Việt Nam Thời Báo

VNTB- Nguyễn Đức Huy: Lên tiếng cho thảm họa thủy sản chết ở VN là trách nhiệm và lương tâm của tôi

Hàn Giang

Images intégrées 1
Đại diện các tổ chức NGO và một số người dân ở Đài Loan biểu tình thảm họa thủy sản (ảnh: Nguyễn Đức Huy)
  
(VNTB) – “Bản thân tôi, Hà Tĩnh là quê hương của tôi, quê hương của tôi cũng đang bị ảnh hưởng vụ thảm họa thủy sản, sự việc diễn ra hết sức là đau lòng tại sao tôi lại không quan tâm? Tôi cứ nghĩ nếu gia đình tôi mà bị chuyện gì trong thảm họa này thì tôi sẽ làm thế nào? Tôi làm việc theo lương tâm và trách nhiệm của tôi chứ không theo một động cơ hay bị xúi giục bởi cá nhân, tổ chức nào.”, anh Nguyễn Đức Huy nói.
Gần 80 ngày trôi qua, chính phủ Việt Nam vẫn giữ thái độ im lặng trong việc công bố nguyên nhân thủy sản chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung. Mặc dù tình hình giờ đây không còn nóng bỏng như những ngày đầu tháng Tư nhưng tâm lý người dân vẫn chưa hết lo âu. Đã có rất nhiều cuộc biểu tình của người dân nổ ra yêu cầu chính phủ Việt Nam minh bạch thông tin, yêu cầu sớm công bố thủ phạm hòng đền bù thiệt hại cho người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa và kêu gọi dư luận quan tâm hơn nữa đến việc bảo vệ môi trường. Mặc dù các cuộc biểu tình cơ bản đã bị dập tắt nhưng cũng đặt ra nhiều áp lực đối với chính phủ Việt Nam.
Ở một diễn biến khác, theo thông tin báo đài và các trang mạng xã hội cho biết; Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc có ngỏ lời muốn giúp đỡ Việt Nam trong vấn đề thủy sản chết hàng loạt nhưng đến nay chính phủ Việt Nam một là đã từ chối và hai là giữ thái độ im lặng. Trong khi đó, đa số các tổ chức dân sự cùng các nhà hoạt động dân sự ở Việt Nam cho rằng; thủ phạm chính gây ra thảm họa thủy sản này là công ty gang thép Formosa, một công ty Đài Loan có chi nhánh đầu tư và sản xuất tại Vũng Áng (Hà Tĩnh). Công ty này từng nhập hàng trăm tấn hóa chất với nồng độ độc hại vượt mức cho phép để tẩy rửa đường ống ngầm dẫn ra biển, được cho là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm một vùng biển rộng lớn. Vì lẽ này mà ngày 16 và 17/6/2016 vừa qua, tại Đài Loan đã diễn ra một cuộc họp báo và một cuộc biểu tình yêu cầu công ty Formosa và chính phủ Đài Loan phải điều tra cặn kẽ vụ thảm họa thủy sản ở Việt Nam.

Có mặt trong hai sự kiện nêu trên, anh Nguyễn Đức Huy, một công dân Việt Nam hiện đang sinh sống và làm việc tại Đài Loan đã có cuộc trao đổi với Việt Nam Thời Báo (VNTB) về những thông tin bổ ích mà anh Huy biết được.
PV. VNTB: Thưa anh Huy! Một cuộc họp báo và một cuộc biểu tình diễn ra trong hai ngày, ngày 16 và 17/6/2016 tại Đài Loan, có những thông tin bổ ích gì rất mong anh chia sẻ?

A. Nguyễn Đức Huy: Tôi có tham gia cuộc biểu tình và có mặt trong cuộc họp báo. Tôi muốn nói qua với anh vài điều diễn ra như thế này. Vào khoảng tầm 9h30’ ngày 16/6/2016, theo giờ Đài Loan có diễn ra một cuộc họp báo ở tại Văn phòng Quốc hội Đài Loan. Cuộc họp thu hút rất nhiều người, trong đó có 3 nghị sỹ của Đài Loan tham gia và có 4 tổ chức NGO cùng tham gia. Sang ngày 17/6/216, tại khách sạn Vương Triều của thành phố Đài Bắc, trước giờ các cổ đông Formosa có cuộc đại hội lớn, có tầm khoảng 50 chục người trong đó có hơn 30 người Việt đã có mặt tại đây để biểu tình và phản đối các vấn đề liên quan đến công ty Formosa.

