Hàn Giang
Sau khi nhà bị cưỡng chế, gia đình ông Hùng phải đem bàn thờ cha mẹ ra khỏi nhà (ảnh: người nhà ông Hùng cung cấp)
(VNTB) – Dư luận Đà Nẵng vẫn chưa hết bàn tán về vụ cưỡng chế nhà và đất số 209 Đống Đa do ông Võ Văn Hùng và Đặng Thị Thu Hương quản lý vào hôm 7/6/2016 thì mới đây, một tốp người “lạ mặt” có xăm trổ trên người lại ập vào nhà đánh ông Hùng phải nằm viện.
Điều đáng nói là, tốp người “lạ mặt” này theo sau ông Nguyễn Nguyên Hà là em con của dì dượng với ông Hùng và cũng là người đại diện ủy quyền của bà Võ Thị Hoàng Yến được tòa án dân sự ở Đà Nẵng phán quyết là được quyền sở hữu và sử dụng nhà và đất nêu trên…
Ông Võ Văn Hùng nằm bệnh viện sau khi bị “người lạ” đánh (ảnh được lấy từ Video Huy Quang Hồ)
Người “lạ mặt” theo em đến nhà đánh anh
Theo ông Hùng thuật lại thì khoảng 14 giờ ngày 15/6/2016, lúc ông Hùng đang ngủ trưa và con gái của ông tên là Hằng đang ở trước nhà thì ông Hà, tức Nguyễn Nguyên Hà (con bà Hồng) cùng người anh trai đến nhà 209 Đống Đa mở cửa, theo sau ông Hà có mấy người “lạ mặt” xăm trổ trên người cùng đến. Nghe tiếng kéo cửa, ông Hùng thức dậy hỏi, ngay lập tức mấy người “lạ mặt” lao vào túm cổ ông Hùng lôi dưới nền nhà và đánh đập. Ông thuật lại:
“Họ đánh tôi nhiều. Họ đè tôi xuống nền nhà, kê đầu gối ngay hông sườn, đầu tụ xuống nền và bóp cổ. Ông Hà thì đứng nhìn.”
Lúc đánh ông Hùng, ông Hà đứng nhìn và lát sau thì la lên những lời như; “Báo công an đến” “giữ chặt nó lại”. Theo ông Hùng đây là một hành động vừa đánh vừa la làng. Vụ việc ầm ĩ, ngay sau đó công an địa phương đến thì ông Hùng mới hết bị đánh. Ông Hùng kể tiếp:
“Khi công an địa phương đến thì tận mắt thấy mấy người này đang còn đè người và đập tôi. Công an tới thì mấy người này mới hết đánh tôi. Tôi ngồi thở rồi sau đó phải lên bệnh viện và công an mời mấy người này lên đồn làm việc”
Được gia đình đưa đi bệnh viện, theo Việt Nam Thời Báo (VNTB) được biết thì tình trạng thương tích của ông Hùng có thể là đang bị chấn thương phần mềm.
“Nó (những người lạ mặt) đánh đau, khó thở, nơi sườn còn khá đau…giờ đang nằm bệnh viện”, lời ông Hùng
Trước hoàn cảnh gia đình ông Hùng, VNTB cũng như dư luận đang quan tâm vụ việc cưỡng chế nhà và đất tại số nhà 209 Đống Đa, nơi gia đình ông Hùng đang sinh sống vào hôm ngày 7/6/2016, đã bày tỏ sự quan tâm và giúp đỡ. Cuộc cưỡng chế là kết quả của một vụ án dân sự tranh chấp quyền sỡ hữu nhà ở (QSHNO) và quyền sử dụng đất ở (QSDĐO) còn quá nhiều tranh cãi, chưa rõ ràng.
Điểm “tạo dựng” của vụ án
VNTB may mắn có được nội dung xét xử sơ thẩm lẫn phúc thẩm về việc “Tranh chấp QSHNO và QSDĐO” tại số nhà 209 Đống Đa. Căn cứ vào nội dung phiên xét xử sơ thẩm của vụ án diễn ra vào ngày 7/6/2012, tại Tòa án nhân dân Thành phố (TP.) Đà Nẵng ở phần xét thấy được tóm tắt thông qua những gì mà Hội đồng xét xử nhận định như sau:
Tờ cam kết ngày 24-2-2000 (ảnh: người nhà ông Hùng và bà Hương cung cấp)
Nhà và đất tại số 209 Đống Đa, hiện do ông Võ Văn Hùng và bà Đặng Thị Thu Hương đồng quản lý, nguyên trước đây mang số 65 Đống Đa, nhà trệt hai gian tường, mái tôn, nền ciment, diện tích 76,08m2 do ông Nguyễn Đức Lộc và bà Võ Thị Hoàng Yến (Việt kiều Mỹ) xây dựng từ năm 1969.
