Đỗ Văn Phúc
(VNTB) – Thay vì nói “Việt Nam mãi ‘đỉnh’”; hãy nói “Việt Nam luôn đứng hàng đầu.”
Ở Việt Nam ngày nay, đặc biệt tại miền Bắc, người ta có khuynh hướng cắt bớt những từ ngữ kép để nói một cách cộc lốc, thô lậu. Vất vả, Tiêu chuẩn, Chất lượng, Điều động, Quyết định, Quản lý, Căng thẳng, Choáng váng… chỉ còn là Vất, Chuẩn, Chất, Điều, Quyết, Quản, Căng, Choáng…
Bây giờ người ta khen nhau đẹp, tốt bằng bốn chữ mà gần như trở thành một thành ngữ: Chuẩn không cần Chỉnh! Khi muốn nói đến người phụ nữ đẹp, giỏi giang, đảm đang; người ta gọi là “Phụ nữ Chất”! Khen về những điều tuyệt vời, xuất sắc, họ gọi tắt độc nhất chữ “Đỉnh.”
Những câu mà chúng ta có thể dọc thấy hàng ngày trên các phương tiện truyền thông đại chúng:
– Việt Nam mãi “đỉnh”!
– Anh Minh đã giỏi, nhưng anh B “đỉnh“ hơn.
– Thí sinh Châu hát rất “đỉnh”!
– “Đỉnh điểm” của vấn đề là….
Tưởng những chữ này chỉ có từ những người viết bên Việt Nam, nhưng rải rác đâu đây vẫn đọc thấy trên báo chí, truyền thông hải ngoại.
Rất gần đây thôi, ngày 9 và 10 tháng 5, 2024, khi nhóm gọi là Tổ chức Người Việt Toàn Cầu Về Kinh Doanh Và Đầu Tư (VBI Global) tổ chức một cuộc triển lãm tại Houston để giới thiệu các sản phẩm các công ty từ Việt Nam (trong đó có sự tham dự của Nguyễn Cao Kỳ Duyên, một cựu MC nổi tiếng đã theo gót chân cha là Nguyễn Cao Kỳ về đầu phục nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam), một nữ phóng viên khá nổi tiếng từng có nhiều bài phóng sự về sinh hoạt cộng đồng đã viết ra công luận bản tin khá chi tiết về những phản ứng của các hội đoàn người Việt tị nạn. Trong một đoạn giữa bài, có một câu mở đầu đại khái là “’Đỉnh điểm’ của cuộc triển lãm…” (hay gì gì đó, xin lỗi không nhớ rõ nguyên văn!). Điều này cho thấy những cách dùng chữ quái dị đã đi sâu vào sinh hoạt báo chí hải ngoại một cách âm thầm mà những nguời.
Vậy “Đỉnh” là gì mà người ta sính dùng như thế.
- Trong Hán Tự, chữ Đỉnh 鼎 (dấu hỏi) có nghĩa khác nhau như cái lư, vạc ba chân, cái đồ đựng thức ăn.
- Trong Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ có chữ Đỉnh (dấu hỏi) với nghĩa là phần cao nhất (trang 450).
- Một chữ Đĩnh khác 挺(dấu ngã) có nghĩa là vững vàng, đứng thẳng, vượt trội lên cao với câu ví dụ thiên đĩnh chi tư 天挺之資 nghĩa là tư chất trời sinh trội hơn cả các bực thường. Chữ Đĩnh này thì không đứng một mình mà phải ghép với chữ khác như Đĩnh Đac, Đĩnh Đặc, Đĩnh Ngộ và Đĩnh Xuất … (Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ ở trang 451). Người ta thường khen con cái là “thông minh đĩnh ngộ.”
- Nhưng trong Hán Việt của Đào Duy Anh (trang 234), các chữ Đỉnh Đạc, Đỉnh Xuất thì có dấu hỏi!
Chữ Đỉnh ở đây mà bên Viêt Nam thường dùng lại mang dấu hỏi. Nó có nghĩa là điểm cao nhất của một vật (summit, peak: the highest point of an object); nó thường là cái chóp nhọn như: Đỉnh núi, đỉnh đồi, đỉnh tháp. Nó cũng có thể là mức cao nhất, mức tối hậu của một sự kiện (the topmost level attainable), là mức cao nhất trong hệ thống đẳng cấp nhân sự (the highest level of officials). Còn nếu viết và đọc với dấu ngã, thì không thể nói/viết cộc lốc một chữ Đĩnh!
Những cách dùng chữ Đỉnh mà chúng ta thường nghe trước đây, rất hợp lý và êm tai:
1.- Hội Nghị Thượng Đỉnh Mỹ-Hoa giữa Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Chủ Tịch Trung Cộng Mao Trạch Đông.
2.- Elizabeth Taylor, nhờ nhan sắc tuyệt dẹp và tài nghệ tuyệt vời, đã đạt tột đỉnh danh vọng trong nghề diễn viên màn bạc Hoa Kỳ.
3.- Diệt xong nhà Châu và 6 nước chư hầu của nhà Châu, Doanh Chính lên ngôi lấy hiệu Tần Thủy Hoàng Đế; nắm quyền lực tột đỉnh của một nước Trung Hoa thống nhất .
5.- Chế độ Cộng Sản là tột đỉnh của sự dã man, tàn bạo.
4.- Tác phẩm “Đỉnh Gió Hú ”đã đưa nữ văn sĩ Emily Bronte lên tột đỉnh danh tiếng trên văn đàn.
Vì thế, chúng tôi xin đề nghị viết hay nói những câu dẫn trong phần đầu của bài như sau:
Thay vì nói “Việt Nam mãi ‘đỉnh’”; hãy nói “Việt Nam luôn đứng hàng đầu.”
Thay vì nói “Anh A đã giỏi, nhưng anh B ‘đỉnh’“ hơn” thì nói “Anh A đã giỏi, nhưng anh B xuất sắc hơn.”
Thay vì nói “Thí sinh C hát rất ‘đỉnh’!, xin nói “Thí sinh C hát tuyệt vời.”
Thay vì nói “’Đỉnh điểm” của vấn đề là….” Xin hãy nói “Điểm quan trọng nhất/ điểm chính yếu nhất,/điểm tối hậu…”
Còn nếu muốn khen ai xuất sắc hơn người, thì nên dùng chữ Đĩnh đi kèm với một chữ khác nữa như các ví dụ ở phần trên.
Mà lạ, Đỉnh cũng đã là một điểm rồi, thì lại còn viết Đỉnh Điểm làm gì nữa?
Nhân nói tời “Điểm,” chúng tôi lại nhớ từng đọc các câu bên Việt Nam thường viết như:
1.- Chiếc cà vạt màu vàng là điểm nhấn trên người ca sĩ MT.
2.- Với chiếc áo hở ngực, cô phù dâu trở thành điểm nhấn trong đêm dạ hội.
Có lẽ người ta muốn nói đến điều gì đó có sức hấp dẫn, thu hút; làm cho mọi người phải đế mắt, tập trung nhìn vào. Ngày trước, thấy có chữ “cái đinh” như “Anh ta tỏ ra hoạt bát, nói cười ồn ào và trở thành trở thành cái đinh của buổi họp mặt.” Chẳng biết tại sao là “cái đinh”; nay lại thêm “điểm nhấn.”
Cái đinh, rồi điểm nhấn… Mệt lắm rồi; xin chẳng dám phê bình đúng sai nữa mà để dành cho quí vị tùy nghi nhận xét vậy. Thấy hay, đúng thì theo; nếu dở, chướng tai thì né đi!
(June 1st, 2024)