Việt Nam Thời Báo

VNTB- Tại sao Trung Quốc sẽ không ngưng việc xây dựng đảo ở Biển Đông?

Frederick Kuo 
Phạm Nguyên Trường dịch
(VNTB) – “Cuộc chiến nóng” với hải quân Hoa Kỳ có thể trở thành đại họa đối với nền kinh tế của Trung Quốc. Do đó, khả năng Trung Quốc đánh chiếm những hòn đảo do các nước khác kiểm soát và làm gia tăng căng thẳng là tương đối thấp.

Khi hải quân Hoa Kỳ và những nước đối đầu với Trung Quốc ở châu Á phản ứng trước việc Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự trên những hòn đảo đang tranh chấp, rủi ro xung đột gia tăng đã gióng lên hồi chuông báo động về sự bất ổn trong khu vực có tầm quan trọng đặc biệt đối với nền thương mại toàn cầu. Thế giới đang chờ phán quyết của tòa án Hague về vấn đề này, nhưng quyết định của tòa án này sẽ có ít ảnh hưởng đối với Trung Quốc, một nước đang nuôi tham vọng to lớn là củng cố đế chế thương mại không có đối thủ ở lục địa Á-Âu và châu Phi.
Biển Đông ấm áp, khí hậu nhiệt đới, dễ làm người ta lầm tưởng rằng đây là khu vực bình lặng, nhưng khu vực này đã trở thành một trong những điểm nóng quốc tế lớn. Tiến hành xây dựng những bãi đá nửa nổi nửa chìm thành những hòn đảo khá lớn, Trung Quốc đã cải tạo và xây dựng thêm được 3.200 acres [1 acre = 0,4 hecra – ND] trên những hòn đảo do nước này kiểm soát. Ngoài ra, Trung Quốc đã xây dựng được cơ sở hạ tầng khá lớn, cả về quân sự và lẫn dân sự, làm nghiêng cán hẳn cán cân quyền lực trong khu vực tranh chấp nóng bỏng này.
Tham vọng của Trung Quốc đã làm cho các đối thủ như Philippines và Việt Nam giận dữ, đồng thời làm gia tăng căng thẳng với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, bất chấp những lời lên án, Trung Quốc không khuất phục trước áp lực, mà còn đẩy nhanh những kế hoạch đầy tham vọng trong việc triển khai sức mạnh, làm cho nhiều người lo sợ hậu quả khủng khiếp có thể xảy ra trong bầu không khí căng thẳng đang dâng cao.

Phân tích sơ lược về mô hình thương mại và đầu tư ngày càng gia tăng của Trung Quốc cho thấy hai động lực chính trong chiến lược Biển Đông của nước này: tham vọng về thương mại của Trung Quốc và sự yếu kém của hải quân nước này so với các cường quốc khác.
Đế chế thương mại ngày càng lớn lên của Trung Quốc, được củng cố do việc buôn bán với châu Âu, châu Phi, Trung Đông và Nam Á, có mối liên kết yếu kém mà ai cũng thấy – nhiều đoạn biên giới trên biển của họ có thể bị các cường quốc khác kiểm soát. Sự kiện này chắc chắn sẽ làm cho căng thẳng trong khu vực tiếp tục tăng, mặc dù khả năng xảy ra xung đột chưa phải là lớn.

Sau hai thập kỷ công nghiệp hóa và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, Trung Quốc đã nổi lên như là quốc gia thương mại lớn nhất thế giới; năm 2015, xuất nhập khẩu của nước này đạt tới 4,3 ngàn tỷ USD. Mười năm trước, các khoản đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc chỉ như muối bỏ biển, nhưng năm 2015 đã tăng lên đền gần 120 tỷ USD. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi, năm 2015, buôn bán hai chiều lên tới 160 tỷ USD. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của châu Âu, đạt gần 580 tỷ USD một năm. Trong khi đó, Trung Quốc cũng có những bước tiến đáng kể trong thương mại và đầu tư vào Trung Đông và Nam Á.
Để củng cố và liên kết đế chế thương mại to lớn và tiếp tục tục mở rộng của mình, Trung Quốc đã thúc đẩy chiến lược “Một vành đai, Một con đường”, tức là làm sống lại của Con đường tơ lụa có từ thời xa xưa. Nếu thành công, dự án này sẽ làm thay đổi một cách cơ bản cán cân quyền lực toàn cầu về phía có lợi cho Trung Quốc, đất nước đang tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại trên khắp lục địa Á-Âu và châu Phi với những con đường mà điểm cuối của chúng làTrung Quốc.

