Dân Trần
(VNTB) – Thả cá phóng sinh rồi thả luôn bọc nilon xuống sông, hồ hoặc vút túi tại chỗ…
Tập tục phóng sinh cá chép dựa vào truyền thuyết Táo quân cưỡi cá chép bay về trời để báo cáo những việc trong năm của gia đình trong một năm với Thiên đình. Việc chọn thả cá chép chứ không phải các loài khác xuất phát từ sự tích “cá chép vượt vũ môn và hoá rồng”. Câu chuyện này cũng cho thấy quan điểm của người xưa về việc cá chép là loài có sức sống mãnh liệt, thích nghi tốt với môi trường tự nhiên hơn các loài động vật khác.
Thế nhưng thời nay mọi chuyện đã khác. Bình an đâu không thấy, chỉ thấy cá chết và ô nhiễm môi trường tràn lan. Dễ thấy nhất là việc thả cá và thả luôn bọc nilon xuống sông, hồ hoặc vút túi tại chỗ. Điều này diễn ra nhiều tới nỗi hiện nay giới trẻ phải kêu gọi phong trào “thả cá đừng thả túi nilon”.
Theo các nghiên cứu, túi nilon mất tới khoảng 100 năm, thậm chí một số loại nguyên liệu làm túi có thể lên tới hàng ngàn năm mới có thể phân huỷ trong tự nhiên. Những loại hoá chất độc hại trong túi nilon có thể tác động nguy hiểm tới môi trường, gây ảnh hưởng tới sức khoẻ các loài động vật ăn phải chúng và tác động gián tiếp tới sức khoẻ con người. Việt Nam là một trong năm nước có lượng rác thải nhựa ra đại dương với khoảng 2 triệu tấn mỗi năm.
“Thả cá kèm theo bọc nilon cũng là một trong những hình thức gây ô nhiễm môi trường. Nhiều người thậm chí vứt cá còn trong bọc nhựa thì thử hỏi làm sao cá sống nổi. Ngoài ra, bọc nilon cũng có thể trở thành cái bẫy khi cá và các loài động vật khác có thể bơi lạc vào, vướng phải hoặc ăn phải bọc nhựa”. Cô B.N., một người vận động bảo vệ môi trường nói với phóng viên VNTB.
Không chỉ gây hại cho môi trường về lâu dài, mà việc thả không đúng cách còn khiến cá chết ngay sau khi thả. Tết năm ngoái, chỉ trong 2 ngày 14-15.1, nhà chức trách đã vớt hơn nửa tấn cá chép vàng do người dân phóng sinh xuống hồ Yết Kiêu (TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Hồ này vốn là hồ nước lợ, thông với vịnh Hạ Long. Vì vậy thả cá nước ngọt xuống thì cho dù cá chép có khoẻ mạnh cũng chỉ sống được khoảng mấy tiếng là ngửa bụng chết hàng loạt.
“Thả cá là phóng sinh là một truyền thống tốt đẹp, nhân đạo của người Việt, nhưng nếu thả không đúng cách, đúng nơi thì chỉ có hại chứ không có lợi. Phóng sinh là để tạo ra sự sống, chứ không phải thả cho cá chết. Chưa cần nói về môi trường, về mặt tâm linh thì nếu cá chết ngay sau khi thả thì làm sao có thể đưa ông Táo về trời, như vậy làm sao an lành, may mắn, tài lộc, thành công được”. Cô B.N. nói.
Ngoài việc nguồn nước ô nhiễm khiến cho cá chết hàng loạt thì những nơi thường xuyên có người tụ tập thả cá cũng là những nơi có nhiều người câu cá, giăng lưới, chích điện. Không chỉ vậy, khi thả các loại cá nhỏ xuống sông, thì có thể trở thành mồi cho các loại cá lớn khác.
“Tôi thấy nếu thật sự muốn phóng sinh thì chúng ta cần phải thay đổi từ tư duy bảo vệ môi trường tới lối sống. Chúng ta không thể dạy con trẻ các truyền thống tốt đẹp bằng những hành vi gây hại được. Rất cần phải có các biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đưa ra các chương trình dục ngay tại trường học để nâng kiến thức cho học sinh. Ngoài ra phải tăng các hình thức chế tài, xử lý hành chính nghiêm minh”. Cô B.N. nêu quan điểm với phóng viên VNTB.