Zing News
Hình ảnh của ông Thae Yong Ho trên truyền hình Hàn Quốc. Ảnh: AP
Với một quan chức cấp cao như phó đại sứ Triều Tiên, chính phủ Hàn Quốc sẽ bố trí một công việc tốt nhưng để bảo đảm an toàn cho gia đình, có thể cựu phó đại sứ sẽ sống ẩn dật.
Rất có thể Thae Yong Ho, quan chức ngoại giao cấp cao nhất của Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc, được bảo vệ cả ngày lẫn đêm và tận hưởng cuộc sống thoải mái tại một viện nghiên cứu thuộc cơ quan tình báo. Đó là nhận định của một số người đào tẩu từng có vị trí xã hội cao ở Triều Tiên, theo Reuters.
Là phó đại sứ Triều Tiên tại London, ông Thae cùng gia đình chạy trốn tới thành phố Seoul vào tối 17/8. Cuộc đào tẩu của ông là một cú sốc đối với giới lãnh đạo Triều Tiên.
Nhiều người trong số gần 27.000 công dân Triều Tiên chạy sang Hàn Quốc phải vật lộn để hòa nhập với môi trường mới và không có nhiều cơ hội về phương diện kinh tế. Song giới chức Hàn Quốc coi những người có mối quan hệ ở tầm cao như Thae là đối tượng quý giá để họ có thể hiểu rõ hơn về quốc gia láng giềng bí ẩn.
Giống như nhiều người đào tẩu có vị trí xã hội cao ở Triều Tiên, Kim Kwang Jin làm việc cho Viện Chiến lược An ninh Quốc gia (INSS), một cơ sở nghiên cứu trực thuộc Cục Tình báo Quốc gia Hàn Quốc.
“Để sống ở đây, tất nhiên mọi người cần một công việc. Chính phủ Hàn Quốc bố trí việc làm cho những người đào tẩu. Họ từng trao cho tôi cơ hội làm việc cho INSS”, Kim kể. Từng làm việc cho một công ty bảo hiểm Triều Tiên, ông sang Hàn Quốc cùng gia đình vào năm 2003 khi công tác tại Singapore.
Đại sứ quán Triều Tiên ở thành phố London, Anh. Ảnh: Reuters.
Năm 1995, Choi Ju Hwal là một đại tá quân đội Triều Tiên. Ông sang Hàn Quốc qua Hong Kong trong một chuyến công tác tại Trung Quốc. Hồi ấy Choi là quân nhân cấp cao nhất của Triều Tiên đào tẩu. Ông là nhà nghiên cứu của INSS từ năm 1997 tới năm 2012 trước khi thôi việc để lãnh đạo Hiệp hội Những người rời khỏi Triều Tiên.
“Đương nhiên Thae không thể nhận lương từ chính phủ Hàn Quốc nếu ông ấy không làm gì. Vì thế rất có thể họ sẽ sắp xếp để Thae làm việc tại INSS”, Choi, 67 tuổi, dự đoán.
Hiện tại INSS từ chối bình luận về trường hợp của Thae.
Mai danh ẩn tích
Một số người trốn khỏi Triều Tiên đổi tên vì lý do an ninh và để bảo vệ những người thân vẫn ở trong nước. Phần lớn họ sống ẩn dật, mặc dù một số người – như Kim Kwang Jin – thường xuyên xuất hiện trước giới truyền thông với tư cách là chuyên gia về Triều Tiên.
Mặc dù Thae từng là quan chức ngoại giao cấp cao, Choi đoán cựu phó đại sứ tại Anh sẽ sống như một người dân bình thường ở Hàn Quốc.
“Ông ấy sẽ không tìm kiếm địa vị xã hội cao bởi ông ấy phải nghĩ tới sự an toàn của gia đình. Cuộc sống ẩn dật sẽ giảm thiểu rủi ro đối với gia đình. Vì thế, tôi nghĩ Thae sẽ không tham gia các hoạt động xã hội”, Choi lập luận.
4 cảnh sát bảo vệ Choi cả ngày lẫn đêm trong 2 năm. Hiện tại mức độ bảo vệ Choi đã giảm. Trong khi đó, Kim kể rằng ông cũng từng có người bảo vệ 24 giờ mỗi ngày.
Ông Chon Ju Hwal, cựu đại tá quân đội Triều Tiên, hiện sống tại Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.
Hành trình gian nan của phần lớn người đào tẩu
Phần lớn người đào tẩu khỏi Triều Tiên trải qua hành trình dài qua biên giới với Trung Quốc tới một quốc gia thứ ba trước khi bay tới Hàn Quốc. Khi tới nơi, họ phải ở trong những căn phòng riêng tới 180 ngày.
Trong khoảng thời gian này, nhà chức trách kiểm tra để bảo đảm họ không phải là gián điệp hay kẻ lừa đảo. Sau đó, giới chức đưa họ tới một khu tái định cư, nơi họ không thể rời đi trong 12 tuần, để giúp họ thích nghi với cuộc sống ở Hàn Quốc.
Nhiều người sẽ làm việc trong các nhà hàng và những công việc lương thấp khác. Thu nhập bình quân của họ tương đương 67% mức thu nhập trung bình của cả nước, theo dữ liệu của văn phòng ngân sách quốc hội Hàn Quốc.
Sau khi hoàn thành chương trình hòa nhập, mỗi người nhận 20 triệu won (18.000 USD) từ chính phủ Hàn Quốc để tìm nhà và việc làm. Một số người dùng khoản tiền trợ cấp ấy để trả công cho những người đã sắp xếp cho họ trốn khỏi Triều Tiên.
“Kiếm việc, học hành và lập gia đình ở Hàn Quốc sẽ là những việc không dễ ngay cả đối với những người đào tẩu bình thường. Những việc đó không đơn giản như người ta thường nói”, Seo Jae Pyoung, người từng rời khỏi Triều Tiên vào năm 2001 và đang làm việc cho Hội Những người rời khỏi Triều Tiên, phát biểu.
Song đối với những người đào tẩu cấp cao, quá trình có thể diễn ra rất khác.
Số lượng người Triều Tiên trốn sang Hàn Quốc giảm từ khi Kim Jong Un nắm quyền lãnh đạo vào cuối năm 2011. Nhưng trong 7 tháng đầu năm 2016, con số này lên đến 814 người, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ người có địa vị cao trong số người đào tẩu tăng từ năm 2013, khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un xử tử ông Jang Song Thaek, người chú rể đầy quyền lực.
“Trước đây chúng tôi không thể tưởng tượng những người có địa vị cao, xuất thân từ những gia đình danh giá, sẽ tới Hàn Quốc”, Kim thừa nhận.
Theo Quân Vũ
Zing News