Quang Nguyên (Washington)
(VNTB) – Sắp tới sẽ diễn ra cuộc sống mái mặt đối mặt đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ, một của đảng Cộng Hòa, ông Donald Trump, thương gia tỷ phú và bà Hilary Clinton, chính khách lão luyện của đảng Dân Chủ.
Dư âm cuộc tranh luận sẽ còn ồn ào các ngày sau trên truyền thông và các nơi làm việc. Các đài truyền thanh, truyền hình và báo chí tiếng Việt lăn xả vào ăn có. Trong các quán cà phê, nhiều cử tri gốc Việt cũng hăng say trong các trận đá gà loại này, cuộc chiến nổ ùng oàng từ bàn này bắt qua bàn kia trong khói thuốc lá mù mịt. Trong các bữa xả stress cuối tuần, hai ông bà TT tương lai lại có dịp được dân nhậu đề cập đến, ồn ào, náo nhiệt đến nhức đầu.
Nhiều cử tri Mỹ gốc Việt có khuynh hướng bầu cho ứng viên thuộc đảng Cộng Hòa. Họ thích lập trường bảo thủ và nghĩ rằng các TT của đảng này chống cộng mạnh mẽ hơn các TT thuộc đảng Dân Chủ. Thật ra không hẳn thế. Lấy mốc từ sau cuộc thế chiến thứ hai, thế lực của Cộng Sản lên mạnh, chiến tranh lạnh giữa hai bên thế giới tự do và Cộng Sản rất căng thẳng, tất cả các TT Mỹ đếu dốc hết sức chống Cộng dù họ là Cộng Hòa như Dwight D. Eisenhower, Gerald R. Ford hay Dân Chủ như Franklin D. Roosevelt, Harry s. Truman. Trong thời chiến tranh Việt Nam các tổng thống nhúng tay sâu nhất lại là các ông Dân Chủ như John F. Kennedy, Lyndon B. Johnson. Harry Truman đề xuất chủ thuyết Truman ,Truman Doctrine, năm 1947 ngăn ngừa sự bành trướng của CS xuống vùng Đông Nam Âu Châu. Cũng không quên Kennedy đã tấn công Cuba trong vụ Vịnh Con Heo nhằm xóa bỏ chính quyền Cộng Sản của xứ này, và sau đó dập tắt tham vọng uy hiếp Hoa Kỳ của nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev trong vụ khủng hoảng tên lửa Cuba. Tất cả các TT thuộc hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đều tích cực chạy đua vũ khí với Liên Xô. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Tổng Thống George Bush thuộc đảng Cộng Hòa có phản ứng gần như tức khắc, quyết liệt giảm thiểu ngay vũ khí nguyên tử chiến lược của Mỹ trên toàn cầu mà không cần một lời hứa hẹn sẽ đáp ứng giống vậy của nhà cựu lãnh đạo khối Sô Viết Mikhail Gorbachev.
Hiến Pháp Mỹ quy định TT là Tổng Tư Lệnh tối cao quân đội, Quốc trưởng, ông ảnh hưởng chính đến việc hình thành chính sách đối ngoại, với sự quan tâm quan tâm thường trực và trực tiếp của các bộ trưởng Ngoại Giao, Quốc Phòng. Tuy vậy tất cả thành viên nội các đều dự phần và có ý kiến trong việc quyết định chính sách này như các bộ trưởng kinh tế, nông nghiệp, ngân khố và bộ năng lượng. Bên cạnh đó phải kể đến ý kiến của Hội đồng An Ninh Quốc Gia, Trung Ương Tình Báo.
Mặc dù hành pháp hình thành chính sách đối ngoại, nhưng quyền hành của Quốc Hội Hoa Kỳ cũng có thể là một lực cản rất lớn. Chỉ có Quốc Hội được phép tuyên bố chiến tranh. Quốc Hội có quyền chấp thuận hay phủ quyết ngân khoản cho việc xây dưng vũ khí trang bị cho quân đội, cho viện trợ ngoại quốc, Quốc hội cũng có quyền biểu quyết hay phủ quyết các hiệp định, hiệp ước và chỉ định đại sứ. Thấy như thế, việc các TT tương lai muốn chưa phải có thể dễ dàng được, nhất là đối với quốc hội lưỡng viện có đa số dân biểu, nghị sĩ thuộc đảng dối lập với TT.
