(VNTN) – Hàng online nó rẻ, tiện, chỉ cần ngồi nhà, vài ba cái bấm bấm rồi chờ là có hàng.
Livestream bán hàng là hình thức bán hàng bằng cách phát video trực tuyến. Hình thức bán hàng bằng Livestream đang khá phổ biến khi có thể thu hút lượng lớn người xem và chốt hàng trăm đơn hàng chỉ trong một buổi phát video. Các kênh có thể livestream bán hàng như Facebook, Youtube, Bigo, App GoSELLER…
Áp dụng sự tiến bộ của khoa học – kỹ thuật, vừa qua từ ngày 11-12 đến tối 15-12, Sự kiện “Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TP.HCM 2023 – Khám phá, trải nghiệm và mua sắm tại chợ di sản Bến Thành” đã có 77 phiên livestream tại chợ Bến Thành.
Nói về kết quả, theo ghi nhận từ báo chí, cũng có những bài viết tích cực như “Tiểu thương chợ Bến Thành phải dừng bán vì khách “chốt đơn” trên livestream quá nhiều” hay “Người ảo AI livestream chốt cả ngàn đơn hàng cho tiểu thương chợ Bến Thành”. Nhưng cũng có bài viết, cho rằng không phải cứ livestream là bán được hàng.
“Dưới quan điểm là người mua hàng cả trực tuyến lẫn trực tiếp, điều đó là bình thường. Như mình, mua hàng trực tuyến vì lý do gì, rẻ, tiện, khỏi phải mắc công đi. Ở nhà, cầm cái điện thoại lên, coi cái nào được là chốt đơn, người ta vận chuyển đến tận nhà, free ship nữa. Cái quan trọng là rẻ. Còn ở chợ thì nó khác, mắc hơn.
Mình đã từng làm một so sánh, cũng thời 1 cái áo, nhưng trên mạng nó bán rẻ ơi là rẻ, ra ngoài chợ cũng tầm 100 là ít nhất. Vậy làm sao mà cạnh tranh lại với thế giới mạng?”, chị Nguyễn, người thường xuyên mua hàng online thông qua livestream ở Facebook, TikTok chia sẻ.
“Đối với tôi, tôi cũng có theo dõi thông tin về các streamer bán hàng cho chợ Bến Thành. Thực hư hiệu quả ra sao thì tôi không biết! Nhưng tôi thấy có 1 điểm vô cùng là lạ.
Thường ở các chợ có tính nước ngoài hoặc các chợ nổi tiếng ở các tỉnh thành, với du khách, họ không có cấm đoán quay phim, chụp hình làm kỷ niệm. Cầm điện thoại quay, chụp những khoảnh khắc là chuyện rất bình thường, miễn sao không phá hoại tài sản người khác là ok. Lúc trước tôi thấy chợ Bến Thành cũng không phải quá nặng nề trong vấn đề đó. Nay, tôi lên thành phố khám bệnh, dư dả thời gian, tôi trở lại chợ Bến Thành xem có khác biệt gì so với trước hay không thì quá khác. Họ không cho quay phim, chụp hình, dù là sử dụng điện thoại. Nếu livestream hiệu quả, nếu họ tập quen dần với công nghệ, vì sao họ không cho?”, ông Út, một cư dân ở miền Đông Nam Bộ xuống Sài Gòn khám bệnh, chia sẻ.
Cũng là người thường xuyên mua hàng online, Nguyễn An nói: “Mình không có mua trên TikTok, dù mình có thấy. Mình mua Shopee. Thì cái nào cũng có hai mặt của nó. Hàng online nó rẻ, tiện, chỉ cần ngồi nhà, vài ba cái bấm bấm rồi chờ là có hàng. Nhưng cũng bất tiện. Có những lúc rõ ràng ok rồi, chờ hoài không giao, kiểm tra thì hệ thống vẫn đang nhận hàng, đang giao hàng. Chờ hai, ba tuần, vẫn không có, liên hệ shop, shop kêu gửi hàng rồi. Là nghi nghi rồi. Đúng y, vài bữa nữa thấy thông báo huỷ đơn hàng, không ai giao cho mình, còn ghi lý do do khách không nhận hàng, vô duyên không. Cho nên, nói gì nói, mình thích đi chợ truyền thống hơn. Có thể mắc hơn tí, nhưng được tận tay chọn lựa rồi đem về nó nhanh, khỏi chờ để rồi… thất vọng…”.
“Nói gì nói, cũng chia sẻ với tiểu thương, bên cạnh việc lời thì còn phải trang trải nhiều chi phí khác, thuê sạp rồi thuế hoa chi này nọ. Sản phẩm TikTok thì đúng là rẻ thiệt, chính vì rẻ đó, nên mình nghĩ sẽ khó cho tiểu thương, nhất là ở những chợ có tính nước ngoài như chợ Bến Thành. Hạ giá để hút khách, nhưng liệu các nhà phân phối sản phẩm có chấp nhận cho nhà bán lẻ hay không?”, chị Nguyễn nói tiếp.
Nói tóm lại, hai tiếng đồng bào, thật lòng giúp đỡ người khác cũng như tự giúp mình, đó luôn là nghĩa cử cao đẹp. Tuy nhiên, không phải cứ đánh đồng phương pháp giải quyết cho tất cả vấn đề là ổn…