Nguyễn Nam
(VNTB) – Bộ Ngoại Giao Mỹ hàng năm phải cung cấp cho Quốc hội danh sách các vi phạm nghiêm trọng, danh tính của những thủ phạm đằng sau mỗi vi phạm, và biện pháp chế tài đã áp dụng đối với từng thủ phạm.
Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao vào chiều ngày 11-1-2024, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã nhấn mạnh: “Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ về các vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững giữa Việt Nam và Mỹ”.
Trước đó, trong thông cáo ngày 2-12-2023, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố “hôm nay tôi đưa Algeria, Cộng hòa Trung Phi, Comoros và Việt Nam vào “Danh sách theo dõi đặc biệt” (Special Watch List hay SWL) vì có tham gia hoặc chấp nhận những vi phạm nghiêm trọng về quyền tự do tôn giáo”. Các nước có mức độ vi phạm nặng hơn bị liệt vào Danh sách quan tâm đặc biệt (Countries of Particular Concerns – CPC) gồm Trung Quốc, Cuba, Eritrea, Iran, Nicaragua, Bắc Hàn, Pakistan, Nga, Saudi Arabia, Tajikistan và Turkmenistan.
Tuyên bố trên của Ngoại trưởng Anthony Blinken có thể khiến Việt Nam tiến gần hơn đến một danh sách đen khác nghiêm trọng hơn là Quốc gia Quan tâm Đặc biệt (CPC – Countries of Particular Concern), dù hai nước vừa thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện hồi tháng 9-2023.
Việt Nam từng bị liệt vào danh sách CPC. Tuy nhiên đến năm 2006, trước khi gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới WTO, Việt Nam được rút tên khỏi danh sách Các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo.
Khi một quốc gia bị đưa vào danh sách SWL, Bộ Ngoại Giao Mỹ hàng năm phải cung cấp cho Quốc hội danh sách các vi phạm nghiêm trọng, danh tính của những thủ phạm đằng sau mỗi vi phạm, và biện pháp chế tài đã áp dụng đối với từng thủ phạm. Các biện pháp chế tài này bao gồm cấm nhập cảnh vĩnh viễn thủ phạm và các thành viên gia đình của thủ phạm, đóng băng tài sản ở Mỹ của thủ phạm tương tự như Đạo luật Magnitsky Toàn cầu 2016 của Mỹ.
Quyền tự do tôn giáo theo cách đánh giá của Hoa Kỳ đối với Việt Nam từ năm 2016 đến nay luôn là câu chuyện của – trích báo cáo: (…) Các nhà hoạt động vì tự do tôn giáo còn cho biết chính quyền địa phương chấp thuận các đơn đăng ký dựa trên việc xem xét quan điểm chính trị, chứ không phải là giáo lý tôn giáo, của các nhóm tôn giáo.
(…) Trong năm vừa qua, Liên hữu Tin lành Báp-tít Việt Nam (VBC) đã nộp khoảng 40 đơn đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng rất ít đơn trong số này được phê duyệt.
Một mục sư thuật lại rằng khi ông đang cố gắng đăng ký một điểm sinh hoạt tập trung (điểm nhóm) mới cho hội thánh của mình, chính quyền địa phương đã yêu cầu mục sự này nộp danh sách các thành viên trong hội thánh của mình. Mục sư này sau đó mới biết rằng công an đã tới gặp các thành viên trong hội thánh của mình, khiến những người khác không muốn tham gia vào hội thánh của ông.
Nhiều chức sắc tôn giáo trên cả nước cho biết một số điều kiện đang được cải thiện so với các năm trước, chẳng hạn như các nhóm tôn giáo chưa đăng ký có mối quan hệ tốt hơn với chính quyền địa phương, và các hình thức sách nhiễu hung hăng đã giảm đi. Thành viên các nhóm tôn giáo đã được công nhận hoặc đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nói rằng nhìn chung họ có thể thực hành tín ngưỡng mà ít bị chính quyền can thiệp hơn.
Thành viên của một số nhóm tôn giáo tiếp tục báo cáo rằng một số chính quyền địa phương và cấp tỉnh viện dẫn việc họ không tuân thủ các trình tự đăng ký bắt buộc để trì hoãn, phủ nhận tính hợp pháp và trấn áp hoạt động tôn giáo của các nhóm chống lại sự quản lý chặt chẽ của chính quyền về cơ cấu lãnh đạo, chương trình đào tạo, các cuộc hội họp và các hoạt động khác của họ. Chính quyền không truy cứu trách nhiệm đối với bất kỳ cán bộ nhà nước nào về việc không tuân thủ thời hạn theo luật định và không tuân thủ các yêu cầu thông báo bằng văn bản khi từ chối hồ sơ đăng ký được quy định trong Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Có các báo cáo về các vụ xung đột, đôi khi có bạo lực, giữa thành viên các nhóm tôn giáo chưa đăng ký với các nhóm tôn giáo đã đăng ký hoặc đã được công nhận, hoặc giữa những người theo và không theo tôn giáo.
Theo báo cáo, các tín đồ Cao Đài độc lập ở khu vực Tây Nam Bộ thường xuyên phải chịu sự quấy rối từ các tín đồ Cao Đài được nhà nước công nhận. Các nhà hoạt động tôn giáo quy kết nhà chức trách “thao túng” các nhóm tôn giáo đã được công nhận và cáo buộc các đặc vụ của họ gây ra xung đột nhằm trấn áp hoạt động của các nhóm tôn giáo chưa đăng ký…