Ngày 6/1/1981, ông Lộc và bà Yến lập văn tự bán đoạn cho ông Nguyễn Ngãi và bà Võ Thị Hồng, được UBND phường Thạch Thang TP. Đà Nẵng xác nhận ngày 2/10/1982, đăng ký sang tên cải nghiệp tại Ty Quản lý Nhà đất và Công trình công cộng tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng ngày 26/11/1982. Năm 1988, ông Ngãi và bà Hồng được Sở xây dựng Quảng Nam- Đà Nẵng cấp trích lục sổ Nghiệp chủ số 398/TLNC ngày 26/9/1988.
Tháng 11 năm 1990, ông Ngãi và bà Hồng bán phần nhà có diện tích 37m2 cho bà Phan Thị Thông, theo văn tự bán nhà ngày 26/11/1999, trước bạ sang tên ngày 19/3/1991.
Ngày 9/3/1999, ông Ngãi và bà Hồng tặng cho toàn bộ nhà đất còn lại cho bà Võ Thị Hiên theo Hợp đồng chuyển dịch nhà ở được phòng công chứng số 1 thành phố Đà Nẵng thị thực số; 129 HVC ngày 9/3/1999.
Sau khi được tặng cho nhà đất nói trên, ngày 9/6/1999, bà Võ Thị Hiên được UBND TP. Đà Nẵng cấp Giấy chứng QSHNO và QSDĐO với diện tích 44,5m2.
Năm 2005, bà Hiên chết không để lại di chúc, ông Hùng và bà Hương là người trực tiếp quản lý nhà đất nói trên nếu xét theo diện thừa hưởng di sản theo pháp luật.
Nay bà Võ Thị Hoàng Yến cho rằng; nhà đất tại số 209 Đống Đa thuộc quyền sở hữu của bà và bà yêu cầu ông Hùng và bà Hương có trách nhiệm giao nhà đất lại cho bà quản lý, sở hữu. Bà ủy quyền cho ông Nguyễn Nguyên Hà (con bà Hồng và ông Ngãi) là người đại diện cho bà tại Tòa.
Còn ông Hùng và Hương thì cho rằng, nhà đất tại số 209 Đống Đa thuộc quyền sở hữu của bà Võ Thị Hiên, đã được UBND TP. Đà Nẵng công nhận QSHNO và QSDĐO. Tuy nhiên, phần xây dựng của ngôi nhà như hiện nay là do bà Yến đầu tư, còn diện tích đất là của bà Võ Thị Hiên.
Tại phần xét thấy này, có nhắc đến 2 tờ giấy, một tờ có tên “Tờ cam kết” và một tờ có tên “Đơn trình bà về việc thực hiện tiếp cam kết của mẹ với dì chúng tôi” được xem như quyết định của vụ án.
“Tờ cam kết” là một tờ giấy có những con chữ được viết bằng tay do bà Võ Thị Hiên lập ngày 24/02/2000, có nội dung như sau: “Tôi ký tên dưới đây là Võ Thị Hiên hiện là chủ sở hữu ngôi nhà 209 Đống Đa, Đà Nẵng. Ngôi nhà trên là do người em ruột của tôi là Võ Thị Hoàng Yến, Việt kiều Mỹ tạo dựng và bỏ tiền ra xây cất toàn bộ cho tôi ở. Vậy tôi cam kết rằng, sau này nếu tôi muốn bán hoặc sang tên cho người khác ngôi nhà nói trên đều phải được sự đồng ý của em tôi là Võ Thị Hoàng Yến…”.
Theo bà Yến, bà nói mình là chủ sở hữu thật sự đối với nhà tại số 209 Đống Đa. Năm 1993, bà mua lại căn nhà này từ ông Nguyễn Ngãi và bà Hồng là chủ sở hữu nhưng do thời điểm đó, bà đang là người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài nên theo chính sách của Nhà nước Việt Nam về nhà đất thì bà không được quyền giao dịch mua bán nhà đất. Vì lẽ này nên bà nhờ người chị ruột của mình là bà Hiên đứng tên trong hợp đồng chuyển dịch. Sau đó, bà bỏ tiền ra xây dựng căn nhà như hiện nay. Do bà Hiên chỉ là người đứng tên trong giấy chứng nhận QSHNO và QSDĐO và để xác nhận bà là người chủ sở hữu thật sự đối với bất động sản này, nên vào ngày 24/2/2000 bà Hiên có lập “Tờ cam đoan”, xác nhận nhà đất tại 209 Đống Đa là của bả, bà Hiên muốn sang nhượng thì phải có sự đồng ý của bà. Sau khi bà Hiên chết, các con của bà Hiên là ông Hùng và bà Hương đã tiếp tục xác định lại ý chí của bà Hiên đối với nhà đất nói trên theo văn bản ngày 18/7/2006 có tên “Đơn trình bà về việc thực hiện tiếp cam kết của mẹ với dì chúng tôi”.
