Ngọc Lan
(VNTB) – Ban trị sự trung ương của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo do nhà nước cấp phép đã ra quyết định loại bỏ nội dung về tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương và Đức Phật Thầy Tây An ra khỏi chương trình Trung cấp huấn luyện Giáo Lý Viên.
Tin tức trên được cung cấp bởi ông Lê Quang Hiển, Phó Hội Trưởng thường trực Ban trị sự trung ương Giáo Hội Phật giáo Hòa Hảo thuần túy.
Tính đến hiện tại thì Giáo Hội Phật giáo Hòa Hảo – Ban Trị sự trung ương hải ngoại đã có “Bản lên tiếng” phản đối quyết định loại bỏ đầy khó hiểu này của ông Nguyễn Tấn Đạt, Trưởng Ban Trị sự trung ương Giáo Hội Phật giáo Hòa Hảo.
Biên tập viên tôn giáo Ngọc Lan của trang Việt Nam Thời Báo đã không tìm được lời giải thích nào về vấn đề này trên trang nhà của Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo, nơi mà ông Nguyễn Tấn Đạt đang là người đứng đầu.
Bài viết xin được ghi nhận mang tính đối chiếu từ nguồn Ban Tôn giáo chính phủ, qua đó cho thấy nếu thật sự loại bỏ tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương và Đức Phật Thầy Tây An ra khỏi chương trình Trung cấp huấn luyện Giáo Lý Viên, là hành vi lạm quyền cần được truy cứu.
Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương do ông Đoàn Minh Huyên, còn gọi là Phật Thầy Tây An khai lập vào cuối năm 1849 tại Cốc ông Đạo Kiến, nay là Tây An cổ tự, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương lấy giáo pháp “Học Phật-tu nhân” và việc báo đáp “Tứ đại trọng ân” tức là ân Trời, Phật; ân quân vương; ân cha mẹ và ân sư phụ. Ông Đoàn Minh Huyên khuyên tín đồ muốn làm tròn đạo làm người thì mọi người phải có bổn phận đền đáp tứ ân nêu trên, là nấc thang thứ nhất đưa con người tiến trên con đường đạo hạnh.
Tứ đại trọng ân chi phối tư tưởng, đời sống của mọi tín đồ. Việc quan niệm “học Phật” có nghĩa là tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương phải noi theo gương đức Phật, với việc trì niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà (Nam mô A-Di-Đà-Phật). Tuy nhiên, trong quá trình thuyết giáo, ông Đoàn Minh Huyên không coi việc học Phật là yếu tố cốt lõi đối với tín đồ khi tu hành, mà đây được xem là nền tảng mang tính định hướng cho tín đồ hướng tới khi tự tu nhân.
Về nghi lễ và cách thờ cúng: trong những chùa Bửu Sơn Kỳ Hương do ông Đoàn Minh Huyên dựng lên trước đây, không bài trí hình ảnh hay cốt tượng Phật giáo, mà chỉ cho thờ một tấm vải màu đỏ, gọi là Trần Điều được treo trước tường chính điện. Trên bàn thờ bày hoa, nước lã, nhang, đèn, không có chuông, mõ. Theo quan niệm của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương thì tấm Trần Điều thể hiện tấm lòng từ bi, bác ái, đoàn kết, yêu mến đồng bào, nhân loại.
Do đặc điểm không có chức sắc, không hình thành tổ chức Giáo hội nên đạo Bửu Sơn Kỳ Hương phát triển theo phương pháp truyền thừa, truyền giảng giáo lý của Thầy tổ cho các đệ tử thân tín, hết lớp trước truyền lại cho lớp sau, tùy thuộc vào khả năng truyền giảng và uy tín của các ông Đạo.
Vì vậy, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương chỉ có chức việc quản tự tại các chùa, không phân chia đơn vị tín đồ làm cơ sở của đạo, cho nên nền tảng tổ chức cơ bản của đạo chính là chùa Bửu Sơn Kỳ Hương bởi vì chùa là tổ chức độc lập, là nơi thờ tự chung của cộng đồng cư sĩ, tín đồ sinh hoạt lễ nghi tôn giáo ở mỗi địa phương do ông Đoàn Minh Huyên hoặc đệ tử của ông dựng lên. Chùa còn là đầu mối điều hành, tổ chức và quản lý mọi hoạt động nghi lễ tôn giáo.
Ở phần giới thiệu lịch sử Phật Giáo Hòa Hảo, trang web của Ban Tôn giáo Chính phủ, viết rằng: Người sáng lập Phật Giáo Hòa Hảo là ông Huỳnh Phú Sổ (1920) sinh tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (nay là thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) là con thứ tư trong gia đình nhưng là con trai trưởng của ông Huỳnh Công Bộ (Hương Cả Bộ) và bà Lê Thị Nhậm.
Sau khi tốt nghiệp tiểu học ông phải bỏ học vì mắc nhiều bệnh. Quá trình lên núi chữa bệnh cũng là thời kỳ ông bắt đầu học đạo, học làm thuốc. Khi chưa tròn 18 tuổi, ông tuyên bố mình là bậc “Sinh nhi tri”, biết được quá khứ nhìn thấu tương lai, xuống hạ giới có nhiệm vụ truyền bá cho dân chúng tư tưởng Bửu Sơn Kỳ Hương để Chấn hưng Phật giáo, cứu độ chúng sinh khỏi sông mê, biển khổ và “đưa nhơn loại đi vào vòng hạnh phúc”.
Ngày 18-5 năm Kỷ Mão (tức ngày 04-7-1939), ông Huỳnh Phú Sổ tổ chức lễ khai đạo tại tư gia, khi ông chưa tròn 20 tuổi. Ông đã lấy tên ngôi làng Hòa Hảo – nơi mình sinh ra để đặt tên cho tôn giáo do mình sáng lập là “Phật Giáo Hòa Hảo”. Sau đó, ông được tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo suy tôn là “Thầy tổ”, và được gọi “Đức Tôn Sư”, “Đức Thầy”, “Đức Huỳnh Giáo chủ”…
Trang Việt Nam Thời Báo sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc trên.