Theo InfoNet
Hiện nay có một nghịch lý là có nhiều người đòi dùng ngân sách để xử lý nợ xấu nhưng cụ thể việc dùng ngân sách để xử lý nợ xấu như thế nào thì lại được đề cập đến một cách khá mơ hồ, không rõ ràng.
Đa dạng kênh rót vốn ngân sách xử lý nợ xấu
Nhìn chung, từ các kiến nghị xử lý nợ xấu bằng ngân sách có thể tổng hợp ra đây 3 kênh khác nhau dùng ngân sách để xử lý nợ xấu bằng ngân sách.
Theo kênh thứ nhất, tiền ngân sách xử lý nợ xấu không phải là chuyển cho không các tổ chức tín dụng (TCTD) để bù các khoản thiếu hụt trong quá trình xử lý nợ xấu, cũng không phải cho không các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ xử lý nợ xấu (ở đây là VAMC) để mua nợ xấu. Mà ngân sách sẽ ứng ra và sẽ thu về sau khi VAMC xử lý được nợ xấu. Theo cách này, VAMC dùng tiền mua nợ theo giá thị trường, rồi bán nó hoặc bán tài sản bảo đảm để thu hồi vốn (có thể lãi hoặc lỗ).
Ở kênh thứ hai, nhiều nợ xấu đã thuộc sở hữu của Nhà nước khi nợ xấu chủ yếu nằm trong các ngân hàng yếu kém mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua với giá 0 đồng trong thời gian qua. Điều này có nghĩa là khi các ngân hàng này thuộc sở hữu của Nhà nước thì Nhà nước cũng phải xử lý nợ xấu này. Ngoài ra, các nhà đầu tư không bao giờ mua những ngân hàng yếu kém vì tỷ lệ nợ xấu cao và không minh bạch. Do đó, Nhà nước đã mua những ngân hàng này thì phải dùng nguồn lực để xử lý nợ xấu, tức dọn dẹp sạch sẽ để từ đó mới có thể bán các ngân hàng này cho nhà đầu tư.
Với kênh xử lý nợ xấu bằng vốn ngân sách thứ ba thì vốn ngân sách được dùng như một loại tín dụng nhà nước, cho các ngân hàng vay trong 5-10 năm với một mức lãi suất nào đó. Sau thời gian này các TCTD bán được tài sản đảm bảo (cho các khoản nợ xấu) để trả lại. Hoặc nhà nước phát hành trái phiếu xử lý nợ xấu bán rộng rãi với lãi suất bằng lãi suất cho vay lại các tổ chức tín dụng. Nếu xử lý được nợ xấu thì ngân hàng sẽ có lãi nhiều hơn, đóng góp nhiều hơn vào ngân sách.
Kênh nào cũng mơ hồ, nhầm lẫn
Với kênh thứ nhất, như đã chỉ ra, bản thân VAMC đang bế tắc với nợ xấu họ đã mua về do những trở ngại đã được thẳng thắn nhìn nhận bởi ngay cả người “trong cuộc” là ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐQT VAMC mới đây khi chia sẻ về những khó khăn trong hoạt động của VAMC. Theo đó, VAMC không cần thêm tiền vì ngay cả 2.000 tỷ đồng vốn cấp trước đây VAMC cũng chưa dùng tới một đồng nào. Cái mà họ cần là hành lang pháp lý thông thoáng, có thị trường mua bán nợ xấu vận hành, cơ chế xử lý tài sản đảm bảo phải thực hiện nghiêm…
Như vậy, dù có sốt ruột xử lý nợ xấu đến đâu nhưng nếu định xử lý bằng cách rót thêm vốn ngân sách cho VAMC (tất nhiên không phải là cho không), thì hầu như kết cục biết trước vẫn sẽ là nợ xấu mua về sẽ tiếp tục “dồn kho” tại VAMC mà khó có thể xử lý, bán chúng đi được. Nói cách khác, nhiều người đề xuất dùng ngân sách, dùng tiền tươi để xử lý nợ xấu thông qua VMAC mà dường như chỉ hiểu mơ hồ về hoạt động của VAMC. Họ đã không ý thức được rằng (trong cơ chế) hiện tại thì VAMC không phải là công cụ, là kênh xử lý nợ xấu hiệu quả, và vấn đề ách tắc trong xử lý nợ xấu không phải vì không có hay thiếu tiền tươi, tiền thật (để mua nợ xấu với giá thị trường).
Trong kênh xử lý nợ xấu thứ hai tại các ngân hàng thương mại yếu kém bị NHNN mua lại với giá 0 đồng, đồng ý rằ ng NHNN là đại diện chủ sở hữu nhà nước sẽ phải “dọn dẹp”, xử lý nợ xấu tại các ngân hàng này thì mới có thể bán lại chúng cho các nhà đầu tư. Nhưng NHNN còn là một ngân hàng trung ương với các công cụ điều tiết như tái cấp vốn, tái chiết khấu để đảm bảo cho các ngân hàng thương mại hoạt động an toàn. Nguồn tiền cấp cho các công cụ này không phải là từ ngân sách, mà là từ sự tạo tiền dưới tư cách một ngân hàng trung ương.
Với những ngân hàng 0 đồng có vốn chủ sở hữu âm, không đủ tư cách và nguồn lực để hoạt động một cách lành mạnh thì việc NHNN cần phải làm trước tiên và có thể làm là cho vay tái cấp vốn để chúng tạm thời hoạt động bình thường trở lại và nguồn vốn tái cấp vốn này có thể dùng trong nhiều nghiệp vụ như để chi trả các nghĩa vụ nợ với khách hàng, để xử lý, trích lập dự phòng nợ xấu… Ở đây dù có việc xử lý nợ xấu nhưng không có việc ngân sách phải bỏ tiền ra.
Có người sẽ lập luận rằng tiền của NHNN tạo ra thì cũng là tiền của ngân sách (vì NHNN cũng là … Nhà nước!) Lập luận như vậy là sai vì cung tiền của NHNN cho nền kinh tế không bao giờ được hạch toán như một nguồn ngân sách, hay được coi là một khoản tín dụng từ ngân sách cho nền kinh tế. Tiền rót từ NHNN qua kênh tái cấp vốn cho các ngân hàng 0 đồng nếu không thu hồi được thì ngân sách nhà nước cũng không vì thế mà phải ghi giảm trừ một khoản thu tương ứng. Tất nhiên, việc tái cấp vốn cho các ngân hàng 0 đồng của NHNN cũng sẽ để lại hậu quả (ví dụ, lạm phát), nhưng đó là vấn đề khác, không bàn ở đây.
Như vậy, về nguyên tắc, dù là xử lý nợ xấu tại các ngân hàng0 đồng thì cũng không cần ngân sách phải ứng vốn cho các ngân hàng này. Nói cách khác, việc dùng vốn ngân sách với việc xử lý nợ xấu tại các ngân hàng (thông thường hay 0 đồng) là hai việc không nhất thiết liên quan với nhau, bắt buộc phải đi kèm với nhau.
Và cuối cùng, trong kênh xử lý nợ xấu thứ ba, theo đó vốn ngân sách (hay từ phát hành trái phiếu)sẽ được cho các ngân hàng vay trong 5-10 năm. Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là các ngân hàng vay để xử lý nợ xấu, nhưng là xử lý như thế nào, hay, nói cách khác, họ sẽ làm gì với số tiền đi vay này thì rất tiếc là lại không thấy đề cập đến!
Nhiều ngân hàng không tự xử lý được nợ xấu, dù không có vấn đề gì về thanh khoản hay tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu để mà kêu gọi phải rót vốn cho họ. Và nợ xấu thì cứ nằm “chình ình” trên bảng cân đối của họ từ năm này sang năm khác, để rồi buộc phải bán cho VAMC (và hầu như cũng sẽ tiếp tục nằm “chình ình” tại VAMC). Nay có rót thêm vốn cho họ thì, về nguyên tắc,nợ xấu cũng không vì thế mà dễ bề giải quyết hơn, dễ bán hơn. Hay, nói cách khác, việc rót vốn từ ngân sách cho các ngân hàng vay trong thời hạn 5-10 năm hầu như chẳng có liên quan gì đến việc thúc đẩy giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.
Thêm nữa, như nói ở trên, NHNN hoàn toàn có thể tái cấp vốn cho các ngân hàng để xử lý nợ xấu, nếu cần, mà không nhất thiết cứ phải dùng ngân sách.
Tóm lại, qua việc tập hợp và phân tích các đề xuất dùng ngân sách xử lý nợ xấu như trên có thể nói rằng việc/bối cảnh dùng ngân sách để xử lý nợ xấu chưa bao giờ được hiểu một cách đúng đắn và rõ ràng ở Việt Nam.
TS. Phan Minh Ngọc
Theo InfoNet