Hoài Nguyễn
(VNTB) – Phiên tòa hình sự sơ thẩm “chuyến bay giải cứu” đã tạm dừng hai tiếng để cập nhật về số bạc “khắc phục” là “vở diễn” có chút “hơi vụng” của đôi bên.
Thường thì ở phiên phúc thẩm, để có căn cứ cho giảm án, các luật sư thường chọn theo hướng “khắc phục” bằng tăng số tiền mà gia đình thân chủ của họ nộp vào ngân sách nhà nước. Dĩ nhiên trước đó còn là những khoản “ngoại giao trà nước” để kịch bản này suôn sẻ ở phiên tòa.
Tôi còn nhớ lần đồng tham gia bào chữa cho một chủ doanh nghiệp lớn mà người em của ông chủ này là bạn của tôi. Khi đó, vị thân chủ bị tuyên tử hình ở phiên sơ thẩm. Tòa phúc thẩm do thẩm phán PCH “ngồi” (giờ ông PCH là luật sư).
Diễn biến phiên tòa theo hướng sẽ tăng mức tiền để “khắc phục”, qua đó giúp thân chủ của tôi được xuống còn mức chung thân. Thế nhưng bất ngờ là người vợ của người đứng trước vành móng ngựa đã từ chối bán bớt 1 căn nhà chung của họ để giúp “thi hành án” (họ có đến 3 căn nhà chung).
Phiên tòa nghỉ giải lao.
Thẩm phán PCH cùng người thân bên gia đình của vị thân chủ tôi đã phải ra sức “động viên” thì người vợ này mới… gật đầu. Án tuyên chung thân. Còn chuyện thi hành án ra sao thì… tôi không tiện hỏi sau đó, vì… tế nhị chuyện gia đình của họ.
Trước đó nữa, một người bạn khác của tôi vướng lao lý từ vụ án ông trùm Năm Cam. Phiên tòa phúc thẩm tuyên giảm án cho nhiều người vì gia đình của họ chấp nhận ‘xuất tiền khắc phục’, còn người bạn của tôi thì bà vợ dứt khoát từ chối.
“Trả án” xong, người bạn của tôi chia tay người vợ đó, và giờ cũng đề huề hạnh phúc với “người đến sau”.
Lập luận quen thuộc cho các trường hợp như trên, đại khái là sau khi thực hiện hành vi phạm tội cho đến khi bị đưa ra xét xử tại tòa, nếu người phạm tội nhận thức được hành vi phạm tội của mình và có ý thức khắc phục hậu quả, thì việc nộp tiền khắc phục hậu quả ở giai đoạn này được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 51, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trường hợp người phạm tội đã gây ra thiệt hại, tức là thiệt hại đã thực tế xảy ra nhưng người phạm tội đã sửa chữa, bồi thường những thiệt hại do mình gây ra cho bên bị thiệt hại hoặc đã tự nguyện khắc phục hậu quả của tội phạm.
Việc tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả phải xảy ra trước khi tuyên án và thuộc ở cấp nào thì cấp đó coi là tình tiết giảm nhẹ.
Hiện tại, pháp luật không quy định rõ mức đền bù thiệt hại, khắc phục hậu quả là bao nhiêu thì người phạm tội sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ. Duy nhất tại điểm c, khoản 3, Điều 40 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về loại hình phạt “tử hình”, quy định rất rõ điều kiện mà người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ không bị thi hành hình phạt tử hình là phải chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Về mặt tuyên truyền cho quan điểm “nhân văn cộng sản”, thì phía nhà chức trách thường cao giọng rằng, “tình tiết khắc phục hậu quả không phải là phép tính cộng nộp tiền, và phép trừ giảm án mà mang tính nhân văn, giáo dục và răn đe cao, là sự phân loại bị cáo theo mức độ thành khẩn, hối cải”.
Trong phiên sơ thẩm cuối năm 2019, bị cáo Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, bị đề nghị mức án tử hình về tội nhận hối lộ trong vụ mua bán cổ phần tại AVG. Trước ngày tòa tuyên án, gia đình ông Son nộp đủ 3 triệu USD mà bị cáo đã nhận hối lộ. Xét tình tiết giảm nhẹ này, Hội đồng xét xử tuyên bị cáo nhận án chung thân.
Tương tự, sau khi nộp 37 tỷ đồng khắc phục hậu quả, đúng bằng 3/4 số tiền 49 tỷ đồng gây thiệt hại, cựu Tổng giám đốc ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) Nguyễn Xuân Sơn đã được Tòa phúc thẩm kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét giảm hình phạt cho bị cáo Sơn từ tử hình xuống chung thân.
Tù chung thân với những trường hợp như trên, không dạm lạm bàn các cựu quan chức từng ở cấp thượng tầng chính trị, với anh của người bạn tôi như đã kể ở đầu bài viết này, được ra bên ngoài trại giam để mở xưởng nước đá và lại tiếp tục làm giàu…