Cho tới nay, số tiền mà chính quyền Hà Tĩnh “đặc cách” hoàn thuế cho Formosa từ tháng 5/2014 đến nay vẫn nhảy múa không ngừng. Cách đây ít ngày, con số này được nêu là 10,174 tỷ đồng. Sau đó lại có con số là 10,450 tỷ đồng.
Ảnh hatinh.gov.vn
Nhưng mới đây, Đất Việt – một trong số ít báo nhà nước có hơi hướng phản biện – đã cho biết “Trong báo cáo vừa trình Bộ tài chính, Tổng cục thuế cho biết, từ năm 2014 đến tháng 5/2016, Cục thuế tỉnh Hà Tĩnh đã giải quyết hoàn thuế VAT cho Formosa Hà Tĩnh số tiền lên tới 13,483.4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty này cũng nhận được nhận hàng loạt ưu đãi khác sau sự kiện xô xát xảy ra ngày 13/5/2014”.
Nhưng đáng chú ý không kém là Đất Việt đã phỏng vấn một chuyên gia là Giáo sư Lê Du Phong, Nguyên quyền Hiệu trưởng trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, và ông Phong cho biết cá nhân ông hết sức bất ngờ khi nhận được thông tin trên: “Tôi cũng thấy lạ, Formosa đã sản xuất gì đâu mà được hoàn thuế. Số tiền hơn 13,000 tỷ đồng là một số tiền lớn. Nếu so với con số Formosa phải bồi thường cho phía Việt Nam sau sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung thì còn lớn hơn. Việc một doanh nghiệp từng nhập nhiều hóa chất độc hại và xả thải ra môi trường biển nước ta được nhận hoàn thuế và nhiều hỗ trợ ưu đãi khác, tôi thấy rất phản cảm”.
Như vậy, nếu luồng dư luận cho rằng con số hoàn thuế hơn 10 ngàn tỷ đồng cho Formosa là một cách để Formosa dùng tiền phải đóng thuế nhằm bồi thường vụ cá chết là đúng, thì với con số được hoàn thuế hơn 13 ngàn tỷ đồng, Formosa không những đủ tiền bồi thường vụ cá chết mà còn được chính quyền bù lại khoảng 2 ngàn tỷ đồng!
Điều đó cũng có nghĩa là trong khi gây ra vụ ô nhiễm với hậu quả lớn hơn rất nhiều lần con số 500 triệu USD bồi thường, Formosa vẫn không mảy may mất đi một đồng nào, thậm chí còn được gắn kèm một số ưu đãi về lợi ích.
Và nếu quả đúng là cho tới giờ Formosa chưa có sản xuất gì như nhận định của Giáo sư Lê Du Phong, chính quyền Hà Tĩnh, và có thể liên đới trách nhiệm của Tổng cục Thuế – Bộ Tài chính, đã tổ chức việc HOÀN THUẾ KHỐNG dành cho Formosa. Một hành vi mà với quy mô thất thoát hơn 13 ngàn tỷ đồng của nó, sẽ quá xứng đáng để trở thành một vụ đại án quốc gia. Nó lớn hơn nhiều so với vụ “rút ruột” 5 ngàn tỷ đồng của Huỳnh Thị Huyền Như xét xử năm ngoái, và 9 ngàn tỷ đồng của Phạm Công Danh xét xử năm nay.
Nhưng ai và cơ quan nào sẽ có trách nhiệm làm rõ vụ đại án này nếu đúng như vậy?
Chỉ biết rằng, ngư dân miền Trung đang mỗi ngày lại thêm chết mòn, và chẳng ai có thể chịu đựng được mãi mãi.
Lê Dung / SBTN