Lê Tự Do
(VNTB) – Thật tiếc khi những lời cám ơn đáng lẽ cần được nói ra lại hiếm hoi xuất hiện.
“Lời cám ơn như một phép lịch sự khi nhận được sự giúp đỡ từ người khác. Ấy vậy mà thực tế có một bộ phận người trẻ dường như quên lời cám ơn”. Đó là một vấn đề được đặt ra trên một tờ báo điện tử.
Hai tiếng cám ơn, theo một định nghĩa, là lời bày tỏ lòng biết ơn, kính trọng đối với việc làm, hành động hay sự giúp đỡ của một ai đó. Người nhận được lời cám ơn của bạn sẽ cảm thấy rất vui bởi vì họ nghĩ rằng bạn đã hiểu được tấm lòng và sự tôn trọng mà họ dành cho bạn.
Ông Minh chia sẻ một trường hợp thiếu hai tiếng cám ơn dẫn đến khó chịu: “Tôi biết một trường hợp rất rõ cho vấn đề này, đó chính là đứa cháu họ trong gia đình của tôi. Thương nó vì có hoàn cảnh tuy không khó khăn gì mấy nhưng bị coi thường, giúp đỡ và chỉ dạy nó. Thế nhưng, dù là những nguyên tắc sinh hoạt bình thường của ông bà để lại như đi thưa về trình, như sự lễ phép, cách ăn uống… cho đến những cách ứng xử như cám ơn – xin lỗi.
Mười lần chắc đủ mười, nó không bao giờ mở miệng ra nói một tiếng nào, dù nó là người rất bình thường, cũng chưa bao giờ nói tiếng cám ơn, dù rất nhiều lần giúp đỡ nó vượt qua khó khăn trong cuộc sống lẫn học hành, tài chính”
Cám ơn, đó là một điều hoàn toàn không mới mẻ gì. Trong Quốc văn giáo khoa thư, bộ sách nằm trong hệ thống sách giáo khoa bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên được đem vào sử dụng để giảng dạy theo quy chế Cải cách giáo dục của Toàn quyền Đông Dương ngày 21/12/1917 cũng có những bài học về lời cám ơn như một lẽ tất nhiên, không có gì là lạ.
Đơn cử, trong bài học “Nên giúp đỡ lẫn nhau”: Trời nắng to. Đường thì dốc. Một ông lão đầy cái xe lợn. Trên xe có ba bốn con lợn to, chân trói, bụng phơi và mồm kêu eng éc. Ông lão cố đẩy cái xe, mặt đỏ bừng, mồ hôi chẩy, mà xe vẫn không thấy chuyển.
Mấy cậu bé đang chơi trên bờ đê, thấy thế, vội chạy tới, xúm lại, buộc dây vào đầu xe mà kéo hộ.
Xe lên khỏi dốc, ông lão cám ơn các cậu và các cậu cũng lấy làm vui lòng, vì đã giúp được việc cho người.
Có thể nói, nếu nói trong tất cả trường hợp đều không cám ơn, xem ra là hơi võ đoán. Nhưng việc thiếu lời cảm ơn hiện diện ở nhiều nơi, nhiều không gian khác nhau. Như ở trong môi trường lớp học, khi được bạn học hoặc lớp trưởng phát tài liệu, phát đề thi hoặc giấy nháp…, nhiều người nhận và “quên” luôn hai tiếng cám ơn.
Cửa hàng, hàng quán cũng có những nhân viên trẻ hình như chẳng bao giờ nói lời cám ơn khách hàng và ngược lại. Ở quán cà phê cũng vậy, nhiều khi được nhân viên đem nước hoặc cho thêm trà đá cũng nên cần có phép lịch sự là nói lời cám ơn họ. Vậy mà thật tiếc khi những lời cám ơn đáng lẽ cần được nói ra lại hiếm hoi xuất hiện.
Lập luận cho lý lẽ vì sao không cám ơn mỗi khi có người giúp đỡ mình, có ý kiến cho rằng, ngại khi mở miệng nói hai chữ cám ơn, cảm thấy rất khó nói vì nó có phần giống như chứng tỏ năng lực của mình yếu kém, cần đến sự giúp đỡ của người khác.
Không đồng tình với quan điểm này, ông Minh cho rằng: “Tập riết rồi nó cũng sẽ quen. Không hẳn phải là giúp mình thì mới cám ơn, nhân viên họ thối tiền lại cho mình, mình cũng cám ơn. Chứ như trường hợp tôi kể ở trên, vì chữ tình chữ nghĩa, hết lòng giúp đỡ cậu em trẻ đó nhưng đổi lại, nó im lặng. Nó hiểu hay không hiểu, nghe hay không nghe, có thắc mắc gì hay không, cũng im lặng. Tạo cho người đối diện có cảm giác như đang bị coi thường. Nó chẳng khác gì một hành động của sự mất dạy cả”.
Thiết nghĩ, nếu như lời cám ơn khó nói đến cái mức không thể nói ra, thì lỗi ở đây là do ai? Là do xuất phát từ chính môi trường giáo dục gia đình? Lỗi của cá nhân? Hay do lỗi của giáo dục, đã gián tiếp tạo cho không ít cá nhân ngộ nhận về “lẽ sống của cá nhân”?
1 comment
Không chỉ lời cảm ơn mà ngay cả lời xin lỗi cũng bị lãng quên.Nguyên nhân chính là sự giáo dục từ học đường.