Nguyễn Phúc – Thảo Vy
(VNTB) – Nếu chính phủ Việt Nam thỏa hiệp với nhà đầu tư Formosa Đài Loan, thì số tiền nửa tỷ USD sẽ là một tiền lệ rất xấu cho việc nhà đầu tư có thể dễ dàng mua được tài nguyên, môi trường của Việt Nam bằng những khoản tiền thỏa thuận.
“Tị nạn môi trường” không phải là cách đặt vấn đề mang tính “phản động”, mà là cụm từ đang bắt đầu xuất hiện với mật độ tăng dần trong các hội thảo khoa học về vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH)
Tị nạn môi trường được định nghĩa là việc con người buộc phải rời khỏi nơi cư trú truyền thống của mình, tạm thời hay vĩnh viễn do những nguyên nhân môi trường gây nguy hiểm cho cuộc sống của họ. Nguyên nhân của tị nạn môi trường là sự tổ hợp của một số yếu tố sau: Không có đất canh tác, mất đất cư trú; Mất rừng, hoang mạc hoá; Xói mòn đất; Mặn hoá hoặc úng ngập; Hạn hán, thiếu nước; Đói nghèo; Suy giảm đa dạng sinh học; Biến động khí hậu và thời tiết xấu; Suy dinh dưỡng và dịch bệnh; Quản lý nhà nước kém hiệu quả.
Tị nạn môi trường chính là chỉ thị của sự mất ổn định và là một trong những nguyên nhân dẫn đến xung đột.
Xuất khẩu lao động, tên gọi khác của tị nạn môi trường?
Chiều 5-7, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Doãn Mậu Diệp cho biết, khoảng 260.000 lao động bị ảnh hưởng bởi chuyện Formosa đã gây ra việc hủy diệt môi trường biển, trong đó 100.000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp, 163.000 lao động bị ảnh hưởng gián tiếp. “Ngư dân thì phải sống nhờ biển, mưu sinh từ biển. Việc chuyển đổi hoàn toàn lao động bị ảnh hưởng sang nghề khác có lẽ là câu chuyện không khả thi và cũng không nên làm”, ông Doãn Mậu Diệp, nói.
Theo ông Phạm Viết Hương, phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), hướng giải quyết là “ngoài thị trường xuất khẩu lao động nghề cá gần bờ ở Hàn Quốc, còn có hai chương trình khác được đánh giá là khá tiềm năng, phù hợp và có chi phí rẻ hơn so với thị trường Hàn Quốc là chương trình tàu cá gần bờ Đài Loan và chương trình đánh bắt cá gần bờ của Thái Lan”.
Điều đó có nghĩa là biển Việt Nam đã chết, ngư dân miền Trung buộc phải tha hương kiếm cơm ở xứ người. Nói cách khác, đây chính là việc tị nạn môi trường, mà trước tiên là sẽ có 100.000 lao động phải cấp thiết tị nạn ngay. Nguy hại hơn là Việt Nam đang vắng mặt sự hiện diện của 100.000 ngư dân đã góp phần bảo vệ chủ quyền trên biển, đảo của Việt Nam.
Việt Nam đứng thứ 5 trên toàn cầu về thiệt hại do biến đổi khí hậu
Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh cho hay tại Lễ trao giải “Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Việt Nam cũng được đánh giá là một trong 5 quốc gia chịu tác động rất mạnh của BĐKH, nước biển dâng. Đặc biệt là hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp của nước ta.
Theo tin từ Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, Đại sứ Ted Osius cho biết ngày 5-7, Washington vừa thông qua khoản viện trợ khẩn cấp bổ sung trị giá 500.000 USD để hỗ trợ người dân Việt Nam bị ảnh hưởng bởi thiên tai. “Khoản viện trợ bổ sung này sẽ hỗ trợ các chương trình quan trọng nhằm đảm bảo hàng nghìn người dân gặp khó khăn có thể trữ được nước và được tiếp cận nguồn nước uống an toàn”, Đại sứ Osius cho biết.
“Quyết định trên còn thể hiện cam kết trước sau như một của Mỹ về việc giúp đỡ người dân Việt Nam khắc phục những hậu quả từ đợt hạn hán gây nhiều thiệt hại vừa qua và những tác động khác của biến đổi khí hậu”, theo đại sứ Mỹ tại Việt Nam.
Với khoản hỗ trợ mới, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đang phối hợp với Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam cung cấp bình chứa nước, hệ thống lọc nước, viên lọc nước, đồng thời phổ biến các thực hành vệ sinh tốt để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh. Trước đó, vào tháng 4-2016, Mỹ đã công bố khoản viện trợ cứu trợ thiên tai đầu tiên để giúp Việt Nam ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn, và đến nay số tiền viện trợ đã lên đến 850.000 USD.
Những con số
Thực tế tại Việt Nam, BĐKH đã và đang gây ra rất nhiều sự thay đổi như nhiệt độ trung bình năm tăng 0.5oC trong vòng 70 năm; số lượng các đợt không khí lạnh giảm đáng kể trong vòng 2 thập kỷ; hình thái bão thay đổi và bão với cường độ lớn xuất hiện ngày càng nhiều hay mực nước biển dâng lên khoảng 20 cm trong vòng 50 năm…
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đợt rét từ ngày 22-28/01/2016 tại miền Bắc khiến 9.409 con gia súc bị chết; 9.453 ha diện tích lúa, 8.472 ha diện tích mạ, 16.149 ha diện tích hoa màu, rau màu bị thiệt hại, 150.000 ha diện tích rừng hiện có bị ảnh hưởng. Trong đợt lạnh này, tuyết không chỉ phủ trắng các tỉnh miền núi giáp biên giới phía Bắc, mà còn xuất hiện ở Hà Nội, Nghệ An. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử khí tượng Việt Nam.
Thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long tính đến hết tháng 4/2016 là 9.020 tỷ đồng. Hạn hán và xâm nhập mặn còn khiến 475.000 hộ dân tại các khu vực trên bị thiếu nước sinh hoạt; 248.000 ha lúa, 129.000 ha cây công nghiệp, 50.000 ha cây ăn quả, 19.000 ha hoa màu, 5.000 ha thủy sản bị thiệt hại. Các tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất là Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Bạc Liêu.
Ngoài ra, BĐKH còn ảnh hưởng tới tài nguyên rừng, gây ra nguy cơ như cháy rừng, thiệt hại tài nguyên, tăng lượng phát thải khí nhà kính; tác động tới sức chịu tải, độ bền, độ an toàn của cơ sở hạ tầng; ảnh hưởng nghiêm trọng tới tài nguyên đất, làm gia tăng hiện tượng xói mòn, rửa trôi, sạt lở bờ sông, bờ biển.
Tất cả các vấn đề trên còn cho thấy nếu chính phủ Việt Nam thỏa hiệp với nhà đầu tư Formosa Đài Loan, thì số tiền nửa tỷ USD sẽ là một tiền lệ rất xấu cho việc nhà đầu tư có thể dễ dàng mua được tài nguyên, môi trường của Việt Nam bằng những khoản tiền thỏa thuận, bất chấp Việt Nam đã có đầy đủ văn bản pháp luật để giải quyết những vấn đề liên quan đến môi trường, tài nguyên quốc gia.