Images intégrées 2 
Khẩu hiệu có cả tiếng Việt và tiếng Đài Loan trong cuộc biểu tình thảm họa thủy sản (ảnh: Nguyễn Đức Huy)
PV. VNTB: Cộng đồng người Việt ở Đài Loan do ai khởi xướng? Thông điệp đưa ra là gì?

A. Nguyễn Đức Huy: Vấn đề khởi xướng thì do 4 tổ chức NGO khởi xướng. Họ đều quan tâm đến các vấn đề của công ty Formosa như; hội liên hiệp Luật sư về môi trường Đài Loan và Văn phòng trợ giúp công nhân và cô dâu Đài Loan của cha Phero Nguyễn Văn Hùng đề bạt, khởi xướng những sự việc này. Tâm điểm của việc họp báo và cuộc biểu tình để nói lên sự quan tâm đến thảm họa môi trường, thảm họa thủy sản chết và nói lên sự quan tâm đến những khó khăn của người Việt Nam có sự liên kết chia sẻ của các nước trên thế giới, trong đó có cộng đồng người Việt tại Đài Loan này. Mọi người muốn làm điều gì đó để không những ở Việt Nam mà cả thế giới cần phải quan tâm đến thảm họa này (thảm họa môi trường nói chung).
PV. VNTB: Để có cuộc biểu tình phản đối Formosa tại Đài Loan, hẳn anh và nhiều người có tìm hiểu chút ít thông tin về công ty này, vậy từ trước giờ công ty này đã gây tác hại ở đâu đó giống như ở Việt Nam hay không?
A. Nguyễn Đức Huy: Theo tôi được biết, công ty Formosa nổi tiếng gây ra rất nhiều vụ thảm họa môi trường trên thế giới mà mình có biết. Riêng ở Việt Nam, thảm họa thủy sản vừa qua như là một chứng cứ đặt ra sự hoài nghi về công ty Formosa gây ra ô nhiễm vùng biển ở các tỉnh miền Trung Việt Nam, tôi rất quan tâm đến vấn đề này.
PV. VNTB: Tâm điểm cuộc biểu tình và cuộc họp báo chỉ để phản đối công ty Formosa hay vì mục tiêu bảo vệ môi trường nói chung?

A. Nguyễn Đức Huy: Hai ngày biểu tình và họp báo đó, tâm điểm mà chúng tôi (những người biểu tình) chú tâm đến 3 yêu cầu. Một, các tổ chức NGO yêu cầu công ty Formosa minh bạch 384 hóa chất thải rữa ở Việt Nam là những hóa chất gì? Độc hại ra sao? Hai, yêu cầu chính phủ Đài Loan và công ty Formosa lập đoàn thể đi vào Việt Nam điều tra vụ việc cụ thể để báo cáo cho quốc tế biết. Ba, yêu cầu xem lại luật lệ có nghĩa là, bây giờ Đài Loan có xu hướng đầu tư vào Việt Nam hay ở các Đông Nam Á nhưng có nhiều điều luật lệ lại không theo quy trình của tiến trình thế giới hoặc là không theo luật pháp của Đài Loan này cũng như ở nước sở tại. Cho nên, việc gây ra những vấn đề như thảm họa môi trường mà chính phủ Đài Loan lại không có trách nhiệm gì về các vấn đề đó. Vì vậy, yêu cầu chính phủ Đài Loan cần sửa đổi hoặc điều chỉnh một số luật lệ về những công ty muốn đầu tư vào Việt Nam cũng như đầu tư vào các  nước Đông Nam Á. Đây là 3 yêu cầu mà chúng tôi muốn đặt lên công ty Formosa cũng như phía chính phủ Đài Loan.
PV. VNTB: Có nhiều nghị sỹ Đài Loan có mặt trong sự kiện nêu trên đã đưa ra yêu cầu hay nhắc đến những vấn đề gì?

A. Nguyễn Đức Huy: Tôi có mặt trong cuộc họp báo ngày 16/6/2016, tôi thấy có một nghị sỹ quan tâm đến vấn đề nhân quyền, quan tâm đến việc công ty Formosa đến từ Đài Loan này có liên quan gì đến việc người dân di dời, đền bù có thỏa đáng hay không? Các nghị sỹ cũng rất quan tâm đến môi trường sống của 180 hộ dân ở giáo xứ Đông Yên (Kỳ Anh-Hà Tĩnh) mà họ không muốn di chuyển, những con em của những hộ dân này không được đến trường trong một, hai năm rồi.  
PV. VNTB: Đến bây giờ chính phủ Việt Nam vẫn chưa công bố nguyên nhân thảm họa thủy sản chết nên không chắc công ty Formosa (Vũng Áng) có phải là thủ phạm chính hay không? Nhưng dù sao đây cũng là chuyện xảy ra ở Việt Nam, vậy vì lý do gì mà phía Đài Loan họ đặc biệt quan tâm?

