Huy Vũ (Tổng hợp)
(Đất Việt)
Tinh thần ly khai từ Anh ở châu Âu đã lan sang châu Mỹ, nơi những người dân Texas cũng đang vận động cho cuộc lấy ý kiến người dân tương tự.
Daniel Miller, Chủ tịch Phong trào chủ nghĩa dân tộc Texas (TNM), cho rằng cuộc trưng cầu dân ý vừa qua ở Anh có thể trở thành hình mẫu để người dân bang Texas hướng tới.
Vốn là quốc gia độc lập từ 1836-1845, nền kinh tế trị giá 1,6 nghìn tỷ USD/năm, nên các nhóm đòi ly khai nói Texas sẽ trở thành một trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới nếu tách khỏi Mỹ.
“TNM chính thức kêu gọi thống đốc bang Texas tiến hành cuộc bỏ phiếu tương tự dành cho người dân Texas”, Reuters dẫn tuyên bố của phong trào này. Văn phòng Thống đốc Greg Abbott chưa đưa ra bình luận.
Đầu năm nay, TNM đã thất bại trong việc vận động tổ chức trưng cầu dân ý vào tháng 11.
Người dân Texas cũng muốn tách khỏi Mỹ. Ảnh: AP |
Song cuộc trưng cầu dân ý thành công vang dội tại Anh đã tạo động lực để TNM tiếp tục vận động cho mùa bầu cử vào năm 2018.
“Chiến thắng của Brexit mở cánh cửa cho phong trào Texit (T-exit) hướng đến những cuộc đối thoại cụ thể về vấn đề độc lập, để người dân được cất tiếng nói”, ông Miller nói.
Tuy nhiên, sự khác biệt lớn so với Brexit là Texit chưa có sự ủng hộ của giới chính trị gia cao cấp.
Ly khai đã trở thành một xu hướng sau sự kiện Anh ủng hộ việc rời bỏ EU. Hiệu ứng Domino ở châu Âu đã được giới chính khách EU lo ngại.
Quả thực, sau khi Anh công bố kết quả, Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, Áo, Hungary và Thụy Điển hay Italia đã lên kế hoạch để gây dựng một cuộc trưng cầu dân ý tương tự.
Bộ trưởng Ngoại giao Luxembourg Jean Asselborn cùng các bộ trưởng Anh từng nhắc tới khả năng hiệu ứng domino có thể xảy ra ở châu Âu sau Brexit, với Swexit, Frexit, Dutxit, Itexit (cụm từ để chỉ việc Thụy Điển, Pháp, Hà Lan, Italy… rời EU).
Theo họ, việc Anh quyết định rời Liên minh châu Âu EU sẽ gây bất ổn cho phần còn lại của châu Âu vào thời điểm mà phe dân túy khai thác mối quan tâm của dân chúng về cuộc khủng hoảng người tị nạn và bất ổn trong khu vực đồng euro.
Còn Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk từng cảnh báo việc Anh rút khỏi EU có thể là “khởi đầu của tiến trình hủy diệt không chỉ EU mà cả nền văn minh chính trị phương Tây”.
Giờ đây, nỗi sợ hãi đang lấn chiếm liên minh 27 nước còn lại.
Bản đồ các nước thuộc Liên minh châu Âu. Đồ họa: CCMA |
Theo Washington Post, dự đoán về việc EU có thể tan rã sau quyết định lịch sử của Anh nghe có vẻ hơi xa vời nhưng chắc chắn tại một số nước, nhu cầu về một cuộc bỏ phiếu tương tự Anh lại được dịp hâm nóng.
Anh đã manh nha ý định rời khỏi EU từ 2 năm nay cho tới ngày được chính thức tổ chức bỏ phiếu.
Vùng lãnh thổ bùng nổ cho quan điểm xa rời châu Âu phải kể đến tên Crimea. Không trực thuộc EU nhưng những lãnh đạo bán đảo tự trị này đã trưng cầu dân ý về sự ra đi đối với phe đảng thân phương Tây.
Cuộc trưng cầu dân ý sẽ tiến hành bỏ phiếu cho 2 câu hỏi: Một là “Bạn ủng hộ Crimea sáp nhập với Nga với tư cách Liên bang hay không?”. Hai là “Bạn ủng hộ khôi phục Hiến pháp khu vực Crimea năm 1992 và tán thành Crimea là một phần của Ukraine hay không?”.
Kết quả đã có 97% người bỏ phiếu ủng hộ theo Nga chứ không chấp nhận một chính quyền Ukraine thân phương Tây.
Những khó khăn sau 2 năm sáp nhập vào Nga của Crimea vẫn đang hiện hữu song những gì mà phần còn lại của Ukraine đang làm cũng ngập tràn trong bóng tối. Nhất là khi mới đây, Thủ tướng Ukraine Vladimir Groisman cho biết đất nước ông sẽ gia nhập Liên minh châu Âu (EU) trong vòng 10 năm tới.
“Trong Liên minh châu Âu sẽ có Ukriane. Chúng tôi sẽ là thành viên của Liên minh châu Âu, và chúng tôi sẽ là những người châu Âu lạc quan…”, ông Groisman cho biết khi trả lời câu hỏi của phóng viên tại Diễn doanh nghiệp Thụy điển – Ukraine rằng Ukraine sẽ ở đâu sau 10 năm nữa?
Ukraine, nước đã ký thỏa thuận liên kết với EU hồi tháng 6/2014, tuyên bố mong muốn trở thành thành viên đầy đủ của EU.
Song cái hẹn của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker cho Ukraine lại là con số 20-25 năm.
Ukraine vẫn tha thiết gia nhập Liên minh EU còn Thụy Sĩ thì chấp nhận với cuộc sống của riêng họ. Thụy Sĩ đã xin gia nhập Liên minh EU từ năm 1992 và mới hủy đơn này vào hôm 15/6 vừa qua.
Thượng viện Thụy Sĩ đã bỏ phiếu thông qua việc hủy bỏ đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu đã tồn tại suốt từ năm 1992 của nước này.
Việc hủy đơn này của quốc gia được bình chọn là nước hạnh phúc nhất thế giới năm 2015 này ít nhiều cũng có tác động tới tâm lý người dân Anh. Họ vẫn hạnh phúc và tươi trẻ khi không cần bất cứ một liên minh nào quản thúc.