Việt Nam Thời Báo

VNTB- Hoãn xử phúc thẩm vụ án “5 công an dùng nhục hình” ở Phú Yên: Sẽ tiếp tục theo đuổi công lý

Khúc Thừa Sơn
(VNTB) – “Vì tình trạng công an đánh chết người trong các trại giam rất nhiều nếu tôi không làm thì lương tâm tôi cắn rứt. Tôi sẵn sàng hy sinh bản thân để cho nhiều người khỏi bị chết.” – luật sư Võ An Đôn khi chia sẻ với Việt Nam Thời Báo…       
Luật sư Đôn và chị Tuyết ngồi nghỉ trưa với số anh em quan tâm vụ án ở Đà Nẵng sau khi Tòa tuyên hoãn phiên xử  (ảnh: Facebook Nguyen Thanh)
Một lần nữa phiên Tòa xét xử vụ án “Năm công an dùng nhục hình dẫn đến chết người” ở Phú Yên phải hoãn, lần này là do vắng mặt vợ của nạn nhân Ngô Thanh Kiều là bà Tâm. Một vụ án kéo dài hơn 4 năm, qua nhiều phiên xử đến nay vẫn chưa kết thúc đã để lại trong lòng dư luận rất nhiều vấn đề cần chia sẻ …
Người thân của nạn nhân: “không thể nhận tiền để bán đi sinh mạng con người và công lý”

Khoảng 8 giờ ngày 23/8/2016, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án “Năm công an dùng nhục hình dẫn đến chết người” ở Phú Yên. Phía gia đình nạn nhân là ông Ngô Thanh Kiều (sinh năm 1982, ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) do hoàn cảnh khó khăn nên chỉ có mình bà Ngô Thị Tuyết (chị ruột của ông Kiều) đại diện cho gia đình nạn nhân lặn lội từ Phú Yên ra Đà Nẵng tham dự. Còn phía các bị cáo gồm: Nguyễn Thân Thảo Thành, Nguyễn Minh Quyền, Phạm Ngọc Mẫn, Nguyễn Tấn Quang, Đỗ Như Huy và Lê Đức Hoàn đều có mặt. Theo bà Tuyết thuật lại, sự vắng mặt của bà Tâm (vợ ông Kiều), cũng là người có nghĩa vụ liên quan quan trọng nên Tòa quyết định hoãn.

Việc phiên xử cứ liên tục hoãn rồi hủy xử lại khiến bà Tuyết và gia đình ông Kiều gặp nhiều khó khăn về kinh tế, chưa kể là sự trả thù vô hình nào đó. Nhưng khi chia sẻ với Việt Nam Thời Báo (VNTB), bà Tuyết nói mình sẽ cố gắng theo đuổi vụ án cho tới cùng bởi không chấp nhận hành vi công an đánh đập dân và cũng vì một lẽ…

Chị cố gắng theo vụ án này là nhằm mục đích để đòi lại sự công lý. Đồng thời muốn vụ án này phải xử nghiêm để cho công an thấy trong bốn tức tường rồi đánh dân gây những vụ án oan sai như vụ ông Nén, ông Chấn và nhiều vụ án kêu oan khác. Không thể nào để công an dùng nghiệp vụ đánh người, tra tấn để người dân nhận tội nếu không nhận tội thì đánh đến chết, nhận tội thì ở tù oan ức.”

Từ khi vụ án diễn ra, phía chính quyền Nhà nước đặt biệt là những viên công an gây ra cái chết của nạn nhân Kiều ban đầu không ai đến hỏi han, quan tâm hay giúp đỡ gia đình chị Tuyết. Chị Tuyết nói:

Khi Kiều mất, gia đình rất khó khăn, nói chung gạo cũng không có mà ăn nhưng lúc đó không thấy ai (người thân những viên công an) đến hỏi thăm, giúp đỡ. Một mình tôi phải bươn chải đi xin sự giúp đỡ từ các đoàn thể vì lúc này Tâm (nạn nhân Kiều) đang mang bầu sắp đến ngày sinh để có tiền sinh nở. Sau khi tôi đưa đơn đến Chủ tịch nước và Thủ tướng chính phủ đề nghị làm rõ vụ án cho đến khi khởi tố vụ án rồi, thì có người nhà của một vài bị cáo trong đó có người nhà bị cáo Mẫn đến nhà năn nỉ ra giá tiền để gia đình tôi làm giấy bãi nại, nhưng tôi không đồng ý bởi vì tôi không thể nhận một số tiền để bán đi sinh mạng con người, bán đi công lý xã hội.”

Để theo đuổi vụ án, bà Tuyết nói có lúc mình phải đi làm osin, đi làm công việc dọn vệ sinh cho người khác vì một lẽ công lý xã hội, vì những cái chết oan ức và vì những điều mà người dân ở tù oan ức. Qua VNTB, bà Tuyết mong xã hội quan tâm đến tình trạng dùng nhục hình, bức cung người dân để người dân được sống trong một môi trường có luật pháp.
Luật sư Võ An Đôn: “sẵn sàng hy sinh bản thân để nhiều người khỏi bị chết”



Luật sư Võ An Đôn, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên là người bào chữa pháp lý miễn phí cho gia đình nạn nhân Kiều cũng chia sẻ với VNTB, việc theo đuổi một vụ án kéo dài vì hoãn và hủy như thế này cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, luật sư Đôn không vì những khó khăn riêng tư trong cuộc sống mà nản chí giữa chừng. Luật sư Đôn vẫn theo đuổi vụ án và trong suốt chặng đường vừa qua, luật sư Đôn thấy có những khuất mắt như: vụ án này lẽ ra các bị cáo với hành vi dùng dùi cui đánh nạn nhân Kiều với kết luận thương tích nhiều và nghiêm trọng lẽ ra phải truy tố tội “Giết người” mới đúng nhưng chỉ khởi tố ở tội “dùng nhục hình”. Thêm nữa, bỏ lọt tội với việc bắt người không có quyết định là không đúng pháp luật vì trước đó nạn nhân Kiều vẫn là công dân bình thường.