A. Nguyễn Đức Huy: Theo tôi được biết, văn phòng Liên hiệp Luật sư về môi trường ở Đài Loan họ quan tâm nhiều vấn đề trên thế giới đặc biệt là các vấn đề về môi trường. Công ty Formosa đã gây ra rất nhiều các vấn đề về môi trường nên họ quan tâm đến Formosa. Sự kiện thảm họa môi trường biển xảy ra ở miền Trung Việt Nam đã có đài truyền hình đến Việt Nam và họ đã biết được thông tin này nên họ đặc biệt chú ý đến.
PV. VNTB: Qua cuộc biểu tình và cuộc họp báo ở Đài Loan, phía công ty Formosa và đại diện chính phủ Đài Loan đã lên tiếng gì chưa?

A. Nguyễn Đức Huy: Về phía công ty Formosa thì trong Đại hội cổ đông hôm 17/6/2016, có đưa ra vấn đề Formosa nhưng tôi chưa thấy câu trả lời hoặc có rồi mà tôi không theo dõi nên không biết. Nhưng một điều mà tôi biết rằng; nếu công ty Formosa và chính phủ Đài Loan tiếp tục không quan tâm thì chắc hẳn các tổ chức NGO không dừng tại đây mà sẽ tiếp diễn nơi khác nữa.
PV. VNTB: Ngoài việc cộng đồng người Việt sinh sống tại Đài Loan đã biểu tình yêu cầu công ty Formosa cải thiện vấn đề môi trường, chịu trách nhiệm những việc làm của mình thì theo bạn, cộng đồng người Việt của mình ở bên ấy còn làm những việc gì khác để hướng về ngư dân miền Trung Việt Nam đang hứng chịu thảm họa thủy sản?

A. Nguyễn Đức Huy: Là một người Công giáo, ngoài vấn đề lên tiếng về thảm họa cá chết thì chúng tôi còn lên tiếng trong thánh lễ, quyên góp chút ít nào đó để giúp đỡ bà con ở quê nhà. Chúng tôi cũng thường cầu nguyện liên quan đến vụ thảm họa này.
PV. VNTB: Theo bạn thì những việc làm của bạn mang tính cá nhân hay vì trách nhiệm chung cho quê hương, đất nước?

A. Nguyễn Đức Huy: Bản thân tôi, Hà Tĩnh là quê hương của tôi, quê hương của tôi cũng đang bị ảnh hưởng vụ thảm họa thủy sản, sự việc diễn ra hết sức là đau lòng tại sao tôi lại không quan tâm? Tôi cứ nghĩ nếu gia đình tôi mà bị chuyện gì trong thảm họa này thì tôi sẽ làm thế nào? Tôi làm việc theo lương tâm và trách nhiệm của tôi chứ không theo một động cơ hay bị xúi giục bởi cá nhân, tổ chức nào.
VNTB cám ơn những chia sẻ bổ ích của anh Nguyễn Đức Huy!
Anh Nguyễn Đức Huy cũng cho VNTB biết thêm, công ty Formosa ngoài việc bỏ 70% cổ phần đầu tư vào Việt Nam thì còn có một công ty cổ phần tên Trung Gang có 25% vốn đầu tư cũng của Đài Loan hiện đang đầu tư vào Vũng Áng (Hà Tĩnh).

Liên quan đến vụ thảm họa thủy sản chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung Việt Nam, nếu công ty Formosa và chính phủ Đài Loan không điều tra vụ thảm họa này cho đàng hoàng thì như các nghị sỹ Đài Loan đã nói; “Nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Đài Loan và thế giới.”. Chắc hẳn sẽ ảnh hưởng nhiều đến những vấn đề khác liên quan ở Đài Loan, cũng đừng quên Đài Loan đang là thể chế dân chủ nên những vấn đề ô nhiễm môi trường, nhân quyền rất được coi trọng.

Tin bài liên quan:

VNTB- Công an cướp tài sản và hành hung dã man nhà hoạt động Nguyễn Văn Dũng?

Phan Thanh Hung

VNTB – Đà Nẵng: Tán gia bại sản vì mua nhà “hợp pháp”

Phan Thanh Hung

VNTB- Ngư dân Hà Tĩnh: Phải trừng trị những kẻ liên quan đến vụ ”cá chết Formosa”

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.