Một chứng minh về quyền lực của TT (Obama) dễ dàng bị thách thức và khóa tay như việc cả hai ứng cử viên TT đều tỏ ý không tán thành hiệp ước thương mại TPP , the Trans-Pacific Partnership, đã được thỏa thuận giữa Mỹ và 11 nước khác chung quanh bờ Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam. 4 ứng viên TT thuộc 4 đảng khác nhau hiện nay, chỉ một ứng viên ủng hộ TPP. Cựu ứng viên TT Dân chủ, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, đã từng kêu gọi Đại Hội Toàn Quốc của Đảng Dân Chủ ghi trong Cương Lĩnh bác bỏ TPP. Sở dĩ điều này không xảy ra vì ngừơi ta không muốn làm mất mặt ông Obama. Ông đang hối thức quốc hội biểu quyết hiệp định này vào tháng 11 sau khi bầu cử xong. Tuy nhiên dù có được thông qua, vị tổng thống kế tiếp, theo như tuyên bố của họ, chắc chắn sẽ phủ quyết.
Chính sách đối ngoại của Mỹ cũng như các quốc gia độc lập trên toàn cầu thay đổi tùy theo hoàn cảnh, phù hợp với xu hướng thế giới, an ninh quốc gia, bảo vệ độc lập, an toàn chính trị và phồn vinh quốc dân. Tại Mỹ, chính sách đối ngoại, cũng giống như đối nội, phản ảnh ảnh hưởng của các thế lực chính trị bao gồm cử tri, các nhóm có cùng chung lợi ích, Quốc hội,và của các tổ chức hoạt động chính trị,nhân quyền khác… Chiến tranh Việt Nam dẫn đến sự đòi hỏi cân bằng quyền lực giữa TT và Quốc Hội. Đạo luật the War Powers Act năm 1973 giới hạn số đội quân tối đa TT được phép gửi ra nước ngoài nếu chưa được phép của Quốc Hội.
Với Mỹ và các cường quốc khác trên thế giới, chính sách đối ngoại của họ luôn là mối quan tâm của các quốc gia khác, dù muốn dù không, câu nói “Khi Mỹ hắt hơi, thế giới cảm sốt” đến bây giờ cũng không phải ngoa ngoắt lắm. Trong lúc này, dù cuộc so găng giữa hai bên chưa ngã ngũ, thế giới vẫn chăm chú xem xét chính sách đối ngoại của cả hai ứng viên đối thủ. Một số nước không giấu diếm đã lên tiếng phản đối hay ủng hộ chính sách của một trong hai ứng cử viên,và có thể có âm mưu can thiệp vào kết quả bầu cử bởi một quốc gia nào đó.
Mới đây Trump liệt kê rõ ràng sẽ tăng quân thêm 10 sư đoàn bộ binh, tăng lực lượng Thủy Quân Lục Chiến lên gấp rưỡi, Tàu chiến từ 270 lên 350, và tăng thêm 100 phi cơ chiến đấu trong tổng số khoảng 1100 chiếc có sẵn. Bài diễn văn của ông ta về quốc phòng đầu tuần qua được ngay một số tướng lãnh trong quân đội ủng hộ. Bà Clinton không nêu rõ những con số tỉ mỉ như doanh gia chuyên say mê đếm các con số đối thủ của mình, bà cũng đã từ lâu muốn tăng cường quân lực và khả năng đè bẹp đối thủ qua cái gọi là Sức Mạnh Thông Minh, Smart Power. Tỏ ra không phải chim bồ câu với nụ cười thường trực trên môi của nhà ngoại giao, bà quan niệm sức mạnh đối ngoại gồm cả chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, luật pháp và văn hóa cho mỗi tình huống “choosing the right combination of tools—diplomatic, economic, military, political, legal, and cultural—for each situation”.( Hard Choices). Sự can thiệp của Mỹ vào Lybia năm 2011 có ý kiến của bà. Bà cũng đã bỏ phiếu thuận cho cuộc xâm nhập của Mỹ vào Iraq năm 2003, từng khuyến khích trợ giúp vũ khí cho quân nổi dậy tại Syria.
