó còn là để hiểu hơn vì sao người bản địa ở Tây Nguyên đã liên tục phản ứng khi bị quy hoạch đất rừng.

Theo sách “Cao nguyên miền Thượng” – quyển Thượng, tác giả Cửu Long Giang – Toan Ánh, ở đầu trang 134 có đoạn:

“…Sabotier liền chủ trương “đất Thượng của người Thượng” và cấm không cho người ngoài vào khai thác.

Chính Sabotier cũng tự coi mình là người Thượng, sống đơn giản, không tiện nghi, không người hầu kẻ hạ. Nói tiếng Rhadé như người Rhadé, lấy vợ Rhadé con vị Tù trưởng Kun Yu Nob, xử kiện bằng tiếng Rhadé, Sabotier hy sinh làm việc cho người Rhadé không kể đêm ngày; từ chương trình học tập cho trẻ em Thượng đến việc xây trường, mở nhà thương, từ việc nghiên cứu mở đường đến việc xây dựng nhà máy điện, tất cả đều do Sabotier điều khiển.

Sabotier còn gửi những học sinh Rhadé thông minh đi học nghề như thợ máy, thợ điện hoặc học chuyên môn như canh nông, y tá, giáo viên…

Trong 16 năm trời tận tụy Sabotier đã mang lại cho Darlac điện, nước, điện thoại từ Ban Mê Thuộc – Bandon, 608 cây số đường và đường mòn, ngăn chặn sự phá rừng, hòa giải giữa các tù trưởng, mang lại cho người Rhadé một niềm hãnh diện” (dừng trích).

Đến năm 1923, Khâm sứ Pháp ở Trung Kỳ Pierre Pasquier (sau này được thăng chức toàn quyền và là người khá am hiểu về phong tục Annam) ra lệnh cho các công sứ lấy Đắk Lắk làm gương, duy trì không cho người ngoài, cả người Kinh lẫn người Pháp, ồ ạt lên cao nguyên lập đồn điền.

Khâm sứ lệnh cho các công sứ phải sưu tầm văn hoá, tập quán, phong tục của người Thượng như Sabotier đã làm ở Đắk Lắk, hướng dẫn người dân trồng cây ăn trái, hoa màu, mở lớp dạy về y tế, tuyển các giáo viên nói tiếng Thượng để dạy cho con em người Thượng.

Tuy nhiên sau tháng 4-1975, cư dân sắc tộc bản địa hay “đồng bào thiểu số” ở Đắk Lắk, Tây Nguyên đã bị “truất hữu đất đai của tổ tiên” nơi mà nhà nước cộng sản Việt Nam cho rằng họ được toàn quyền định đoạt.

Chuyện chênh lệch địa tô vì vậy càng trở nên căng thẳng hơn khi nhà nước tiến hành các dự án quy hoạch đất đai cho yêu cầu phát triển kinh tế.

Quy trình quen thuộc ở đây là chênh lệch địa tô được hình thành từ việc chuyển mục đích sử dụng đất, từ loại đất có giá trị thấp sang loại đất có giá trị cao. Đất nông nghiệp được mua gom, được đền bù với giá rẻ rồi chuyển đổi thành đất phi nông nghiệp, đất ở, đất thương mại, dịch vụ có giá cao gấp cả chục lần so với đất nông nghiệp.

“Với chênh lệch địa tô đó, người dân bị đẩy ra ngoài lề của sự phát triển, bị bỏ lại phía sau, bất chấp là người thuộc sắc tộc nào, ngoại trừ tộc nón cối” – một nhà quan sát nhận xét với sự dè bỉu như vậy khi ông dùng từ “nón cối” để chỉ cho thế lực lợi ích nhóm ở thượng tầng chính trị tại Hà Nội.


Tin bài liên quan:

VNTB – Quan hết thời cũng thành dân oan

Phan Thanh Hung

VNTB – Dân phòng được quyền động thủ với dân?

Phan Thanh Hung

VNTB – Phiếm đàm ‘tiền chùa’

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo