Phương Thảo
(VNTB) – Tờ The Conversation đưa tin Việt nam đang phải chật vật để cố đoàn kết các quốc gia trong vùng sông Mekong nhằm chống lại Trung quốc.
Để đạt được đòn bẩy chống Trung Quốc, Việt Nam đã nhiều năm qua đã cố gắng đa biên hoá các vấn đề Biển Đông trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), 10 quốc gia của khu vực thành một khối ngoại giao. Chiến lược của Việt Nam đã tiến đến một vị trí ASEAN thống nhất và do đó buộc Trung Quốc phải đàm phán chung với các thành viên ASEAN. Tuy nhiên chính phủ Trung Quốc lại có truyền thống từ chối điều này, thay vào đó họ thích các cuộc đàm phán song phương với các quốc gia ASEAN có lợi ích ở Biển Đông. Và cho đến nay, vẫn không phải đối mặt với một thách thức nghiêm trọng nào.
Tháng 7 năm 2016 trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 tại Vientiane, Lào, đoàn đại biểu Campuchia chặn ra tuyên bố chung về Biển Đông. Đây là ít nhất là lần thứ ba Campuchia ngăn chặn sự đồng thuận của khối ASEAN. Một tháng trước khi hội nghị thượng đỉnh tháng Bảy, cùng với Myanmar và Lào, Campuchia đã rút lời ủng hộ tuyên bố cứng rắn của ASEAN, và đồng ý với một phiên bản nhẹ nhàng hơn. Thái độ này của Campuchia đã nhận được lời khen ngợi của bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc. Trước đó vào năm 2012, Campuchia cũng đã có một hành động tương tự khi từ chối việc Việt Nam và Philippines muốn đưa ra thông cáo bao gồm một tham chiếu về các hành động lấn chiếm của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp.
Lào, từ trước chuyến công du của Tổng thống Obama, vào tháng 1/2016 chính quyền mới đã cho thấy ý giữ khoảng cách xa hơn với Trung quốc và quay qua Việt nam. Chuyến công du vào tháng 9 của Tổng Thống Obama cho thấy Lào có ý định muốn giữ mối quan hệ gần gũi với phương Tây và các cường quốc khác. Vì thế vị thế của Hoa kỳ ở Biển Đông có thể là mối quan tâm của Lào tuy Lào sẽ không vội vã xoay chiều mà sẽ rất thận trọng.
Theo nhiều nhà quan sát và các nhà ngoại giao có liên quan thì Campuchia muốn cản đường bởi vì Phnom Penh đã bị Trung Quốc mua chuộc, Trung quốc đã trở thành nhà tài trợ chi phối cơ sở hạ tầng không chỉ ở Campuchia nhưng cả ở Myanmar và Lào. Đây là những nỗ lực cản trở việc đoàn kết các quốc gia này chống lại một số các dự án tham lam của Trung Quốc.
Một điểm gây tranh cãi lâu nay nữa là Trung Quốc đầu tư ở các đập thủy điện và kiểm soát nguồn của con sông. Đây là mối quan tâm đặc biệt của Việt Nam, quốc gia cuối cùng và duy nhất có vùng đồng bằng trong lãnh thổ. Vùng đồng bằng sông Mekong là một trong những vùng sản xuất lúa trọng điểm của Việt Nam và phụ thuộc vào lưu lượng nước từ thượng nguồn, và việc xây dựng đập thuỷ điện là mối đe dọa trực tiếp đến nguồn cung cấp thực phẩm của Việt Nam.
Tuy nhiên, kể từ khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng đập Manwan trên sông Mekong năm 1986, chính phủ Việt Nam đã cố gắng thuyết phục Trung Quốc về sự nguy hiểm những con đập gây ra cho vùng đồng bằng – và cho đến nay không có hiệu lực. Trung Quốc bác bỏ tuyên bố rằng các đập nước của họ có ảnh hưởng xa tận vùng đồng bằng phía nam, và đã chỉ ra rằng sở hữu vùng nước Mekong của Việt nam chỉ chiếm 16% dòng chảy.
Kết quả là Việt Nam đã tìm kiếm sự ủng hộ từ nơi khác, và Mỹ nói riêng. Washington đã thường xuyên và công khai tố cáo các chương trình xây dựng đập thuỷ điện. Trong tháng 7 năm 2012 Ngoại trưởng Hillary Clinton đã có chuyến công du cấp cao tới Việt Nam, Campuchia và Lào, thực hiện chính sách “trục xoay châu Á” của chính quyền Obama. Trong khi ở Lào, bà đã thảo luận về việc xây dựng đập Xayaburi gây tranh cãi do công ty Thái Lan xây dựng và tài trợ, đó là đập đầu tiên trên sông Mekong bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Lợi ích của Hoa Kỳ trong khu vực được thể hiện theo những cách khác nhau. Hoa Kỳ có thể cân bằng sức mạnh của mình thông qua Sáng kiến Hạ Mekong, một sự hợp tác chính thức với Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam. Mối quan hệ giữa các Ủy ban sông Mekong và Ủy ban sông Mississippi được thiết lập từ năm 2010, và đối thoại toàn diện Hoa Kỳ-Lào đã được nâng cấp. Hơn hết, tàu hải quân Hoa Kỳ cũng đến Việt Nam hàng năm.
Vì vậy, những xung đột về quyền lực và nguồn lực không chỉ ở Biển Đông; mà còn là nguồn tài nguyên chính trị chung trong lưu vực sông Mekong. Và với tất cả những gì mà Hoa Kỳ giờ đây đã đầu tư về ngoại giao và quân sự, Trung quốc còn lâu mới ở thế phòng thủ.