Ảnh: blog Người Buôn Gió.
Vụ Trịnh Xuân Thanh tiếp tục biến diễn thành một biến cố lớn đối với đảng CSVN về thảm họa rỗng mục ý thức hệ. Việc ông Thanh tuyên bố tự nguyện ra đảng trong thời gian bị điều tra về gây lỗ hơn 3,200 tỷ đồng tại PVC chỉ là “chuyện nhỏ”. Nhưng chuyện lớn hơn nhiều là bản báo cáo kiêm lá đơn ra đảng của ông Thanh “không còn tin tưởng vào đồng chí tổng bí thư” và đã trở thành tiền lệ đầu tiên về một cán bộ bị điều tra sai phạm và tham nhũng đã phản kích lại chính chủ của mình.
Việt Nam lại tiềm ẩn vô số cán bộ đảng viên sai phạm kinh tế. Hẳn tiền lệ của Trịnh Xuân Thanh sẽ trở thành một bài học đáng tham khảo cho nhiều cán bộ đã về hưu hoặc còn đương chức, nhất là về kinh nghiệm đào tẩu thành công của ông Thanh.
Nếu vào thời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, xác suất cán bộ sai phạm kinh tế bị bắt giam và đưa ra tòa vẫn còn thấp, thì thời nay lại đang rơi vào tham vọng “chống tham nhũng” và nêu bật hình ảnh cùng điều được gọi là “uy tín chính trị” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Với chủ trương “việc cần làm ngay” mới lộ diện từ tháng 6/2016, có thể hình dung tâm thế của ông Trọng đang muốn trở thành “Nguyễn Văn Linh thứ hai”, được nhân dân ghi dấu và lịch sử mãi mãi không quên. Chính vì thế và nói như ông Trọng, trường hợp Trịnh Xuân Thanh mới chỉ là “một ví dụ”, và sẽ còn nhiều “ví dụ” khác.
Những quan chức tham nhũng đang ngày càng cuống cuồng lo sợ về tương lai phải hầu tòa và lãnh án chung thân, tử hình. Nếu vào năm 2015 tổng bí thư Trọng đã cất công sang tận Bắc Kinh để học tập kinh nghiệm chống tham nhũng của Tập Cận Bình và Ủy ban Kỷ luật trung ương Trung cộng, thì hãy coi chừng ông Trọng đang rập khuôn bài bản của Bắc Kinh vào cuộc chiến “đả hổ diệt ruồi” ở Việt Nam.
Chính vì thế mới sinh ra những trường hợp có quốc tịch Malta như nữ đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường.
Nhưng Trịnh Xuân Thanh còn cao tay ấn hơn. Nhân vật này có lẽ đã tiên liệu được số phận đau đớn của mình từ trước tháng 6/2016 là thời điểm Tổng bí thư Trọng bắt đầu chỉ đạo điều tra vụ xe Lexus ở Hậu Giang, và đã tính đến một đường thoát.
Nếu tin tức mà blogger Người Buôn Gió úp mở tung ra là đúng, ông Trịnh Xuân Thanh có một khả năng đã “tị nạn chính trị’ ở nước ngoài và nhân tiện móc nối liên lạc luôn với “phe địch” là ông Bùi Thanh Hiếu để “chống phá nhà nước”. Vụ việc này hiện thời đang bán tín bán nghi và khiến giới dư luận viên lẫn công an Việt Nam nhảy dựng. Những lời chửi bới, thóa mạ và lên án ông Trịnh Xuân Thanh đang ngày càng đầy lên.
Trịnh Xuân Thanh sẽ trở thành một “nhà dân chủ” chăng?
Đó là một giả thiết mà trước đây rất khó tưởng tượng ra đối với những người một lòng theo đảng và “còn đảng còn tiền”. Nhưng không loại trừ việc thông qua kinh nghiệm đại hội 12, những người như Trịnh Xuân Thanh đã nhận ra tác động ghê gớm của mạng xã hội mà cả hai phe Nguyễn Tấn Dũng lẫn Trương Tấn Sang đều phải dựa vào. Cũng có thể vì thế mà Trịnh Xuân Thanh đã quyết định “trở cờ” để nhảy sang “phe dân chủ”.
Nếu trở thành một “nhà dân chủ”, Trịnh Xuân Thanh sẽ có vài cái lợi: được mạng xã hội công khai thông tin về mình và do đó đảng sẽ không thể ém nhẹm, tạo ra một sức ép dư luận trong và ngoài nước mà khiến những đòn bắt kín của đảng có thể bị suy giảm nặng về tính hiệu quả. Thậm chí có thể trong suy tính của mình, ông Thanh còn hy vọng ông sẽ trở thành một trường hợp “nhân quyền trong đảng” để được cộng đồng quốc tế và các chính phủ tiến bộ trên thế giới quan tâm, do đó đến một lúc nào đó sẽ được nhận quy chế tị nạn chính trị, bất chấp sự lồng lộn của đảng cũ của ông.
Lê Dung / SBTN