Với những khoản chi tiêu dự trù là hơn 1,3 nghìn tỷ USD, con đường tơ lụa mới sẽ liên kết hơn 60 nước trên khắp lục địa Á-Âu và châu Phi, với dân số khoảng 4,4 tỷ người, với rất nhiều dự án về cơ sở hạ tầng, trong đó có đường sắt và đường ống dẫn dầu khí tới các bến cảng và những cơ sở hạ tầng hàng hải khác. Tham vọng quá mức của Trung Quốc trong việc thúc đẩy cơ sở hạ tầng nhằm gắn kết một lúc ba châu lục và liên kết họ vào một đế chế thương mại là tham vọng vô tiền khoáng hậu.
Dự án “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc bao gồm hai tuyến đường chính. Một con đường trên đất liền, băng qua vùng đất rộng lớn ở châu Á và châu Âu, nối Trung Quốc với các đối tác thương mại trong thời thượng cổ của nước này ở vùng Trung Á và Trung Đông, rồi tới châu Âu. Tuyến kia là con đường hàng hải, đi qua Biển Đông và eo biển Malacca, rồi qua Ấn Độ Dương đến châu Phi và Trung Đông và châu Âu.

Đế chế thương mại phát triển nhanh chóng của Trung Quốc tự coi là đang đối mặt với những thách thức to lớn về mặt an ninh. Trong khi Trung Quốc vốn là cường quốc lục địa, sau khi hạm đội khổng lồ của Trịnh Hòa dong buồm tới châu Phi vào thế kỷ XV, nước này không bao giờ còn lực lượng hải quân lớn nữa. Trong thời đại hiện đại, đế chế Trung Quốc đã bị pháo hạm phương Tây đánh bại, sau đó thì sụp đổ, và dưới thời Mao thì rơi vào tình trạng hỗn loạn. Kể từ khi Trung Quốc, một kẻ đi sau, bước vào đấu trường chính trị của các siêu cường, nước này mới phát hiện ra rằng đường biên giới trên biển của họ đã bị các nước khác, trong đó có Hoa Kỳ và các nước lân bang ở châu Á, khống chế.
Sự kiện này làm cho các khoản đầu tư và nền thương mại khổng lồ của Trung Quốc dễ bị những ý tưởng thất thường của lực lượng hải quân nước ngoài đe dọa, đấy là nguyên nhân làm cho Bắc Kinh lo lắng. Tình trạng bấp bênh như thế buộc Trung Quốc phải hiện đại hóa và nâng cấp lực lượng hải quân, hiện nay họ khoe là đã có một hàng không mẫu hạm, và đang đóng mới một chiếc khác, cùng với kế hoạch đóng hai chiếc nữa trong thập kỷ tới.

Ở Biển Đông, Trung Quốc đã đưa ra yêu sách của mình ngay từ thời Đảng Cộng hòa còn cầm quyền. Tuy nhiên, do phải giải quyết nhiều vấn đề ở trong nước, Trung Quốc chưa thể triển khai ngay được những đòi hỏi của mình. Những hành động gần đây của Trung Quốc thể hiện mức độ gia tăng đáng kể trong việc đầu tư vào những hòn đảo đang còn tranh chấp, nhưng nằm dưới quyền kiểm soát của nước này. Đây là phần không thể tách rới của những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thiết lập vị trí đầu cầu nhằm giám sát và bảo vệ các tuyến đường buôn bán mà nước ngày càng phụ thuộc vào.
Nói một cách đơn giản, nỗi ám ảnh của Trung Quốc về việc xây dựng thành lũy ở biển Đông là do sợ mất quyền kiểm soát các tuyến đường thương mại quan trọng và do đó, lực lượng hải quân nước ngoài có thể dễ dàng tước đoạt những lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Khi Trung Quốc thúc đẩy dự án Con đường tơ lụa đầy tham vọng của mình, cảm giác về tính cấp bách của nó đã làm cho họ có những bước đi để bảo đảm rằng nước này sẽ có cơ sở hạ tầng hải quân đủ sức bảo vệ những lợi ích thương mại của mình từ biển Đông đến Djibouti, là nơi Trung Quốc đã xây dựng được căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài.