Do vụ án có liên quan đến yếu tố công an là những người thừa hành quyền lực Nhà nước nên dư luận đặc biệt quan tâm đến sự an toàn của luật sư Đôn. Bản thân luật sư Đôn cũng nói mình cũng có dự đoán sẽ gặp ít nhiều nguy hiểm bản thân cũng như ảnh hưởng đến nghiệp vụ luật sư khi góp tay đưa vụ án ra ánh sáng, góp tiếng nói bảo vệ công lý cho người dân thấp bé họng trong chốn lao tù nên luật sư Đôn nói mình chấp nhận đương đầu.

Vì tình trạng công an đánh chết người trong các trại giam rất nhiều nếu tôi không làm thì lương tâm tôi cắn rứt. Tôi sẵn sàng hy sinh bản thân để cho nhiều người khỏi bị chết.”       
Luật sư Đôn còn nói thêm, qua những việc làm của mình ở những vụ án như thế này đã giúp anh có thêm niềm tin là ngày càng có nhiều luật sư khác sẽ vượt lên những áp lực nào đó để làm theo vì điều đúng, điều tốt cho xã hội. Ngoài ra, luật sư Đôn nhận thấy tình trạng công an dùng nhục hình trong thời gian qua có giảm và nỗi sợ hãi của người dân trước đây rất là lớn nhưng qua vụ án này theo cảm nhận của luật sư Đôn thì nỗi sợ hãi này đã bớt đi rất nhiều.

Cũng như bản tin VNTB đã đưa trước đây, diễn biến vụ án như sau: Vì nghi ông Ngô Văn Kiều trộm cắp nên khoảng 3 giờ sáng ngày 13/5/2012, trong lúc ông Kiều cùng vợ con đang còn ngủ thì có 5 người tự xưng là công an đến nhà gỡ cửa và còng tay ông Kiều về trụ công an TP. Tuy Hòa tạm giữ. Thời điểm này gia đình ông Kiều không biết vì lý do gì mà ông Kiều bị công an bắt giữ, cho đến tối cùng ngày thì gia đình ông Kiều được Công an TP. Tuy Hòa báo tin là ông Kiều đã bị chết. Cơ quan giám định tiến hành mổ tử thi ông Kiều, quá trình mổ tử thi thì gia đình ông Kiều thấy có điều bất thường nên dùng điện thoại chụp lại toàn bộ cơ thể ông Kiều rồi sau đó làm đơn gửi đến các cơ quan Trung ương. Phát hiện có dấu hiệu “dùng nhục hình dẫn đến chết người”nên Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã khởi tố vụ án và khởi tố 5 sĩ quan Công an là những bị cáo trong phiên xét xử phúc thẩm ngày hôm nay 23/8/2016.

Theo báo chí Nhà nước thông tin thì có 4/5 bị cáo đã thừa nhận mình có dùng dùi cui cao su đánh lên người ông Kiều gây chấn thương sọ não là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết, riêng bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành thì phủ nhận việc bản thân có đánh ông Kiều.

Ngày 15/4/2015, TAND Phú Yên mở phiên xử sơ thẩm và tuyên án các bị cáo với những bản án như sau:1/ Nguyễn Thân Thảo Thành: 8 năm tù. 2/ Bị cáo Nguyễn Minh Quyền: 2 năm 6 tháng tù. 3/ Bị cáo Phạm Ngọc Mẫn: 2 năm 3 tháng tù. 4/ Bị cáo Nguyễn Tấn Quang: 2 năm tù. 5/ Bị cáo Đỗ Như Huy: 1 năm tù treo. 6/ Bị cáo Lê Đức Hoàn: 9 tháng tù treo.

Ngay sau bản án sơ thẩm đã tuyên, gia đình ông Kiều đã làm đơn kháng án và đồng thời bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành cũng làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án. Cha của bị cáo Thành sau đó có viết đơn kêu oan cho bị cáo Thành gửi lên Chủ tịch nước lúc bấy giờ là ông Trương Tấn Sang khi cho rằng Tòa đã xử bất công với người con của mình.

Tính đến thời điểm hiện tại, vụ án đã kéo dài hơn 4 năm, qua nhiều phiên xử bị hoãn. Riêng bị cáo Lê Đức Hoàn là Phó trưởng công an TP. Tuy Hòa, trưởng han chuyên án 312T có mặt tại cơ quan trong khi các bị cáo dùng nhục hình đối với ông Kiều bị truy tố tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” hiện nay đã bị đình chỉ công tác. 

Tin bài liên quan:

VNTB – Cựu TNLT Lê Thanh Tùng bị bắt lần hai, liên quan đến vấn đề ‘an ninh quốc gia’

Phan Thanh Hung

VNTB- Lm. Antôn Đặng Hữu Nam nói về phong trào biểu tình bảo vệ môi trường của giáo dân miền Trung

Phan Thanh Hung

Hãy tìm cách điều trị cho Hồ Thị Linh

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo