Nguyễn Tuấn
Ảnh do Hiệp hội thanh long Bình Thuận cung cấp
(VNTB) – Ông Trần Ngọc Hiệp, giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Bình Thuận, nói rằng nhìn lại 5 năm qua, Hiệp hội đã thực hiện thành công đề án dán tem chỉ dẫn địa lý Bình Thuận trên quả thanh long. Tuy nhiên, đến nay cũng chỉ có… 3 doanh nghiệp “chịu dán” tem. Ngoài ra, Hiệp hội chưa làm thêm được điều gì, kể cả chưa có đối sách nào trước việc thương lái Trung Quốc thao túng đến 80% đầu ra của thanh long Bình Thuận.
“Tem Chỉ dẫn địa lý”: chỉ có 3 doanh nghiệp “chịu dán”
Cách đây gần chục năm (tháng 11/2006), Chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho sản phẩm thanh long đã được đăng bạ xuất xứ hàng hóa theo quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ. Thế nhưng việc quảng bá thương hiệu thanh long Bình Thuận từ đó đến nay vẫn chưa thực sự được các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu quan tâm, thực hiện rộng rãi.
Đề án “Xây dựng mô hình sử dụng tem chỉ dẫn địa lý Bình Thuận trên sản phẩm quả thanh long” có kinh phí hàng tỷ đồng dù đã triển khai, song thực tế việc dán tem vẫn chưa được các doanh nghiệp nhìn thấy lợi ích lâu dài. Thêm vào đó các thương lái của Trung Quốc không chấp nhận thương hiệu Việt Nam, mà yêu cầu đóng hàng với thương hiệu của chính họ, gây nhầm lẫn xuất xứ cho người tiêu dùng…
Tại thị trường tiêu thụ tiềm năng nhất, hiện chỉ có 3 doanh nghiệp địa phương là Công ty TNHH TM Hưng Loan, DNTN Rau quả Bình Thuận và DNTN TM Phương Giang thực hiện dán tem chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” trên trái thanh long khi xuất sang Trung Quốc.
Chiêu trò của thương lái Trung Quốc
Ghi nhận của phóng viên VNTB tại Phan Thiết, thương lái Trung Quốc sẽ đặt hàng các vựa thanh long vào buổi sớm với số lượng lớn, nhưng đến khoảng 10 giờ sáng thì báo lại chỉ mua với số lượng ít. “Dù sáng sớm đặt 10 container nhưng đến trưa họ chỉ mua 4, 5 container. Vì hai bên chỉ “hợp đồng miệng” với nhau nên thương lái người Việt đành bán tháo số hàng đã mua hồi sáng để gỡ vốn. Giá xuống thấp là điều tất nhiên”, một đầu nậu người Hàm Mỹ, Hàm Thuận Nam nói.
Tuy nhiên chiêu thức trên gần đây thương lái Trung Quốc đã ít dùng. Họ chuyển sang chiêu mới hơn mà ngay cả những người trong nghề cũng “ngao ngán”. T, chủ một cơ sở thu mua thanh long lớn trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam nói: Hiện nay, thương lái Trung Quốc đã thâu tóm được khoảng 80% số vựa trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Nắm bắt được tâm lý của nhà vườn, các “ông chủ” người Trung Quốc chỉ đạo các vựa của mình thường nâng giá vào buổi sáng nhưng chỉ mua với số lượng rất ít, chờ đến chiều bất ngờ hạ giá.
Nhiều nhà vườn thấy giá cao vội vàng cắt thanh long đem bán nhưng thương lái quay lưng không mua với nhiều lý do: trái nhỏ, nấm nhiều, chất lượng không đảm bảo… Không thể treo hàng một khi đã cắt, một số nhà vườn không còn sự lựa chọn nào khác đành ngậm ngùi bán với giá rẻ. Không chỉ nhà vườn mà cả các vựa do người Việt làm chủ cũng chịu thiệt hại không nhỏ trước những chiêu trò “làm giá” điêu luyện của thương lái Trung Quốc.
“Hiện nay còn rất ít các vựa người Việt xuất khẩu trái thanh long sang thị trường Trung Quốc. Chủ yếu là làm sân sau, thu gom hàng cho thương lái Trung Quốc. Cách này lời ít hơn nhưng an toàn”, chủ một vựa nhỏ trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc cho biết.
Còn đó giấc mơ Mỹ trước thềm TPP
Bà con nông dân Bình Thuận chắc cũng chưa quên cảm giác náo nức của cách đây 8 năm, khi lô thanh long đầu tiên xuất khẩu vào Mỹ cuối năm 2008, với giá 4,5 USD/kg. Thời điểm đó, câu chuyện trái thanh long đi Mỹ là sự kiện nổi bật của ngành nông nghiệp Việt Nam, vì để đưa thanh long vào Mỹ là hành trình gian nan lắm, thường thì mất 6 – 7 năm trời.