Chắc chắn là, Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển lực lượng hải quân của mình ở Biển Đông – mỗi năm 5,3 nghìn tỷ USD hàng hóa được vận chuyển qua khu vực này – đã làm cho các nước đang tranh chấp chủ quyền trong quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa nỗi giận. Trung Quốc đã đẩy cả Philippines và Việt Nam vào vòng tay của Hoa Kỳ. Philippines đã ký một số thỏa thuận mới với hải quân Hoa Kỳ, gia tăng sự hiện diện hải quân Mỹ trong các căn cứ quân sự của nước này, trong khi chuyến thăm của tổng thống Obama tới Việt Nam báo hiệu một kỷ nguyên hợp tác mới bằng việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vận vũ khí cho Việt Nam. Ngoài ra, máy bay Mỹ liên tục bay qua khu vực xung quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc, làm gia tăng khả năng xảy ra xung đột.
Đồng thời, “cuộc chiến nóng” với hải quân Hoa Kỳ có thể trở thành đại họa đối với nền kinh tế của Trung Quốc. Do đó, khả năng Trung Quốc đánh chiếm những hòn đảo do các nước khác kiểm soát và làm gia tăng căng thẳng là tương đối thấp. Trung Quốc không cần chiếm thêm đảo thì mới thống trị một cách hiệu quả vùng biển này. Việc kiểm soát cửa ngõ quan trọng có thể được bảo đảm bằng việc mở rộng và củng cố những hòn đảo mà họ đang nắm giữ. Do đó, Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục giữ cân bằng, trong khi ngày càng chiếm được thêm ưu thế về mặt chiến lược mà không để căng thẳng biến thành đối đầu quân sự trực tiếp.

Rõ ràng là, những sự kiện này, cuối cùng, sẽ làm thiệt hại những nỗ lực của Trung Quốc trong việc quảng bá hình ảnh của “trỗi dậy hòa bình” và là đối tác trong quá trình phát triển trong khu vực Đông Nam Á. Mặc cho mối quan hệ đã bị xấu đi với Philippines và Việt Nam, và cuộc đụng độ quân sự thảm khốc có thể xảy ra với hải quân Mỹ, ít người nghi ngờ rằng rủi ro là giá mà Trung Quốc sẵn sàng trả nhằm thiết lập quyền kiểm soát một cách hiệu quả trên tuyến đường hàng hải quan trọng, liên kết đế chế thương mại rộng lớn này với khu vực bên ngoài Ấn Độ Dương. Vì vậy, khu vực này có thể sẽ căng thẳng hơn, trước khi đạt được tình trạng cân bằng.

Frederick Kuo là cây bút ở San Francisco. Tác phẩm của ông tập trung vào những sự kiện hiện nay và phân tích kinh tế. Các bài viết của ông đã được đăng trên Quartz, The National Interest, Citymetric, SF Examiner và nhiều tờ báo khác. 

http://thediplomat.com/2016/07/why-china-wont-stop-island-building-in-the-south-china-sea/

Tin bài liên quan:

VNTB- Những vấn đề chính trị ám ảnh hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Trung Quốc

Phan Thanh Hung

VNTB- Kinh tế thế giới không có Trung Quốc

Phan Thanh Hung

VNTB- Ngu dốt là sức mạnh hay những biện pháp mà bộ máy tuyên truyền thường dùng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo