Chánh Thành
(VNTB) – Trong 8 năm nay, thành phố này đã chi hàng trăm tỷ cho việc chống ngập. Giai đoạn 2016-2020 là 97.000 tỷ đồng, giai đoạn 2021-2025 là hơn 101.000 tỷ đồng.
Trong khi TP.HCM đang có 120 dự án chống ngập và xử lý nước thải, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, với tổng kinh phí hơn 101.000 tỉ đồng. Thì chiều ngày 23/10, chỉ sau cơn kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ, trụ sở uỷ ban quận Bình Tân ngập hơn một thước. Dư luận đặt câu hỏi 101.000 tỷ đồng chống ngập kia đã trôi đi đâu?
📌 Quan chức TP.HCM chỉ tập trung vào số tiền 10.000 tỷ từ 2016 mà lơ đi con số 101.000 tỷ hiện nay
Khoảng 16h30, sau khi trời mưa được 30 phút, nước bắt đầu ngập và tràn vào trụ sở UBND quận Bình Tân trên đường An Dương Vương, phường An Lạc. Các hình ảnh báo chí cho thấy, một giờ sau khi mưa, khu vực để xe máy nước dâng lên cao lút bánh xe, ngập lênh láng vào các dãy văn phòng ở tầng trệt.
Cần biết, Bình Tân là quận đông dân nhất TP.HCM với hơn 800.000 người, thế nhưng cứ mỗi lần mưa lớn là trụ sở uỷ ban quận này lại ngập nặng. Đây là một ví dụ điển hình cho sự thất bại trong cái gọi là “công tác chống ngập” của Đảng Cộng sản tại TP.HCM. Trong 8 năm nay, thành phố này đã chi hàng trăm tỷ cho việc chống ngập. Giai đoạn 2016-2020 là 97.000 tỷ đồng, giai đoạn 2021-2025 là hơn 101.000 tỷ đồng.
Đầu tư hàng tấn tiền để chống ngập như vậy. Để rồi, trụ sở uỷ ban quận đông dân nhất mà còn ngập như vậy, thì thử hỏi nhà dân sẽ ra sao khi có mưa lớn? Mấy chục năm nay người dân tại thành phố từng được ví là “Hòn ngọc Viễn Đông” sống như thế nào vào mỗi mùa mưa?
Có lẽ không cần mất nhiều thời gian để nói về những nổi khổ của người dân nữa. Mà phải nhìn vào những gì lãnh đạo Cộng sản “nói và làm” để thấy rõ căn nguyên của những nan đề Việt Nam. Hai tuần trước (chiều ngày 10/10), chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi, đã có buổi tiếp xúc và trả lời cử tri về dự án chống ngập trễ hẹn hơn 5 năm nay.
Tại buổi nói chuyện này ông Mãi chỉ nhắc đến dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng (thi công từ 2016 tới nay chưa xong). Chủ tịch thành phố nói rằng chỉ cần thanh toán đủ cho chủ đầu tư là 6 tháng sau sẽ hoàn thành toàn bộ dự án. Vậy tại sao lại thiếu tiền thanh toán cho chủ đầu tư? Và tại sao chỉ nhắc tới số tiền 10.000 tỷ mà không đả động tới con số 101.000 tỷ chống ngập giai đoạn 2021-2025?
📌Nguyễn Văn Nên chỉ thẳng mặt đòi nợ phe Lê Thanh Hải
Mới nhất, sáng 20/10, bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng nhắc tới dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại hội nghị chuyên đề “công tác giải ngân vốn đầu tư công”. Giống như chủ tịch Mãi, bí thư Nên cũng tránh đề cập tới 101.000 tỷ cho 120 dự án chống ngập và xử lý nước thải ở TP.HCM. Chỉ xoáy sâu vào con số 10.000 tỷ.
Đặc biệt, đương kim bí thư TPHCM đã công khai lên tiếng đẩy số nợ 10.000 tỷ này qua cho Phó Chủ tịch TP.HCM Bùi Xuân Cường. Ông Nên nói: “Còn một số việc tổ công tác hỏi thành phố nhưng chưa trả lời được. Đây là món nợ của anh Cường, anh phải trả lời để người ta cho ý kiến tháo gỡ vướng mắc cho dự án”.
Khi dự án chống ngập 10.000 tỷ được triển khai (2016) thì ông Bùi Xuân Cường đang là giám đốc sở GTVT TP.HCM. Lúc đó TP.HCM đang nằm dưới quyền kiểm soát của ông Hai Nhựt – bí danh của Lê Thanh Hải bí thư TP.HCM từ 2006-2016). Có thể thấy việc Nguyễn Văn Nên “cấn nợ” cho Bùi Xuân Cường tức là đang đổ lỗi cho phe Lê Thanh Hải về sự minh bạch của số tiền 10.000 tỷ này.
Như vậy, đang có sự đấu đá khốc liệt giữa phe đang nắm quyền tại TPHCM (Phan Văn Mãi, Nguyễn Văn Nên) với phe cựu lãnh đạo (Lê Thanh Hải cùng các cộng sự). Cuộc chiến nóng tới mức Nguyễn Văn Nên phải chỉ thẳng mặt yêu cầu Bùi Xuân Cường trả nợ cho thành phố. Số tiền 10.000 tỷ là cái cớ để nhóm đương kim cầm quyền dùng để đe doạ nhóm cựu quyền.
Tại hội nghị này, ông Nên liên tục dùng các từ ngữ nắn gân, hăm doạ phe ông Hải. Đương kim bí thư nói với các đồng chí phe cựu bí thư: “Riêng tôi chịu trách nhiệm giám sát hai dự án, trong đó có dự án chống ngập. Nhưng đến nay, tiến độ các dự án vẫn chưa thấy chuyển biến nhiều”. Câu này rõ ràng là một lời đòi tiền, rằng ông Nên có phần “ăn” ở hai dự án, trong đó, dự án chống ngập là ông được chia phần lớn, nhưng tới nay các phe nhóm cũ vẫn chưa có chuyển biến trong việc chung chi.
Nguyễn Văn Nên cũng nói rõ rằng “Thường trực Thành ủy đã tiến hành nhiều bước tháo gỡ, trong đó thành lập các đoàn kiểm tra đi thực tế các dự án để có giải pháp chỉ đạo”. Bên cạnh đó, ban Thường vụ Thành ủy sẽ “quyết liệt hơn trong công tác kiểm tra, giám sát dự án”. Tức là phe mới đang dùng mọi “thủ đoạn chính trị” để buộc phe cũ phải chung tiền.
Trong trường hợp phe cũ không chịu “tháo gỡ” với phe mới, ông Nên còn đe doạ rằng vụ án này sẽ đưa ra Trung ương giải quyết. Ông này nhấn mạnh rằng “dự án chống ngập là một dự án lớn nhưng đang gặp nhiều vướng mắc mà ở cấp thành phố không tự giải quyết được, phải báo cáo Thường trực Chính phủ cho ý kiến tháo gỡ”.
Điều này có thể hiểu là nếu phe mới không lấy lại được tiền mà phe lãnh đạo cũ đã “cắn” thì sẽ làm lớn vụ này, đem ra Hà Nội để nhờ Trung ương xử lý giùm. Đây rõ ràng là sự đe doạ của phe đang nắm quyền với phe đang thất thế nhằm lấy cho bằng được 10.000 tỷ kia.
📌 Hàng trăm ngàn tỷ đồng chống ngập ở TPHCM đã trôi về đâu?