Không chỉ bán được giá cao, thanh long đi Mỹ còn chứng minh nông dân Việt Nam đủ trình độ sản xuất ra sản phẩm đáp ứng được yêu cầu khắt khe nhất của thị trường. Hơn nữa mở cửa được thị trường Mỹ, sẽ mở ra cơ hội tới các thị trường khác. Lúc ấy, không ít người kỳ vọng thanh long đi Mỹ mở ra vận hội cho nông dân Bình Thuận làm giàu.
Nhưng sau phút giây náo nức ấy, người ta mau chóng nhận ra rằng mở cửa là một chuyện, tận dụng được cơ hội ấy hay không lại là chuyện khác. Ngoài đòi hỏi chất lượng cao, thanh long xuất khẩu sang Mỹ tốn chi phí lớn để chiếu xạ, bảo quản. Đặc biệt do cách xa nửa vòng trái đất nên nếu vận chuyển thanh long sang Mỹ bằng đường hàng không thì giá cước vận chuyển quá cao, nếu đi bằng đường biển thì thời gian vận chuyển quá dài, làm trái thanh long bị giảm chất lượng, hư hỏng nhiều, hiệu quả giảm. Chưa kể đến Mỹ rồi phải cạnh tranh với đủ loại trái cây của Thái Lan, Trung Quốc…
Tuy nhiên, không phải không có lý khi ông Nguyễn Văn Nhơn, một Việt kiều gốc người phường Thanh Hải, thành phố Phan Thiết so sánh rằng tàu Trung Quốc chở thanh long đến Mỹ cũng mất khoảng 45 ngày, tương đương như từ Việt Nam sang Mỹ, và họ vẫn đưa trái thanh long vào được, trong khi Việt Nam lại chọn vận chuyển hàng bằng máy bay, chi phí đắt đỏ?
Chịu quá nhiều lệ thuộc vào Trung Quốc
Cuối năm 2012 để thu hút hàng hóa về Hà Khẩu, Cục trưởng Cục Thương vụ công nghiệp, kiêm Trưởng ban cửa khẩu Hà Khẩu đã làm việc với Sở Công Thương Bình Thuận. Họ đưa ra chính sách: Nếu thanh long Bình Thuận xuất khẩu qua cửa khẩu Hà Khẩu theo phương thức biên mậu thì ngoài việc áp dụng mức thuế nhập khẩu 0%, VAT chỉ phải nộp 3% (trong khi xuất bằng đường chính ngạch, doanh nghiệp vẫn phải chịu thuế VAT 13%). Phía Trung Quốc luôn khuyến khích các doanh nghiệp thanh long Bình Thuận và thương nhân Trung Quốc buôn bán theo phương thức biên mậu tại biên giới.
Ngoài ra, trái thanh long còn được cư dân biên giới hai nước mua bán ở các cửa khẩu phụ được miễn thuế nhập khẩu và thuế VAT với mức 8.000 nhân dân tệ/người/ngày (tương đương 25 triệu đồng Việt Nam). Tranh thủ chính sách khuyến khích biên mậu đó, các doanh nghiệp Trung Quốc (chủ yếu ở Quảng Đông, Quảng Tây) đặt hàng với doanh nghiệp Việt Nam và làm thủ tục nhập khẩu theo phương thức biên mậu để hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu từ phía Trung Quốc.
Việc tiêu thụ thanh long theo phương thức biên mậu với doanh nghiệp Trung Quốc chủ yếu thông qua một trong hai hình thức: Các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh thanh long Bình Thuận trực tiếp vận chuyển hàng đi tiêu thụ và các khách hàng Trung Quốc tổ chức chân rết tại địa bàn sản xuất thanh long đặt hàng để thương lái, cơ sở gom hàng, tổ chức vận chuyển sang biên giới phía Bắc giao cho doanh nghiệp Trung Quốc.
Sau đó, các doanh nghiệp kinh doanh thanh long áp dụng phương thức thanh toán: Doanh nghiệp hai bên ký kết hợp đồng, thỏa thuận số lượng, chất lượng, giá cả, thời hạn. Nếu có yêu cầu doanh nghiệp Trung Quốc đặt tiền cọc từ 20-30% trị giá lô hàng. Sau khi giao dịch xong thương lái Trung Quốc kiểm tra và thanh toán tiền. Trường hợp hàng xấu họ sẽ giảm giá, trừ tiền. Hoặc hình thức thứ 2 là hai bên chỉ thỏa thuận miệng (không ký hợp đồng) doanh nghiệp Việt Nam thu mua, vận chuyển giao hàng thanh long cho doanh nghiệp Trung Quốc bán hộ, họ chỉ hưởng hoa hồng.
Dù phương thức nào thì doanh nghiệp Việt Nam cũng luôn ở thế bị động, bị ép về chất lượng, giá cả và việc giao hàng trước trả tiền sau rất dễ bị lợi dụng.