Hùng – Sơn
(VNTB) – Vừa qua xảy ra vụ việc Ngân hàng BIDV cấn nợ 270 tỷ đồng bằng cách tự trích tiền từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Gần 4 tháng sau khi được phát hiện, 270 tỷ tiền Quỹ bình ổn giá xăng dầu bị ngân hàng cấn nợ doanh nghiệp xăng dầu vẫn chưa được trả lại. Câu chuyện này làm lộ ra những vấn đề đáng lo ngại trong việc quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu – vốn là tiền của dân đóng góp.
Không ai sai cả?
Bởi nếu sai sao không sửa sai hoặc ‘ra roi trị’ phía làm sai nhưng vẫn cố chấp?
Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Long Biên trích nợ tự động Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở tài khoản của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà.
Sau khi bị ngân hàng thu nợ ở tài khoản Quỹ bình ổn xăng dầu, doanh nghiệp Hải Hà đã có văn bản báo cáo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính). Đồng thời, công ty cũng đã yêu cầu phía ngân hàng trả lại số tiền trên với lý do việc trích nợ của ngân hàng từ tài khoản Quỹ bình ổn xăng dầu, là không đúng quy định tại Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu.
Thế nhưng sự việc kéo dài đến nay gần 4 tháng trời, phía BIDV Long Biên vẫn chưa trả lại.
Tại họp báo ngày 5-10-2023 của Bộ Tài chính, ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị Ngân hàng BIDV chi nhánh Long Biên nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 95 của Chính phủ.
Đồng thời, có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước thông tin về sự việc, đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại trong hệ thống ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam – nơi có thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu đăng ký mở tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng, dầu – thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1-11-2021 của Chính phủ.
Quản lý Quỹ bình ổn… không ổn
Nếu ổn thì làm sao doanh nghiệp Hải Hà bị ‘chiếm’ 270 tỷ đồng từ tháng 6-2023 đến nay vẫn phải tiếp tục ‘đi đòi’?
Nguyên tắc quản lý được thực hiện theo quy định Thông tư số 103/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Theo đó, theo Thông tư, Quỹ bình ổn giá xăng dầu được lập tại doanh nghiệp khi được Bộ Công Thương cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm trích lập, chi sử dụng, báo cáo, công khai về Quỹ bình ổn giá xăng dầu và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm lựa chọn, mở tài khoản theo dõi riêng về Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (ngân hàng); có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tên, địa chỉ, thông tin liên lạc của ngân hàng nơi thương nhân đầu mối mở tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu đến Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) và công bố thông tin theo quy định.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể là 300 đồng/lít đối với các loại xăng, các loại dầu diesel, dầu hỏa và 300 đồng/kg đối với các loại dầu mazut ở nhiệt độ thực tế tiêu thụ tại thị trường nội địa và được xác định là một yếu tố cấu thành giá cơ sở và giá bán của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện đồng thời với kỳ điều hành giá cơ sở.
Ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, nói rằng, “thương nhân đầu mối phải có trách nhiệm lựa chọn ngân hàng nào quản lý, bảo quản số dư quỹ, trích chi quỹ như thế nào”.
Như vậy xảy ra vụ việc BIDV chi nhánh Long Biên trích nợ tự động Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở tài khoản của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà, xem ra đó là lỗi của doanh nghiệp khi chọn nhầm ‘mặt’ để ‘gửi vàng’.