Theo Tòa, tại “Tờ cam kết” có đoạn trích “Ngôi nhà trên là do người em ruột của tôi là Võ Thị Hoàng Yến, Việt kiều Mỹ tạo dựng và bỏ tiền ra xây cất toàn bộ cho tôi ở.”. Như vậy, theo bà Hiên, bà Yến là người “tạo dựng” và cũng là người đầu tư xây dựng căn nhà. Khái niệm “tạo dựng” ở đây được hiểu bà Yến là người tạo ra tài sản đó, có thể do xây dựng hoặc có thể do sang nhượng…Thêm một ý nữa là, do nhà và đất tại 209 Đống Đa thực tế thuộc quyền sở hữu, sử dụng của bà Yến, về mặt pháp lý bà Hiên là chủ sở hữu nhưng bà Hiên không còn quyền định đoạt đối với bất động sản này, thể hiện tại “Tờ cam kết” ngày 24/2/2000 bà Hiên khẳng định “nếu tôi muốn bán hoặc sang tên cho người khác ngôi nhà nói trên đều phải được sự đồng ý của em tôi là Võ Thị Hoàng Yến.”
Ông Hùng và bà Hương một lần nữa cho rằng chỉ có phần xây dựng của ngôi nhà là do bà Yến đầu tư, còn quyền sử dụng đất là của bà Hiên, mà hiện nay ông bà là người thừa kế.
Tòa án sơ thẩm công nhận quyết định căn nhà 209 Đống Đa thuộc quyền sở hữu của bà Võ Thị Hoàng Yến (Giấy chứng nhận QSHNO, QSDĐO đứng tên bà Võ Thị Hiên). Buộc ông Hùng và bà Hương phải giao trả toàn bộ nhà đất tại 209 Đống Đa cho bà Yến sở hữu, sử dụng.
Ngay sau bản án sơ thẩm tuyên, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP. Đà Nẵng đã ra quyết định “Kháng nghị bản án dân sự sơ thẩm” nêu trên. Trong quyết định kháng nghị có đoạn; Nội dung “Tờ cam kết” thể hiện rõ ý chí của bà Hiên là nếu bà muốn bán hoặc sang tên ngôi nhà phải được sự đồng ý của bà Yến. Nghĩa là khi bà Hiên thực hiện quyền định đoạt đối với tài sản của mình thì phải có ý kiến chi phối của bà Yến, hoàn toàn không có nghĩa là bà Hiên đồng ý cho bà Yến được toàn quyền định đoạt bán hoặc sang tên đối với ngôi nhà như nhận định tại bản án cho rằng bà Hiên đã chuyển giao toàn bộ quyền định đoạt nhà đất cho bà Yến đồng nghĩa với việc bà Hiên từ bỏ quyền định đoạt của chính mình.
Cũng theo phân tích của bản án; Khái niệm “tạo dựng” ở đây được hiểu là bà Yến là người tạo dựng ra tài sản đó …”. Chiếu theo nội dung cam kết của bà Hiên thì bà Yến là người đã tạo dựng ra ngôi nhà, tức là tạo ra vật kiến trúc trên đất, hoàn toàn không liên quan đến QSDĐO như nhận định tiếp theo của bản án cho rằng: “Sau khi tạo dựng được nhà, đất tại 209 Đống Đa, bà Yến là người tiếp tục đầu tư xây dựng …” bởi ngay trong phần đầu của “Tờ cam kết” ngày 24/2/2000, bà Hiên có đề cập đến QSHNO ngôi nhà 209 Đống Đa bằng sự khẳng định; “Tôi ký tên dưới đây là Võ Thị Hiên hiện là chủ sở hữu ngôi nhà 209 Đống Đa, Đà Nẵng” và trong tòan bộ cam kết chỉ nói đến ngôi nhà chứ không có bất cứ câu chữ nào liên quan đến QSDĐO. Ngoài ra, việc “tạo dựng” và bỏ tiền ra xây cất thể hiện tại “Tờ cam kết” là được tiến hành đồng thời chứ không như nhận định của bàn án là “sau khi tạo dựng” mới “tiếp tục” đầu tư xây cất.
Việc Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng bà Hiên cam kết thừa nhận tòa bộ nhà, đất tại 209 Đống Đa do bà Yến “tạo dựng” nên là sự suy diễn không có căn cứ và không đúng ý chí của bà Hiên tại “Tờ cam kết” ngày 24/2/2000.
Song. Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát lẫn yêu cầu của ông Hùng và bà Hương đã bị Tòa bác ở phiên phúc thẩm. Giữ nguyên quyết định bản án sơ thẩm đối với bà Yến.
Vụ án đang còn tranh cãi thì ngày 7/6/2016 vừa qua, ông Hùng và bà Hương bị cưỡng chế ra khỏi ngôi nhà 209 Đống Đa để giao nhà và đất cho bà Yến. Ông Hùng và bà Hương vẫn tiếp tục khiếu kiện vụ án để đòi đúng tài sản mình muốn có.