Lynn Huỳnh (tổng hợp)
(VNTB) – Tuyên bố tình trạng chiến tranh của Israel được đưa ra sau khi Hamas bắn hàng ngàn quả rốc-két và hàng chục tay súng của tổ chức này vượt biên giới vào Israel.
Sau ngày giao tranh đầu tiên, phía Israel đã có hơn 300 người Israel thiệt mạng và hơn 2.000 người bị thương. Tại Gaza, ít nhất 232 người Palestine thiệt mạng và hơn 1.700 người.
Mỹ, một trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, ngày 7-10 đưa ra cam kết hỗ trợ “vững chắc” cho Israel. Tổng thống Joe Biden mô tả vụ tấn công là “một thảm kịch khủng khiếp ở cấp độ con người”, và cho biết đã nhấn mạnh sự ủng hộ của Washington với Tel Aviv trong cuộc nói chuyện với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
“Tôi đã nói với ông ấy rằng Mỹ sẽ sát cánh cùng người dân Israel trước những cuộc tấn công khủng bố này. Sự ủng hộ của chính quyền chúng tôi dành cho an ninh của Israel là vững chắc và không thể lay chuyển”, ông Biden phát biểu từ Nhà Trắng.
Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) dường như đã bị bất ngờ trước các cuộc tấn công vừa xảy ra trong ngày 7-10. Giao tranh vẫn đang tiếp diễn. Tuyên bố của quân đội Israel cho biết “một số kẻ khủng bố đã xâm nhập vào lãnh thổ Israel từ dải Gaza”, đồng thời yêu cầu người dân ở khu vực quanh dải Gaza ở yên trong nhà.
DF hứa bảo vệ thường dân Israel và bắt Hamas “trả giá đắt cho hành động của mình”. Hàng chục máy bay chiến đấu của IDF đang tấn công một số mục tiêu của Hamas ở dải Gaza. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố nhóm vũ trang Hamas đã bắt đầu cuộc chiến chống Israel và cam kết Israel sẽ chiến thắng.
Số người bị thương ở Israel đang tăng lên và nước này vừa phát động đợt hiến máu khẩn cấp.
Kể từ khi nhóm Hồi giáo Hamas nắm quyền kiểm soát dải đất 42 km2 này vào năm 2007, đã xảy ra 4 cuộc xung đột lớn và một số xung đột nhỏ hơn, gây thiệt hại nặng nề cho 2,3 triệu dân ở Gaza. Người dân ở Gaza gần như không có quyền tự do đi lại và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cũng như điện, vệ sinh và các cơ sở hạ tầng khác đã gần như sụp đổ kể từ khi Israel áp đặt lệnh phong tỏa.
Cuộc tấn công ào ạt và bất ngờ của Hamas vào Israel, đúng dịp kỷ niệm 50 năm cuộc chiến Yom Kippur, sẽ được nhắc đến như một thất bại tình báo trong nhiều thế hệ. Điều này cũng gián tiếp cho thấy dường như tướng Tô Lâm của Việt Nam đã sai lầm khi duyệt chọn mua phần mềm gián điệp Predator của cựu sĩ quan mật vụ Israel trị giá 5,6 triệu euro, với mục đích để ngành công an Việt Nam giám sát theo dõi những người bất đồng chính kiến và các nhà báo tại Việt Nam.
Cuộc chiến Yom Kippur, là cuộc chiến diễn ra từ 6-10-1973 tới 26-10-1973, được phát động bởi liên minh các quốc gia Ả Rập chống lại Israel. Khi đó, liên minh Ả Rập đã bất ngờ đồng loạt tấn công Israel trong ngày lễ Yom Kippur, ngày lễ thiêng của người Do Thái. Vì thế, hình ảnh hàng ngàn quả rốc-két loé sáng trên bầu trời và các tay súng Hamas di chuyển trên các đường phố Sderot, tấn công nhiều người, xe cộ… được xem là một thất bại của tình báo Israel và sẽ còn được nhắc tới trong nhiều thế hệ.
Trong bài phát biểu trên truyền hình quốc gia cuối ngày 7-10, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rõ ràng bị chấn động khi nói về một “ngày đen tối”.
Ông Netanyahu cảnh báo Israel sẽ đáp trả cuộc tấn công của lực lượng Hamas, biến nơi ẩn náu của Hamas ở dải Gaza thành đống đổ nát. Ông thề sẽ “tấn công khắp nơi” ở dải Gaza. Thủ tướng Netanyahu nhấn mạnh: “Những gì xảy ra hôm nay chưa từng thấy ở Israel. Tôi đảm bảo điều đó sẽ không bao giờ lặp lại. Toàn bộ chính phủ ủng hộ quyết định này. Quân đội Israel sẽ lập tức sử dụng toàn bộ sức mạnh để phá hủy Hamas”.
Ông Netanyahu đang chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài với Hamas, đồng thời nói rằng giai đoạn sắp tới sẽ không dễ dàng “nhưng chúng ta sẽ chiến thắng”.
Một nhà quan sát chính trị ở Việt Nam nhận xét: “Tình hình Trung Đông là Mỹ, Ả Rập Xê Út và Israel đang chuẩn bị cho một kế hoạch hòa bình. Theo đó, Ả Rập Xê Út và Israel bình thường hóa. Đổi lại Mỹ cam kết bảo vệ an ninh cho Ả Rập Xê Út theo một hình thức phòng thủ chung. Để được điều này thì Ả Rập Xê Út phải nhượng bộ ít nhiều, không đặt nặng vấn đề người Palestine.
Chuyện này dĩ nhiên Hamas và Iran phải phá cho bằng được. Nên cuộc tấn công bất ngờ của Hamas để kích động xung đột trong thời điểm này, mục đích chính là phá hoại tiến trình hòa bình nói trên. Đòn trả đũa mạnh tay chắc chắn sẽ xảy ra của Israel sẽ khiến không chỉ Ả Rập Xê Út mà còn cả các nước ký kết Hiệp định Abraham cũng phải dè dặt.
Israel thì vô thế bởi chiến lược của họ dựa trên sự răn đe, cứ nó tẩn mình một thì mình tẩn lại 10 cho nó tởn tới già, nên không ra tay không được. Ra tay thì thế giới Ả Rập lại lên đồng, những nỗ lực gầy dựng hòa bình bấy lâu nay đổ sông đổ bể.
Đều là tính toán chính trị hết cả, chỉ có mạng người dân bị xem như cỏ rác. Điều ngạc nhiên lớn nhất là cuộc tấn công mức độ như thế mà tình báo Israel và cả Mỹ đều bị đứng hình. Không hiểu vì sao! …”.
Tham khảo
https://vietnamthoibao.org/vntb-hop-dong-mang-mat-danh-kho-me-do-cua-to-lam/