Anh Vũ
(RFA)
Trong phần đầu đã giới thiệu về hoạt động của Pháp Luân Công tại VN hiện nay. Nhưng các hoạt động của môn pháp này đang gặp các trở ngại như thế nào?
Cuộc tọa thiền tập thể của nhóm học viên Pháp Luân Công trước cửa Lãnh sự quán TQ ở TP HCM năm 2011 (ảnh minh hoa. RFA File |
Pháp Luân Công (PLC) là một môn tập luyện, có tác dụng nâng cao tâm tính và thể chất cho những người tu luyện, thông qua đó người ta có một thể chất mạnh khỏe và một tâm trí hướng thiện.
Theo VnExpress ngày 1/4/2016, PLC là phương pháp khí công bắt nguồn từ Trung Hoa giúp cải thiện sức khỏe tinh thần, tăng sức miễn dịch cho cơ thể và trị nhiều bệnh, giúp tinh thần tỉnh táo. Tuy vậy, ngày 17/1/2015 Truyền hình HTV7 trong Chương trình 60s khi đưa tin về Pháp Luân Công gọi đây là “truyền đạo trái phép”.
Ông Nguyễn Xuân Toàn, một người đang tham gia tập luyện PLC ở tỉnh Bình Dương cho rằng, hoạt động tập luyện PLC ở VN hiện nay vẫn còn một số trở ngại nhất định, nhà nước không công nhận sự tồn tại của PLC, song cũng không cấm. Ông bày tỏ:
“Có thể thấy ngay là PLC không phải là một tổ chức, vì nó không có một người nào giữ vai trò gì và không có ai có thể ra lệnh cho một người nào khác. Mọi người tự đến, tự đi đó là một sinh hoạt hết sức bình thường. PLC cũng không phải là một tôn giáo, nó không có bất cứ nghi thức tôn giáo nào. PLC đã quy định rất rõ rằng, đây là một môn phi kinh tế, phi chính trị, phi tổ chức. Chính vì thế mọi người đến là hoàn toàn tự nguyện, nó không có một quy tắc hay quy chuẩn nào hết. Chỉ có yêu cầu duy nhất là mọi người không được vi phạm pháp luật và không hoạt động chính trị.”
Hiện nay các cấp chính quyền vẫn theo dõi đối với việc tập luyện PLC, ông Nguyễn Đức Anh, một thành viên PLC ở Hải phòng cho biết:
“Thực ra môn PLC chưa có đăng ký hoạt động với nhà nước VN, nên khi tổ chức một điểm luyện công nào đó thì chính quyền bao giờ cũng gọi tôi lên để hỏi: môn này là như thế nào?; vì sao lại làm như vậy?… Nhưng khi họ đã hiểu thì tất cả là ok, chúng tôi về và tập luyện thoải mái. Ở khu vực Hải phòng của chúng tôi và các tỉnh lân cận cũng thế, thì việc luyên tập PLC là hết sức bình thường, không thấy bất kỳ sự cấm cản nào từ phía chính quyền. Nhưng tôi cũng nghe thông tin ở một số tỉnh khác thì có (chuyện đàn áp) như vậy.”
Tại Trung Quốc trong một thời gian dài, PLC bị chính quyền coi là một thứ tà đạo và tiến hành đàn áp. Ông Nguyễn Đức Anh cho biết nguyên nhân:
“Từ năm 1992 Sư phụ Lê Hồng Chí đã bắt đầu truyền pháp môn này ở TQ và số lượng thành viên PLC ngày càng tăng dần, tăng dần. Đến năm 1998 qua báo chí được biết số lượng thành viên đã rất đông, đông hơn số lượng đảng viên đảng CSTQ. Từ đấy bắt đầu một sự gọi là bức hại, họ không muốn cho PLC phát triển hơn nữa. Cụ thể là lịch sử đã đánh dấu vào là ngày 20/7/1999, chính thức khởi đầu sự đàn áp PLC ở TQ.”
Cảnh sát VN đàn áp Pháp Luân Công tại công viên Lê Văn Tám TPHCM vào ngày 9 tháng 10, 2011. RFA file |
Dưới nhan đề “Đấu tranh xóa bỏ “Pháp luân công””, báo Công An Đà Nẵng đã khuyến cáo rằng, cần giải thích rõ cho người dân thấy bản chất lừa dối của “Pháp luân công”, khuyến cáo người dân không nên tin theo các tà đạo không chính thống. Nếu phát hiện vụ tuyên truyền đạo trái phép nên sớm báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp đấu tranh, loại bỏ.