Cho đến nay, hai vị có thể là Tổng Tư lệnh Mỹ đã có quan điểm rõ rệt trong chính sách đối ngoại, đơn cử như Cuba và vài nước trong khu vực Á châu có liên quan đến Việt Nam.
Với Cuba, cả hai đối thủ đều đồng ý phải dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận kinh tế với nước cộng sản này, lệnh này chỉ có thể được xóa bỏ bởi quốc hội mà nhiều nghị sĩ, dân biểu Cộng Hòa còn đang muốn trì hoãn, và tiến dần đến sự cộng tác thân thiện hơn. Thâm ý của họ đều muốn nước cộng sản ở sát nách ngả theo tư bản, tự do.
Về Bắc Triều Tiên, Bà Clinton trong tư cách một nhà ngoại giao đã từng lên tiếng ủng hộ sự hiện diện quân sự hơn nữa của Mỹ trong khu vực đang bị hăm dọa bởi nước này, gia tăng cấm vận để đối phó với các hành động thử vũ khí hạt nhân, đe dọa an ninh khu vực, và của Mỹ. Thúc giục Trung Quốc giải trừ loại vũ khí giết người hàng loạt và ngăn chận các hành vi vô trách nhiệm của đàn em. Đề nghị gia tăng hỏa tiễn phòng thủ của Mỹ trên bán đảo Nam Hàn và Nhật Bản.
Đồng quan điểm với đối thủ của mình và thẳng thừng hơn nhiều, Trump gọi nhà lãnh đạo Bắc TT là “thằng điên”, ông ta hăm dọa nếu Trung quốc không ngăn chặn được các hành vi của Kim Jong Un, ông sẽ gây khó khăn thương mại cho TQ, thậm chí ông cảnh cáo sẽ bắt TQ phải bằng cách này, cách nọ, làm biến họ Kim càng sớm càng tốt, “I would get China to make [Kim Jong-un] disappear in one form or another very quickly,” (CBS News)
Với Trung quốc, thế lực đáng gờm, đang giành hơn thua với Mỹ, bà Clinton muốn:
Tăng cường hợp tác các mối quan tâm trong khu vực với họ. Bao vây nước này bằng cách củng cố các liên minh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Tăng cường ngăn chặn, và đánh lại cuộc tấn công của TQ vào hệ thống computer của Mỹ. Mạnh mẽ bênh vực các nhà dân chủ trong nước và chống các vụ vi phạm nhân quyền của nước này.
Trong khi đó Trump có phần mạnh mẽ hơn, ngoài đồng ý đối thủ của mình về việc chống lại cuộc tấn công mạng của TQ, ông muốn tăng cường sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực biển Biển Đông, vùng TQ tuyên bố lãnh hải thuộc họ. Điều tra và trừng phạt Trung Quốc trong hoạt động thương mại không công bằng. Chỉ rõ Trung Quốc đã và đang thao túng tiền tệ quốc tế.
Những điều này ảnh hưởng không nhỏ đến VN, một nước có cùng chung biên giới, lãnh hải với TQ, có quan hệ kỳ lạ, phức tạp và có thể nói không thành thật, minh bạch và lương thiện với nhau, vừa khắng khít tình, nghĩa, lý tưởng, ý thức hệ, vừa là con mồi của đồng chí vĩ đại và đầy mưu mẹo..
Không ít người than phiền về chính sách đối ngoại của Mỹ, dân Mỹ cũng vậy. Chính phủ tiêu tiền thuế của dân nhiều hơn vào những chuyện xa nhà, nhưng họ hiểu sự an ninh của họ tùy thuộc vào đó. Đã lùi vào quá khứ từ lâu quan niệm tự cô lập. Từ ngày lập quốc, các vị sáng lập nền dân chủ Mỹ cho rằng chính sách tự cô lập (isolationism) là phương cách tốt nhất để bảo vệ quyền lợi quốc gia, dân tộc. Ngày nay Người Mỹ coi giữ gìn hòa bình, bênh vực nhân quyền trên toàn thế giới là nhiệm vụ đạo đức không chỉ của riêng họ mà phải được đặt trên vai của mọi vị lãnh đạo các quốc gia khác.