Việt Nam Thời Báo

VNTB- “Khủng hoảng cổ tức” ở Việt Nam vẫn chưa có lối thoát

“Khủng hoảng cổ tức” ở Việt Nam vẫn chưa có lối thoát. Trong khi cổ tức của Ngân hàng Vietcombank dự kiến sẽ nộp về ngân sách trong tháng 7-2016, số cổ tức của phần vốn nhà nước từ hai ngân hàng khác là VietinBank và BIDV (khoảng 5,000 tỉ đồng) còn phải chờ sự quyết định của đại hội đồng cổ đông hai ngân hàng này.
Ít nhất cho đến giờ này, “lệnh” của Bộ Tài chính đã bị VietinBank và BIDV vừa phản ứng vừa làm lơ. Não trạng tiêu hoang cùng đà thu ít chi nhiều của chính quyền, cùng tương lai không khó hình dung là chẳng bao lâu nữa ngân sách Việt Nam sẽ trắng tay và vỡ nợ, là lý do sâu xa mà đã khiến khối ngân hàng thương mại, mặc dù thoát thai từ nhà nước, đã tìm cách ngoảnh mặt quay lưng với ngân khố quốc gia.
Cần nhắc lại, vào đầu tháng 6/2016, lần đầu tiên Bộ Tài chính không chấp nhận tiếp tục cho các ngân hàng giữ lại cổ tức năm 2015 của nhà nước để tăng vốn, mà đòi nộp vào ngân sách. Không những thế, đòi nộp bằng tiền mặt chứ không phải bằng cổ phiếu để khỏi “gây ảnh hưởng tới thu ngân sách Nhà nước”.
Động thái đòi tiền mặt trên là dấu hiệu mới nhất cho thấy Bộ Tài chính – cơ quan chủ trì về “nghĩ ra mọi ý tưởng để tận thu” – đang vét kho.
Tình hình thu ngân sách đang dần xấu đi. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước thực hiện 6 tháng đầu năm 2016 có mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 2 năm gần đây.
Trong khi đó, chiến dịch “thoái vốn nhà nước” được Chính phủ chỉ đạo đối với các tập đoàn, tổng công ty từ năm 2013 và “quyết tâm” kết thúc trong năm 2015, đã thất bại khá thảm hại: cho đến  nay mới chỉ “thoái” được khoảng 40% vốn. Thành tích rõ rệt nhất là việc bán cổ phần nhà nước tại những doanh nghiệp lớn mà do đó đã mang lại cho ngân sách 10.000 tỷ đồng. Hiện giờ, con số khan hiếm này đang được Chính phủ trình Quốc hội để phân bổ cho những khoản thiếu hụt trầm kha. 
Lại thêm một năm nữa đi vay nhiều hơn là trả nợ! Đây chính là tình trạng nợ cũ chồng nợ mới và lãi mẹ đẻ lãi con mà đang khiến cho chính thể Việt Nam sa lầy ngiêm trọng trong cơn khủng hoảng kinh tế của nợ xấu, nợ công và ngân sách kiệt quệ.
Một trong những nguồn cơn gây ra tình trạng trên là bội chi ngân sách. Vào năm 2013, mức bội chi đã lên đến 6.3% GDP, vượt quá mức cho phép 5% GDP. Tưởng như đã rút ra được bài học xương máu. Nhưng không, cho đến năm 2015, chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vẫn tiếp tục đẩy mức bộ chi lên đến 6.1% GDP, tức mỗi năm xài lố khoảng 250,000 tỷ đồng. 70% trong nguồn chi được dùng cho chi thường xuyên, trong đó có chi cho lực lượng an ninh để đàn áp biểu tình môi trường của người dân.
Nếu như trước đây, chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có thể “ép” Vietcombank phải mua 1 tỷ USD trái phiếu chính phủ khi không thể phát hành ra quốc tế được, thì nay khả năng đó là rất thấp. Ngay những ngân hàng thương mại mà Ngân hàng nhà nước chiếm cổ phần chính cũng chịu cảnh khó khăn đến mức sẵn sàng từ chối việc mua trái phiếu chính phủ.
Ngân sách cũng bởi thế ngày càng lâm vào tình thế bế tắc!
Lê Dung / SBTN

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.