Phạm Chí Dũng
VOA
Một kịch bản cười ra nước mắt có thể xảy ra là Hà Nội thà quay sang ủng hộ ứng cử viên phét lác Donald Trump, thay vì hậu thuẫn cho một Hillary Clinton nhỏ nhẹ.
Ông Donald Trump và bà Hillary Clinton. |
Tin xấu
Từ tháng 7/2015 đến nay, dù đảng Dân chủ của đương kim Tổng thống Obama đã lặp đi lặp lại một cách dứt khoát là “sẽ tôn trọng chế độ chính trị của Việt Nam”, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Hà Nội còn muốn cả TPP – thuyền cứu sinh trước khi đại dương nổi sóng nhấn chìm con tàu đã quá mục nát.
Nhưng giờ đây nữ chính trị gia Hillary Clinton có lẽ đang khiến Bộ Chính trị Việt Nam phải chăm chú theo dõi các chỉ số thăm dò tín nhiệm trước cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ vào tháng Mười Một tới.
Lý do chủ yếu là Hillary Clinton “đá ngang” TPP.
Cuối tháng Bảy, tin xấu đã đến với Hà Nội. Bà Laura Rosenberger, cố vấn ngoại giao của bà Hillary Clinton, khẳng định bà Clinton sẽ không ủng hộ TPP nếu trở thành tổng thống Mỹ (theo BBC).
“Bà Clinton tin rằng các thỏa thuận thương mại cần có lợi cho nhân dân Mỹ. Bà có ba trắc nghiệm cho bất kỳ thỏa thuận nào: nó cần tạo ra việc làm cho người Mỹ, cần tăng lương cho người lao động Mỹ, và cần thúc đẩy an ninh quốc gia của Mỹ.”
“Khi xem bản chung cuộc của TPP, bà thấy nó không đáp ứng được ba trắc nghiệm trên. Vì thế bà quyết định rằng bà không thể ủng hộ.”
Bà Laura Rosenberger nhấn mạnh: “Nghĩa là hiện nay bà (Hillary Clinton) không thể ủng hộ nó, cũng không ủng hộ nó sau bầu cử tháng Mười Một, cũng như tháng Giêng năm sau.”
Nếu điều đó xảy ra thì sáu năm đàm phán TPP của thể chế “kinh tế Việt Nam luôn phát triển mạnh mẽ” sẽ trở thành công cốc. Sẽ không còn cơ hội để khoác lác về “GDP tiếp tục tăng trưởng từ 6-7%”. Thậm chí 1% cho GDP cũng còn là khó!
Nếu không có Việt Nam…
Năm 2013, khi diễn ra cuộc gặp Obama – Trương Tấn Sang ở Tòa Bạch Ốc nhằm chấm dứt cuộc “chiến tranh lạnh” giữa Mỹ và Việt Nam trong vài năm trước đó và đồng thời mở ra hy vọng cho Việt Nam vào TPP, có lẽ giới lãnh đạo Hà Nội chỉ nghĩ về Hillary Clinton như một người đàn bà sắc sảo và mang danh hiệu cựu phu nhân tổng thống, thay vì một người sẽ có thể nắm chìa khóa tương lai của thế giới trong những tháng tới đây.
Năm 2015, khi cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc chỉ mới khởi động, giới lãnh đạo Việt Nam có thể không quan tâm lắm đến quan điểm của Hillary Clinton. Khi đó, họ chỉ biết đến bà với tư cách một cựu bộ trưởng ngoại giao và là người có tình cảm khá gần gũi với (nhân dân) Việt Nam, cũng giống như Thượng nghị sĩ John McCain và Bộ trưởng ngoại giao John Kerry.
Mọi việc có vẻ tạm ổn từ sau chuyến công du Washington tháng 7/2015 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kèm cam kết không công bố của Việt Nam về việc cho phép Công đoàn độc lập được hoạt động. Cho tới tháng 5/2016 khi Tổng thống Obama sang Việt Nam, mọi chuyện vẫn tiếp tục tạm ổn, cùng lời hứa công khai của Obama về việc sẽ hối thúc Quốc hội Mỹ thông qua TPP ngay trong năm 2016.
Nhưng còn bây giờ, khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chỉ còn hai ứng cử viên và Hillary Clinton có 50% xác suất chiến thắng, thì quan điểm đối ngoại của bà đương nhiên phải được phân tích một cách cặn kẽ, thậm chí cần phải lo lắng về nó tương ứng với từng mối lợi ích của từng quốc gia đối tác với Mỹ.