Trả lời câu hỏi nguyên nhân do đâu nhà nước VN lại chú ý theo dõi các hoạt động của PLC?
Theo ông Nguyễn Xuân Toàn, dưới áp lực từ phía TQ nên chính quyền cũng nghi ngờ và theo dõi hoạt động của PLC. Ông giải thích:
“Ở VN chính quyền cũng như nhiều người không hiểu rõ về PLC, họ chỉ nghe từ phía TQ. Hơn nữa đảng CSTQ họ cũng tương đối thủ đoạn trong vấn đề này, ở các quốc gia có PLC hoạt động, họ tung mật vụ của họ đến để phá PLC. Điển hình là vụ việc Nguyễn Doãn Kiên, Nguyễn Xuân Giao cùng một số người khác tổ chức giập sập tượng Lenin và đòi đập Lăng CT Hồ Chí Minh ở Hà nội. Đó là một chiêu trò do mật vụ đảng CSTQ giật dây. Họ làm việc đó và mặc áo của PLC với mục đích cho chính quyền hiểu rằng, PLC làm chính trị.”
Ông Nguyễn Đức Anh bày tỏ:
“Việc không xác định rõ được nguồn gốc những người tham gia pháp môn này, họ tham gia với dụng ý gì? Với động cơ chân chính hay vì mục đích khác, cái đó đã xảy ra tình trạng không kiểm soát được.”
Về tương lai của hoạt động của PLC tại VN, từ Hà nội TS. Hoàng Anh Quân, Viện Nghiên Cứu Tôn giáo – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN nhận định:
“Bây giờ là phụ thuộc vào hệ thống pháp lý chứ không phải ý chí hay sự tùy hứng của nhà nước. Về mặt luật pháp thì một niềm tin tôn giáo chưa được nhà nước thừa nhận thì đó là bất hợp pháp và bị coi là vi phạm pháp luật. Bây giờ VN đang dự thảo Luật Tín ngưỡng Tôn giáo, dự kiến sẽ thông qua cuối năm 2016. Thì khi đó mới có thể có hy vọng cho lộ trình của các tôn giáo mới.”
Theo ông Nguyễn Xuân Toàn, giữa một số người tập luyện PLC và nhân viên công an có các vấn đề hiểu lầm, đó cũng là một trong những trở ngại. Theo ông, các thành viên PLC cần tranh thủ cơ hội để giải thích cho nhân viên nhà nước hiểu rõ vấn đề. Ông tiếp lời:
“Điều này thì bản thân tôi đã từng trải nghiệm, có một số nhân viên an ninh đến hỏi và bảo rằng PLC là tà giáo, đã bị cấm. Ở VN số người không thích Đảng CSVN rất đông, nhưng những người đó tham gia PLC chưa buông bỏ được điều này. Vì vậy khi công an nghi ngờ PLC và có một số hành động khá khó chịu thì các học viên PLC đã không giữ được bình tĩnh để xử lý và mặc nhiên coi họ là đàn áp PLC. Tôi nghĩ điều này không có lợi cho cả 2 bên, nếu tất cả mọi người giải quyết được vấn đề này thì môi trường PLC sẽ hoàn toàn là tốt đẹp và chính quyền VN cũng không cần phải để ý đến PLC. Đó là vấn đề then chốt.”
Ông Nguyễn Đức Anh bày tỏ:
“Vì PLC là một tổ chức không có người đứng đầu, không đăng ký và tất cả mọi người tham gia chỉ là tự nguyện, cho nên có các tổ chức hay cá nhân vào đây với một dụng ý riêng thì tôi không rõ. Nên việc chính quyền họ có chưa hiểu thì là chuyện bình thường. Thay vì mình giải thích cho họ một cách nhẹ nhàng dễ hiểu, thì có một số cá nhân khi giải thích đã không được nhẹ nhàng. Điều đó đã dẫn đến sự hiểu lầm giữa PLC và chính quyền.”
Trả lời bạn đọc trên Báo Nông Nghiệp VN ngày 1/2/2012 về tác dụng của PLC, GS. Nguyễn Lân Dũng cho biết: “Một cuộc nghiên cứu qui mô với kết quả dựa trên 12.731 bài trắc nghiệm đã cho thấy, có đến 99,1% người tập đang trên đường phục hồi sức khỏe, trong số này có 58,5% hoàn toàn được bình phục bởi tập Pháp Luân Công, 80,3% được cải tiến về sức khỏe cơ thể và 96,5% được cải tiến về sức khỏe tâm thần.”