Việt Nam Thời Báo

Mưu sinh hậu cá chết

TBKTSG 

Những ngày qua, câu chuyện về cậu bé tên Bằng, cỡ 10-11 tuổi, đến 23 giờ đêm mà vẫn còn lang thang bán vé số trên những con đường ở quận Gò Vấp được cộng đồng người dùng Facebook chia sẻ nhiều. Theo Ngô Hải Đăng – người viết status trên – sau sự cố ô nhiễm môi trường biển ở miền Trung, gia đình Bằng gồm bốn người đều vào TPHCM mưu sinh.

Tin xấu ngày càng nhiều
Theo báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội sáu tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện sáu tháng cuối năm 2016 của Chính phủ, sự cố ô nhiễm môi trường biển ở miền Trung đã ảnh hưởng đến hơn 100.000 người dân làm việc trực tiếp và hơn 176.000 người phụ thuộc.

-1x-1

Thống kê ban đầu của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị cho thấy tại tỉnh này, cứ 10 ngư dân thì có bảy người đánh bắt gần bờ – vùng dưới 20 hải lý tính từ bờ (khoảng 40 kilômét). Vì thế, trong thời gian qua, nhiều ngư dân phải bỏ biển, tìm nghề khác để kiếm sống. Tại Quảng Bình, tình hình không khả quan hơn. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Quảng Bình, tỉnh này có gần 4.000 tàu cá, trong đó, tàu đánh bắt xa bờ từ 90 CV (sức ngựa) trở lên gần 1.200 chiếc, còn lại là đánh bắt gần bờ. Việc vùng biển gần bờ không còn hải sản khiến cho hàng chục ngàn ngư dân mất sinh kế, Tỉnh đã phải chi gần 23 tỉ đồng tiền ngân sách để hỗ trợ bà con ngư dân.
Khi gần bờ không còn hải sản, chỉ còn có thể đánh bắt xa bờ. Tỉnh Hà Tĩnh đã hỗ trợ cho những ngư dân đóng mới hay hoán cải tàu thuyền. Cụ thể, ngư dân đóng tàu cá mới từ 90-400 CV được hỗ trợ từ 25O-600 triệu đồng, hoán cải tàu dưới 90 CV lên trên 90 CV là 500.000 đồng cho một CV tăng lên. Ngoài ra, nếu ngư dân học thuyền trưởng, máy trưởng sẽ được hỗ trợ 100% cho chi phí đào tạo. Theo một thành viên trong bộ phận phụ trách hỗ trợ ngư dân của Bộ NN&PTNT, ngoài giải pháp đã được đưa ra nói trên, chính quyền cũng tìm cách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi sang nghề khác như cắt tóc, thủ công mỹ nghệ, thậm chí là xuất khẩu lao động…

Sự cố ô nhiễm môi trường biển ở miền Trung đã ảnh hưởng đến hơn 100.000 người dân làm việc trực tiếp và hơn 176.000 người phụ thuộc.
“Chúng tôi gắng đưa ra những phương thức hỗ trợ đa dạng để bà con sớm ổn định cuộc sống trong thời gian tới trong khả năng có thể”, vị này nói. Tuy nhiên, trên thực tế, mức độ người dân tiếp cận được những chính sách hỗ trợ này phụ thuộc rất nhiều vào các địa phương. Điều vị này lo lắng là với hệ thống hành chính phức tạp và nhiều tầng nấc trung gian như hiện nay, rất dễ có những vấn đề phát sinh khó kiểm soát được.
Lo lắng này không phải không có cơ sở. Tại Quảng Bình, khi có tiền hỗ trợ đến ngư dân là bắt đầu có những thông tin phản hồi địa phương bớt xén tiền này của ngư dân để làm sân hội trường thôn. Câu chuyện đền bù đi liền với kiện tụng của người dân TPHCM, Đồng Nai từ vụ Vedan mấy năm trước vẫn còn đó tính thời sự.
Doanh nghiệp bắt đầu ngấm đòn
Tháng 5-2016, Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm Ủy ban châu  Âu đã ra thông báo gửi đến các nước thành viên, rằng cá chết hàng loạt ở bờ biển miền Trung Việt Nam có thể do ô nhiễm (pollution) – nhiễm độc kim loại nặng, vì thế, cần “cẩn thận”. Mới đây, Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm Úc – New Zealand thông báo sẽ tăng tần suất kiểm soát chặt thủy sản từ Việt Nam. Những sản phẩm nằm trong nhóm rủi ro là nhuyễn thể hai mảnh vỏ, giáp xác luộc/tôm, cá thu/ cá ngừ, cá đã chế biến và ăn liền, thủy sản phối trộn.
Với những thông tin này, không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu hải sản (đánh bắt ngoài tự nhiên) ở các tỉnh ven biển mới bị ảnh hưởng mà những doanh nghiệp xuất khẩu tôm (tôm thẻ chân trắng, tôm sú – hai đối tượng nuôi chủ lực) cũng bị ảnh hưởng khi xuất khẩu vào Úc.
Ông N.V, giám đốc một doanh nghiệp thủy sản tại một tỉnh miền Trung, đã thở dài qua điện thoại khi được hỏi về tình hình sản xuất kinh doanh trong những tháng qua. Với ông, đây là thời điểm khó khăn nhất trong mấy chục năm lặn lội trong nghề này.
“Vấn đề mà chúng tôi đang đối diện không phải là thiếu nguồn nguyên liệu vì có thể mua từ nơi khác hoặc nhập khẩu, vấn đề là doanh nghiệp có địa chỉ nhà máy tại một tỉnh miền Trung, nơi đang được thế giới biết đến với vấn đề ô nhiễm môi trường biển, nên chuyện nguồn gốc sản phẩm sản xuất rất nhạy cảm, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm”, ông chia sẻ.
Theo ông N.V, không chỉ có doanh nghiệp của ông mà những doanh nghiệp thủy sản khác ở miền Trung đều gặp tình trạng tương tự. Chỉ có điều, họ không muốn chia sẻ công khai do lo ngại sẽ ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của công nhân nên cứ âm thầm cố gắng vượt qua mỗi ngày.
“Chúng tôi sẽ cố gắng để duy trì hoạt động của doanh nghiệp, còn khi nào không cố được nữa thì đành chịu. Chỉ lo gia đình của hàng trăm công nhân đang sống nhờ vào đồng lương của chồng/vợ tại nhà máy, nếu không có công ăn việc làm nữa, họ sống như thế nào. Tôi cũng không dám hình dung ra viễn cảnh ấy”, ông N.V nói.


Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.