Với Việt Nam, đã từ lâu dàn đồng ca tuyên giáo và báo chí cùng hợp xướng “TPP được nhiều chuyên gia nhận định là có lợi nhất cho nền kinh tế Việt Nam”.
Tức cũng có lợi nhất cho Việt Nam để có thể kéo dài chế độ toàn trị thêm một thời gian nữa.
Rõ ràng, Việt Nam sẽ không thể nào “tăng 25% GDP đến năm 2030 nếu vào TPP” như một “quyết tâm” của Bộ Chính trị, nếu Hillary Clinton không ủng hộ hiệp định này. Và nếu TPP không được thông qua, hoặc chỉ được thông qua một phần – tương ứng với một số quốc gia, và đặc biệt tệ hại là trong số quốc gia đó lại không có Việt Nam – có thể hình dung cánh cửa còn lại để cứu vãn nền kinh tế sắp sụp đổ của Việt Nam đã tuyệt đối đóng lại.
‘Không thích Hillary’
Đứng trước ngã ba đường lịch sử trong bối cảnh ngân sách chi nhiều hơn hẳn thu và luôn có đà vượt hẳn ngưỡng cho phép 5% GDP, Viêt Nam đã phải vơ vét thuế từ dân chúng, trong lúc tín dụng cho vay lãi suất ưu đãi từ các tổ chức tài chính lớn như Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển Á châu và những quốc gia chủ nợ tiềm tàng như Nhật Bản đều đã bay biến hoặc chỉ còn nhỏ giọt.
Giải thích đơn giản nhất là nếu trong vài năm tới mà không có được nguồn tài chính bổ sung vào ngân sách có nhiều khả năng sẽ trống rỗng, chế độ Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ.
Mặc dù trước đây bà Clinton đã nhiều lần sang Việt Nam trong vai trò Bộ trưởng ngoại giao cùng nụ cười thân thiện thường trực, được dân chúng Việt Nam tiếp đón nồng nhiệt – trong lúc vẻ mặt giới quan chức sở tại lại lộ rõ nét gượng gạo – nhưng có thể tâm lý “không thích Hillary” đang dấy lên trong một số quan chức cao cấp Việt Nam. Những người vẫn dán nhãn Cộng sản ở Việt Nam cũng không thể bỏ qua một trắc nghiệm khác mà Hillary Clinton đã tế nhị không nói thẳng: đó là thành tích quá tệ hại của Hà Nội về đủ loại nhân quyền đã khiến cho chế độ này tự giẫm chân phải lên chân trái.
Từ sau cuộc gặp Obama – Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7/2016, bà Hillary Clinton đã bắt đầu bày tỏ thái độ ngần ngại đối với TPP, và càng không nhắc gì đến Việt Nam trong những nhận định của mình về chủ đề này. Quả thực, lời cam kết “sẽ thực thi Công đoàn độc lập” của Nguyễn Phú Trọng trong Phòng Bầu dục đã có giá trị đến nỗi cho đến bây giờ trên mặt báo chí nhà nước Việt Nam vẫn cùng lắm chỉ xuất hiện cụm từ “công đoàn cơ sở”. Còn chủ trương “công đoàn độc lập” vẫn bị giấu biệt, không được hé ra trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào.
Nếu Hillary Clinton đã từng tuyên bố cứng rắn “Assad của Syria phải ra đi”, điều đó có nghĩa rằng nếu bà là tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, giới lãnh đạo ở Việt Nam phải coi chừng: Hillary Clinton không phải là người dễ bị qua mặt và chơi khăm.
Theo nhiều người và giới quan sát, Hillary Clinton chúa ghét thói tiểu nhân và ti tiện. Lối trả treo nhân quyền lấy lợi ích kinh tế và khí tài quân sự của chế độ Hà Nội mấy năm qua có nét khá tương đồng với những trò tấn công bẩn thỉu của Trump đối với Hillary trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ.
Với nhiều lý do cùng nguyên cớ mới nhất về thái độ của bà Clinton đối với TPP, có lẽ Bộ Chính trị Hà Nội sẽ quay sang ủng hộ ứng cử viên Donald Trump – người bị quá nhiều tai tiếng vì thái độ quá khích, phát ngôn bạt mạng và chỉ muốn “Hillary phải vào tù”, nhưng ít ra cho tới giờ này vẫn chưa bày tỏ quan điểm rõ ràng nào về việc chống đối TPP.
* Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.