Nguyễn Phúc – Thảo Vy
(VNTB) – Phóng viên ảnh các báo và người dân khi chụp ảnh đưa lên mạng xã hội – như trang cá nhân facebook, blog…, có nguy cơ bị tống vào tù, nếu như tấm ảnh đó được ngành văn hóa – công an chụp mũ “phủ nhận thành tựu cách mạng”.
Linh mục Phan Văn Lợi phản đối Formosa
8 điều cấm
Từ ngày 15-8-2016, Điều 88 và Điều 258 của Bộ Luật hình sự được mở rộng hơn về các hành vi phạm tội. Theo đó, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động nhiếp ảnh, buộc phải tuân thủ 8 điều kiện sau: 1. Không tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; không phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. 2. Không tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định.
3. Không kích động chiến tranh xâm lược, gây thù hận giữa các dân tộc và nhân dân các nước; không truyền bá tư tưởng phản động. 4. Không sửa chữa, ghép tác phẩm nhiếp ảnh làm sai lệch nội dung của hình ảnh nhằm mục đích xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; không xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, lãnh tụ, danh nhân văn hóa; không vu khống, xâm hại uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.
5. Không vi phạm các quy định về nếp sống văn minh, thuần phong mỹ tục, an ninh, trật tự; không tuyên truyền bạo lực, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội gây hại cho sức khỏe, hủy hoại môi trường sinh thái và vi phạm các quy định khác của pháp luật. 6. Không mua, bán, sử dụng, phổ biến tác phẩm nhiếp ảnh vi phạm pháp luật hoặc đã có quyết định đình chỉ lưu hành, cấm lưu hành, thu hồi, tịch thu, tiêu hủy của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
7. Tuân thủ quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan và quyền của cá nhân đối với hình ảnh. 8. Tổ chức triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh theo đúng nội dung đã được cấp giấy phép. (Điều 5, Nghị định số 72/2016/NĐ-CP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành)
Thế nào là tuyên truyền chống lại nhà nước?
Tấm ảnh linh mục Phan Văn Lợi phản đối Formosa, yêu cầu kẻ thủ ác với dân Việt Nam phải đền bù đầy đủ những thiệt hại cho người dân và biển Việt Nam, và phải rời khỏi Việt Nam là các yêu cầu hợp lý, phù hợp với những quy định về quyền tự do ngôn luận của công dân. Tuy nhiên, tác giả tấm hình này có khả năng bị chụp mũ là tuyên truyền chống lại nhà nước, vì nhà nước Việt Nam nói rằng đã thỏa thuận nhận 500 triệu đô la Mỹ từ Formosa. Tấm ảnh này có thể bị cho là “kích động người dân phản ứng việc nhà nước tự tiện cầm tiền, mà chưa hỏi ý kiến những người dân bị thiệt hại”.
Nội hàm của 8 điều cấm ở Nghị định số 72/2016/NĐ-CP rất rộng. Nhân danh nhà nước, nhân danh đảng, người ta đã mở rộng phạm vi để có thể bỏ tù cả những ai dám chụp các hình ảnh mô tả thực đời sống xã hội, và không đúng như những gì tốt đẹp mà nghị quyết đảng đã nói.
Loạt hình ảnh về biểu tình của người dân Cồn Sẻ, Quảng Bình vừa xảy ra là một ví dụ cho chuyện ở Việt Nam thực sự có quyền tự do biểu tình hay không. Các tác giả và cả nơi đăng tải những tấm ảnh rất thật này, từ ngày 15-8 tới đây, rất dễ bị lôi vào vòng tù tội của Điều 88, hoặc Điều 258 của Bộ Luật Hình sự.
Các bài báo chống tham nhũng sẽ không được đưa hình ảnh chứng cứ?
“Không vu khống, xâm hại uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”, với quy định ngặt nghèo này, coi như các bộ ảnh kiểu như nhà cao cửa rộng của cựu Thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền, của cựu tổng bí thư Nông Đức Mạnh, sẽ là vi phạm của xâm hại uy tín và nhân phẩm thanh liêm của những người cộng sản Trần Văn Truyền, Nông Đức Mạnh (!?).
Phần chứng cứ hình ảnh của một phóng sự điều tra về tham nhũng luôn là khâu khó khăn nhất, dễ đánh đổi bằng tính mạng nhất. Tuy nhiên với điều cấm thứ tư của Nghị định số 72/2016/NĐ-CP, “không vu khống, xâm hại uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”, coi như là đòn răn đe với bất kỳ tay ảnh nào dám lao vào cuộc săn ảnh các quan tham.