Dự án chống ngập 10.000 tỷ là một siêu dự án với mục tiêu kiểm soát ngập do triều cường với diện tích 750 km2 phục vụ khoảng 6,5 triệu dân khu vực sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM. Dự án này khởi công từ năm 2016 rồi nhiều lần ngừng lại, đến nay vẫn chưa hoàn thành. Và đây chỉ là một trong nhiều dự án chống ngập tại TP.HCM.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, TP.HCM cũng có kế hoạch huy động một nguồn vốn lên tới gần 97.000 tỷ đồng cho chương trình chống ngập và xử lý nước thải. Tuy nhiên hầu như các công trình chống ngập, tiêu thoát nước đều bị làm dang dở, tiền hết mà không thể hoàn thiện.
Còn giai đoạn hiện nay (2021-2025), TP.HCM có 120 dự án chống ngập và xử lý nước thải đang thực hiện với tổng kinh phí hơn 101.000 tỷ đồng. Và không có gì lạ khi các công trình này vẫn bị xây dựng rời rạc, chấp vá, không đồng bộ. Khiến cho số tiền hàng trăm ngàn tỷ kia mang đúng nghĩa là “đổ sông đổ bể”, cứ mưa xuống là ngập, cứ thuỷ triều lên là nước cống dâng theo.
Cũng đều là chậm tiến độ, không hiệu quả, nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao lãnh đạo thành phố chỉ nhắc tới số tiền 10.000 tỷ mà phớt lờ đi những con số gấp 10 lần khác? 97.000 tỷ giai đoạn 2016-2020 và 101.000 tỷ giai đoạn 2021-2025 đang rơi vào tay ai? Họ sử dụng nó như thế nào?
Với thực trạng tham nhũng, đấu đá trong nội bộ Đảng Cộng sản hiện nay thì câu hỏi này không khó trả lời. Trong dân gian từ lâu dã lan truyền câu nói rằng “ông nào lên cũng ăn, ông sau ăn nhiều hơn ông trước và có khi ăn luôn phần của ông trước”. 97.000 tỷ thì nhiệm kỳ trước ăn, 101.000 tỷ thì quan chức hiện tại đang “ăn”.
Ăn thôi không đủ, các lãnh đạo đương nhiệm muốn khui lại vụ 10.000 tỷ với hai lý do. Một là thanh trừng triệt để tàn dư của phe phái cũ. Hai là đổ lỗi sự thất bại trong các dự án hàng chục ngàn tỷ này cho những người tiền nhiệm.
Hiện nay phe Lê Thanh Hải hầu như đã phải hầu toà hoặc bị kỷ luật gần hết. Từ Lê Tấn Hùng – em ruột ông Hải, Tất Thành Cang – cựu phó bí thư lính ruột ông Hải, tới một loạt phó chủ tịch TP.HCM như Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Hữu Tín, Trần Vĩnh Tuyến cũng đều đang sống trong tù. Từ những phát biểu của đương kim bí thư Nguyễn Văn Nên, có thể dự đoán sẽ còn nhiều quan chức liên quan tới nhóm Lê Thanh Hải tiếp tục bị thanh trừng nếu không chung chi hoặc quy phục phe mới.
Và sau này, khi phe khác lên nắm quyền, họ lại tiếp lôi Nguyễn Văn Nên, Phan Văn Mãi ra “làm thịt”; với cùng cái chiêu bài mà hai ông này đang dùng để xử lý phe Lê Thanh Hải…
____
*Tiêu đề được người viết dùng đơn vị “thước” trong các tính thước ta cũ, một thước bằng 0,4 mét. Ngoài ra, báo chí cộng sản thường đánh tráo khái niệm Sài Gòn và TPHCM để hạ nhục cố đô Việt Nam Cộng Hoà. Cái gì tốt cho cộng sản thì họ ghi ở TPHCM, cái gì xấu thì ghi là ở Sài Gòn. Ví dụ công an TPHCM bắt được cướp ở Sài Gòn. Cho nên người viết có dụng ý dùng cơn mưa ở Sài Gòn làm ngập uỷ ban ở TPHCM cũng vì muốn phản ứng lại cách hạ nhục Sài Gòn của truyền thông cộng sản.