Việt Nam Thời Báo

The Diplomat – Đằng sau nỗi sợ Cộng sản của Indonesia là gì?

The Diplomat

Indonesiapki



Tại sao quân đội Indonesia lại cảnh báo một lần nữa về một cuộc cách mạng cộng sản có thể diễn ra?


50 năm sau ngày Đảng Cộng sản Indonesia (Partai Komunis Indonesia – PKI) bị triệt hạ, bóng ma của chủ nghĩa cộng sản đã trỗi dậy một lần nữa để trả thù những người theo chủ nghĩa dân tộc vốn đã cứu đất nước khỏi tan rã – chí ít thì đó là điều mà Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Rycadu nghĩ. Trong những tháng vừa qua, những người theo lập trường cứng rắn trong giới lãnh đạo quân đội đã khơi gợi những nỗi lo ngại của công chúng về sự trở lại của chủ nghĩa cộng sản ở Indonesia. Các nhân vật quan trọng trong quân đội đã cảnh báo về những nỗ lực ngầm của những người cộng sản nhằm bắt đầu một cuộc cách mạng và nhắc nhở người dân phải tránh xa chủ nghĩa cộng sản nếu họ không muốn bị bỏ tù. Thêm vào đó, một số tổ chức có liên quan đến quân đội, nổi bật nhất là Diễn đàn Liên lạc của Con em Cựu chiến binh Indonesia (FKPPI), đã tổ chức biểu tình và giăng băng rôn khắp đảo Java để cảnh báo về khả năng trỗi dậy của chủ nghĩa cộng sản.

Nhưng những cảnh báo của quân đội không chỉ là những đe dọa trống rỗng. Lực lượng an ninh bao gồm quân đội và cảnh sát đã gia tăng đàn áp các tác phẩm văn học, đồ lưu niệm, và phim ảnh liên quân đến tư tưởng cộng sản và cuộc đảo chính thất bại vào ngày 30/09/1965 cũng như các hậu quả của nó, khi hàng trăm ngàn người bị nghi ngờ là cộng sản hay có tư tưởng ủng hộ cộng sản đã bị cầm tù và giết hại. Vào tháng 5, một chủ tiệm bị tạm giam vì bán những áo phông có hình búa liềm của ban nhạc metal của Đức tên là Kreator. Các đầu sách mang tư tưởng cánh tả và về những cuộc giết chóc vào năm 1965-66 tại các nhà sách bị quân đội tịch thu. Trớ trêu thay, việc tịch thu các tựa sách học thuật về chủ nghĩa cộng sản và những cuộc tàn sát được ủng hộ bởi quyền giám đốc Thư viện Quốc gia Indonesia. Một buổi chiếu phim ở Yogyakarta để chào mừng ngày Tự do Báo chí Thế giới đã bị hủy bởi các quan chức an ninh, sau khi nhận được khiếu nại từ FKPPI. Buổi chiếu phim, được tổ chức bởi một nhóm phóng viên và các nhà hoạt động, dự định sẽ chiếu một phim tài liệu về quyền lao động, điều bị FKPPI tố là mang hơi hướng cực tả.

Nhiều học giả, nhà báo, và nhà hoạt động đã lên tiếng phản đối việc sử dụng vũ lực “quá mức”. Thậm chí Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo, người đã chỉ đạo các cơ quan pháp luật thi hành những đạo luật chống việc sử dụng hình ảnh cộng sản vào tháng 5, đã nói rằng mức độ đàn áp đang “quá mức.” Lãnh đạo cảnh sát quốc gia Badrodin Haiti cũng đã kêu gọi các quan chức an ninh mềm mỏng lại. Tuy việc đàn áp đã giảm bớt vào đầu tháng 6, “nỗi lo cộng sản” vẫn chưa hạ nhiệt. Vào ngày 3/6, các cuộc biểu tình chống cộng, được tổ chức bởi các tổ chức cứng rắn theo chủ nghĩa Hồi Giáo và dân tộc đã diễn ra tại Đài kỷ niệm quốc gia tại Jarkarta. Điều này làm chúng ta phải đặt câu hỏi: điều gì đã bất ngờ dẫn đến những lo âu của công chúng và giới an ninh về Chủ nghĩa cộng sản.

Jokowi và giới quân sự

Jokowi lên nắm quyền với nguồn vốn chính trị hạn hẹp. Chính phủ của ông đã đối mặt với nhiều nỗ lực của các đảng phái để ngăn chặn mọi bước đi của ông, những hình ảnh thường xuyên về những tranh cãi trong nội các, và sự lệ thuộc công khai vào người bảo trợ chính trị của ông, cựu Tổng thống Megawati Sukarnoputri. Quân đội Indonesia, với quyền chỉ huy lãnh thổ đầy quyền lực và nổi tiếng với khả năng hành động nhanh chóng, được xem như là một lựa chọn thay thế hấp dẫn cho nền tảng quyền lực của ông. Quân đội đã có ảnh hưởng xã hội đáng kể thông qua việc điều phối 13 sở chỉ huy khu vực, những cơ quan này hoạt động sâu rộng xuống các làng xã. Điều này cho phép họ tham gia các hoạt động xây dựng cộng đồng, giúp quân đội xây dựng hình ảnh trước công chúng.

Một báo cáo hồi tháng 5/2015 của Học viện Nghiên cứu Chính sách Xung đột bày tỏ sự quan ngại về cách mà quân đội Indonesia đang mở rộng tầm ảnh hưởng vào các mảng xã hội và an ninh. Một ví dụ là việc quân đội đã ký hàng chục bản ghi nhớ với một loạt các cơ quan dân sự trong hai năm qua. Họ đang đóng một vai trò chủ chốt trong kế hoạch của Tổng thống Jokowi để đất nước có thể tự túc được lương thực vào năm 2017, và điều này trao quyền cho quân đội trong việc xây dựng các hệ thống về canh tác đất và quản lý thu hoạch. Quân đội cũng hợp tác với các chính quyền địa phương để tổ chức các dự án cộng đồng giúp người dân địa phương, nhưng cũng có mục tiêu khác là thu thập thông tin và thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc. Họ cũng đã tham gia cuộc chiến chống ma túy và khủng bố của Jokowi, những lãnh vực từng được giành riêng cho cảnh sát. Bây giờ quân đội cũng tham gia đàn áp các biểu tượng cánh tả.

Rycadu, người đã gặp nhiều tranh cãi khi được bổ nhiệm, đã tuyên bố ý định thành lập 900 trung tâm huấn luyện cho đến năm 2018 để tạo nên một lực lượng phòng vệ dân sự, với mục tiêu bảo vệ đất nước chống lại các “cuộc chiến qua tay người khác” bị khơi mào bởi những người cộng sản, phiến quân cực đoan, người đồng tính, và những “ảnh hưởng từ nước ngoài.” Những trung tâm huấn luyện này sẽ dạy hàng triệu học sinh sinh viên, công chức chính phủ và những người khác về những kỹ năng sống còn và giáo dục công dân. Điều có thể xem là đáng lo nhất về việc quân đội trở lại đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội là nó sẽ làm giới hạn những bước tiến trong việc đưa ra ánh sáng một danh sách dài những vi phạm nhân quyền.

Nhìn lại cuộc tàn sát năm 1965-66

Việc hạn chế những tài liệu bị nghi có liên quan đến chủ nghĩa cộng sản được khởi động cùng lúc Jokowi ra lệnh điều tra những cuộc tàn sát vào năm 1965-66. Vào tháng 4, một hội thảo mang tính lịch sử về cuộc đảo chính ngày 30/09/1965 và hậu quả của nó đã diễn ra ở Jakarta và thu hút các học giả, nhà hoạt động, nhân vật chính trị và quan chức quân đội. Sự kiện này được tài trợ bởi một số nhóm bao gồm các quan chức quân đội. Bộ trưởng điều phối các vấn đề chính trị, xã hội và an ninh Luhut Panjaitan (một cựu tướng quân đội) đã ủng hộ diễn đàn, cho dù ông đã nói rõ với những người tham dự rằng chính phủ sẽ không xin lỗi các nạn nhân của các vụ tàn sát năm 1965-66. Dù vậy, ông tuyên bố rằng chính phủ sẽ thành lập một nhóm điều tra và khai quật các mộ tập thể. Việc Panjaitan ủng hộ cuộc điều tra đối nghịch với quan điểm của Rycadu, người đã phản đối hội thảo. Rycadu cho rằng họ không cần ghi nhớ những “phần bị lãng quên” của lịch sử.

Vào đầu tháng 5, những tin đồn bắt đầu lan truyền rằng một cuộc bạo loạn của cộng sản sắp xảy ra. Thậm chí một số tướng hồi hưu đã khẳng định rằng những đồn đoán này là có thật. Nhưng rất khó để chủ nghĩa cộng sản thâm nhập vào đất nước này nơi nó đã bị chỉ trích gay gắt khắp mọi nơi. Sách giáo khoa lịch sử nhấn mạnh cuộc chiến thất bại của chủ nghĩa cộng sản chống lại những người theo chủ nghĩa dân tộc. Trong chế độ của Suharto, các đài truyền hình của nhà nước mỗi năm đều chiếu bộ phim Pengkhianatan G30S/PKI (Sự phản bội của G30S/PKI) để nhắc nhở công chúng về việc những người cộng sản đã giết chết 6 vị tướng được kính trọng. Chính quyền Suharto đã thành công trong việc xóa bỏ mọi dấu vết của chủ nghĩa cộng sản trong tâm trí của người Indonesia đến mức mà một cuộc nổi loạn cộng sản là một điều khó tưởng tượng.

“Nỗi lo Cộng sản” gần đây ở Indonesia không là gì hơn ngoài một nỗ lực của giới an ninh để lái những tranh luận khỏi việc nói về hòa giải sau những cuộc tàn sát vào năm 1965-66. Người ta lo lắng rằng những thủ phạm trong các cuộc tàn sát sẽ phải chịu trách nhiệm. Đúng là phần lớn những quan chức an ninh cấp cao chỉ đạo vụ tàn sát đã chết lâu rồi. Nhưng một số thủ phạm, trong đó nhiều người đã khoe danh sách nạn nhân của họ (như đã thấy trong bộ phim tài liệu đoạt giải Oscar Act of Killing), vẫn còn sống và lo sợ cho sự tự do của họ. Thêm vào đó, các quan chức an ninh có thể lo rằng khi một cuộc điều tra về vụ thảm sát năm 1965-66 được mở ra thì dư luận sẽ yêu cầu tiến hành các điều tra về các vi phạm nhân quyền gần đây, như cuộc thảm sát Talangsari vào năm 1989, cuộc bạo loạn ở Jakarta vào năm 1998, và những vụ giết người ở Aceh và Papua. Phần lớn các thủ phạm chính của những sự kiện hay xung đột trên ngày nay vẫn còn sống và vẫn tiếp tục có ảnh hưởng chính trị ở một mức nào đó.

Những người theo lập trường cứng rắn trong quân đội đã đáp lại những yêu cầu của dư luận đòi tiến hành điều tra về những cuộc tàn sát năm 1965-66 bằng việc đàn áp quá mức những hình ảnh và tư tưởng cộng sản. Việc các quan chức quân đội cấp cao liên tục nhắc lại chuyện chủ nghĩa cộng sản vẫn bị cấm ở Indonesia là nhằm khiến những ai muốn lan truyền thông tin về các vụ tàn sát phải im lặng. Họ cũng nhắc nhở người Indonesia về tầm quan trọng của Pancasila (tư tưởng của nhà nước Indonesia) và mối nguy của chủ nghĩa cộng sản đối với sự ổn định của nhà nước Indonesia trong quá khứ. Mặt khác, những cuộc biểu tình và chiến dịch chống cộng, vốn được lãnh đạo bởi những tổ chức có liên quan đến quân đội, đã nhắm đến chính phủ. Nhóm FKPPI đang hợp tác với các tổ chức Hồi giáo có đường lối cứng rắn, bao gồm Mặt trận Bảo vệ Chủ nghĩa Hồi giáo (FPI) khét tiếng, để phản đối chính phủ về quyết định điều tra các cuộc tàn sát năm 1965-66. Điều này cũng nhằm nhắc nhở các quan chức an ninh có tư tưởng tự do hơn (đương nhiệm cũng như nghỉ hưu), như Luhut Panjaitan và Agus Widjojo (người tổ chức hội thảo), rằng họ có nguy cơ mất ảnh hưởng trong quân đội nếu đứng về phía Jokowi. Điều này được diễn đạt một cách hoàn hảo bởi cựu tướng Kivlan Zen khi nói với Panjaitan rằng “ông (Luhut) sẽ phản bội những cấp trên (trong quân đội)” nếu ông tiếp tục cuộc điều tra.

Quân đội Indonesia giờ đang có ảnh hưởng lớn hơn bất kỳ thời điểm nào khác kể từ khi ảnh hưởng chính trị của họ bị giảm bớt vào năm 2004. Phản ứng với quyết định của chính phủ Indonesia nhằm điều tra các cuộc tàn sát chứng minh rằng một số thành viên quân đội không chỉ có khả năng điều động lực lượng để phản đối chính phủ, mà vai trò an ninh mở rộng của họ còn cho phép họ đe dọa người dân Indonesia. Câu chuyện này có hai nạn nhân: các nạn nhân của cuộc tàn sát năm 1965-66 và các vụ vi phạm nhân quyền khác, những vụ việc mà những kẻ phạm tội sẽ không phải đối mặt với công lý trong tương lai gần, và người dân Indonesia, những người mà quyền tự dọ dân sự của họ ngày càng bị hạn chế.

Nguồn: Gatra Priyandita, “Behind Indonesia’s Red Scare”, The Diplomat, 14/06/2016

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Biên tập: Lê Hồng Hiệp


Gatra Priyandita là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường Văn hóa, Lịch sử và Ngôn ngữ tại Đại Học Quốc gia Australia. Nghiên cứu của ông tập trung vào ngoại giao công chúng của Indonesia và chính trị Indonesia thời hậu Suharto.

(Nghiên Cứu Quốc Tế)

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.