Tâm Don
(VNTB) – Các bạn đồng tâm hiệp lực phản kháng bằng cách: các bạn ngầm liên kết với nhau để không thực hiện tin-bài-ảnh-video clip trong vòng 10 ngày của một tháng.
Ở các xã hội dân chủ, một trong những công việc khó khăn nhất, phức tạp nhất của cơ quan truyền thông báo chí là phản biện lại các chính sách, quyết sách của các cấp chính quyền. Nếu một cơ quan báo chí truyền thông có truyền thống và phẩm chất phản biện, cơ quan báo chí ấy sẽ có một lượng độc giả- thính giả- khán giả cao, và được tin cậy đặc biệt là đối với tầng lớp tinh hoa.
Và, trong những xã hội dân chủ sơ khai, chính quyền cũng đã có khi đối xử thô bạo với hệ thống báo chí truyền thông. Và dĩ nhiên, báo chí truyền thông đã phản ứng lại chính quyền bằng phản biện. Nếu phản biện không thành công, báo chí sẽ đưa ra một biện pháp đấu tranh cao hơn là phản kháng lại chính quyền. Bằng cách nào?
Xin nhớ rằng, hiệp hội báo chí ở các quốc gia dân chủ là một hiệp hội độc lập với chính phủ, và họ không bao giờ bị chính phủ nô dịch. Hiệp hội báo chí sẽ kêu gọi các thành viên của hiệp hội( bao gồm các nhà báo và các cơ quan báo chí) đề ra và thống nhất biện pháp phản kháng. Biện pháp phản kháng đó chủ yếu như sau: Trong vòng 30 phút, từ giờ nọ đến giờ kia của ngày X tháng M năm Y, các đài phát thanh sẽ không phát thanh chương trình( tiếng lóng trong nghề là tắt tiếng); từ giờ phút nọ đến giờ phút kia của ngày X tháng M năm Y, các đài truyền hình sẽ không phát hình ( tiếng lóng gọi là tắt hình); các báo in số ra ngày X tháng M năm Y sẽ không in bất cứ thông tin, hình ảnh nào trên toàn trang nhất hoặc 1/2 trang nhất( tiếng lóng trong nghề gọi là trắng trang); từ giờ phút này đến giờ phút kia của ngày X tháng M năm Y, các website thông tin sẽ bôi đen giao diện.
Phản kháng của báo chí, đầu tiên, sẽ khiến người dân sững sờ, và mọi phẫn nộ của họ đều đổ lên đầu chính quyền. Chính quyền sợ hãi, và, chuyện gì đến sẽ đến, họ không dám chơi xấu báo chí nữa.
Ở Việt Nam, do sự kiểm soát quá chặt chẽ của chính quyền và hệ thống tuyên giáo, an ninh tư tưởng, khả năng phản biện của báo chí hầu như không hiện diện. Chỉ có rất ít cơ quan báo chí thực hiện phản biện về các chính sách kinh tế, an sinh xã hội, không dám đụng đến các vấn đề lớn như lựa chọn thể chế, trào lưu và sức sống dân chủ, sự tàn bạo và tàn lụi của các thể chế độc tài và độc tài toàn trị, tại sao Việt Nam không lựa chọn đa nguyên đa đảng…
Trong làng báo Việt Nam, có rất đông nhà báo đã bị tẩy não, nhưng vẫn có nhiều nhà báo có lương tri, giàu trăn trở với vận mệnh của đất nước, của nhân dân. Nếu các nhà báo Việt Nam đủ bình tĩnh và sáng suốt, các bạn hoàn toàn có khả năng phản kháng đấy. Dĩ nhiên, các bạn không thể phản kháng như báo chí trong một xã hội dân chủ mà tôi vừa nêu trên.
Các bạn đồng tâm hiệp lực phản kháng bằng cách: các bạn ngầm liên kết với nhau để không thực hiện tin-bài-ảnh-video clip trong vòng 10 ngày của một tháng. Nếu biết rằng, thông thường các nhật báo sử dụng đến 80% thông tin của các phóng viên trong tổng dung lượng thông tin, các đài truyền hình sử dụng 50% chương trình do nhà đài sản xuất, các đài phát thanh sử dụng 55% chương trình do các bộ phận của nhà đài sản xuất, các website thông tin sử dụng đến 35% thông tin của phóng viên của họ, các bạn sẽ có niềm tin rằng: sự phản kháng âm thầm và bí mật của các bạn sẽ hoàn toàn có sức nặng.
Và lúc ấy, các cơ quan báo chí sẽ lâm vào tình cảnh: cực kỳ thiếu thốn tin bài đúng với tôn chỉ mục đích của họ. Cơ quan báo in phải lấy nguồn vô thưởng vô phạt và vô giá trị của Thông tấn xã Việt Nam để lấp trang, và đương nhiên, uy tín và giá trị của tờ báo sẽ tụt giảm thảm hại. Các đài truyền hình và phát thanh sẽ phát đi phát lại những chương trình cũ rích, và khán giả-thính giả sẽ ngoảnh mặt.
Tôi tin rằng, nếu các bạn nhà báo có đủ can đảm để phản kháng, có đủ can đảm vượt qua sự sợ hãi như nhiều nhà báo khác, các bạn đã góp phần làm nên sự thay đổi. Sự thay đổi đó, theo tôi, sẽ giúp các bạn thoát được kiếp nhà báo “cá chậu chim lồng” để có được nhà báo công dân đúng nghĩa.