Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cần tăng nặng án phạt để làm gương

Ngọc Linh Lan

 

(VNTB) – Câu nói “Thà đền một lần còn hơn nuôi suốt đời” đã biến thành một bi kịch khi mà đồng tiền và nỗi lo pháp lý đã lấn át lương tâm và đạo đức.

 

“Tính mạng con người là trên hết”. Câu khẩu hiệu quen thuộc mỗi khi tham gia giao thông ở Việt Nam. Đó có thể đến từ những áp-phích, băng-rôn hai bên đường; từ phía đuôi xe tải hoặc từ được dán (hay treo) trên xe của những chiếc du lịch….

Nhưng thực tế có đúng như vậy?

Thông tin từ mạng xã hội, ngày 28-8-2024, xe ô tô tải biển số 71H-012… do tài xế Đỗ Minh Tân (sinh năm 1996, ngụ tỉnh Bến Tre) điều khiển trên Quốc lộ 51. Khi xe đi qua khu phố Hương Phước, phường Phước Tân (TP Biên Hòa), xe tải rẽ phải vào một công ty thì va chạm với xe máy. Điều đáng lên án, khi xảy ra tai nạn giao thông, tài xế đã dừng lại một chút, thay vì xuống hỗ trợ, tài xế đến từ xứ dừa lại tiếp tục cán qua người bị nạn.

“Với tôi, đây không phải là trường hợp đầu tiên tôi thấy, có trường hợp đụng chết người, chỉ đền bù vài trăm triệu là xong. Cũng có trường hợp, tìm cách luồn lách, cuối cùng chỉ phạt đền tiền, rồi sau đó lại dùng áp lực, không đền bù tiền bạc luôn.

Quan điểm cá nhân, đây là một hành vi giết người, cố ý giết người chứ không phải là một tai nạn giao thông đơn thuần hay ngộ sát. Hành động này không chỉ vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng mà còn thể hiện sự vô nhân tính đến mức khó có thể chấp nhận trong xã hội hiện đại. Một hành động gây phẫn nộ, không có lương tâm. Cần phải xử lên tội lên mức cao nhất”, độc giả Nguyễn Minh bức xúc.

Bên cạnh đó, theo thông tin ghi nhận từ báo chí thì trong giới tài xế tại Việt Nam, có một câu nói được truyền miệng rằng: “Thà đền một lần còn hơn nuôi suốt đời”. Đây là quan điểm của một số tài xế khi đối diện với những tình huống tai nạn giao thông gây ra thương tật cho người khác nhưng chưa dẫn đến tử vong.

Theo họ, việc đền bù một lần duy nhất sau khi gây chết người sẽ dễ dàng và ít phức tạp hơn so với việc phải chịu trách nhiệm tài chính và chăm sóc nạn nhân suốt đời. Những suy nghĩ này có thể dẫn đến những hành động vô cùng tàn nhẫn.

“Vụ việc ở Đồng Nai là một ví dụ, một ví dụ đầy thực tế tàn nhẫn. Tôi không thể hình dung được chữ tình người ở đâu trong những hoàn cảnh như thế này? Có lẽ, dù điều đó không hẳn là đến từ số đông nhưng cũng nên xem xét lại, những câu đại loại kiểu như “thương người như thể thương thân” có đúng trong hoàn cảnh này, trong câu nói được truyền miệng này hay không? Và liệu có cần nên xem xét lại những bài học giáo dục về đạo đức hay không?”, Nguyễn Minh nói tiếp.

Hành động cố tình cán chết người sau tai nạn không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đi ngược lại các giá trị nhân văn cơ bản. Mỗi con người đều có giá trị và mạng sống không thể bị đánh đổi chỉ vì nỗi lo về trách nhiệm tài chính. Câu nói “Thà đền một lần còn hơn nuôi suốt đời” đã biến thành một bi kịch khi mà đồng tiền và nỗi lo pháp lý đã lấn át lương tâm và đạo đức.

Theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), khi gây tai nạn dẫn đến chết người, tài xế điều khiển xe phải đối mặt với những hình phạt nghiêm khắc như có thể bị phạt tiền từ 30 – 100 triệu đồng, bị cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc.

Theo Điều 590, Bộ luật Dân sự 2015, trong trường hợp gây ra tai nạn giao thông dẫn tới thương tật cho nạn nhân, người gây tai nạn sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần, bao gồm chi phí điều trị, phục hồi chức năng và tổn thất thu nhập. Con số có thể từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng. Ngoài ra, người gây ra tai nạn cũng có thể phải đối mặt với các hình phạt hành chính hoặc hình sự khác, tùy thuộc vào mức độ vi phạm, như phạt tiền hoặc phạt tù nhằm đảm bảo công lý và bảo vệ quyền lợi của nạn nhân.

Án lệ số 30/2020/AL của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã đặt ra một tiêu chuẩn pháp lý rõ ràng cho những hành vi cố tình cán chết nạn nhân sau khi gây tai nạn. Theo án lệ này, tài xế có thể bị xử về tội “Giết người” theo khoản 2, Điều 123 với khung hình phạt từ 7-15 năm tù.

Liệu rằng, nên chăng, cần có một bản án cao hơn, nghiêm khắc hơn để răn đe, làm gương? Bởi dù mức án cao nhất là 15 năm tù, cũng không thể nào bù đắp được nỗi mất mát người thân. Vợ mất chồng, chồng mất vợ, con mất cha (mẹ) và ông bà mất con cháu…

 

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam cần lên tiếng bảo vệ hội viên

Do Van Tien

VNTB – Người Việt chuộng xe máy: không có sự lựa chọn khác

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Quảng bá là tốt nhưng nên chăng cần xem lại cách thực hiện!

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo