(VNTB) – Bà Hằng chỉ dám hạ nhục, tấn công người yếu thế, chứ làm sao dám lên án bất công, cường quyền…
Nguyễn Phương Hằng là một hiện tượng xưa nay chưa từng có tại Việt Nam và có lẽ là trên toàn thế giới. Khi một giám đốc công ty ngàn tỷ mà nói năng hàm hồ, chửi bới khắp thiên hạ, nhưng vẫn được hàng triệu người theo dõi. Có điều, bà Hằng chỉ dám chửi những kẻ yếu thế, không thể phản biện hoặc không có nhu cầu sân si hơn thua với bà ta.
Năm 2021, giữa lúc đại dịch, nhà nước CSVN cấm tụ tập đông người thì bà Hằng kéo cả ngàn người tới gây rối Tịnh Thất Bồng Lai. Nơi những người dân bình thường đóng cửa tu tại gia, chẳng đụng chạm gì tới bà ta. Vu khống, tấn công, hạ nhục người tu bằng mọi giá. Rồi sau đó, chính bà Hằng lại là kẻ đi tù vì tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân. Bà Hằng bị công an xác định sử dụng thông tin không kiểm chứng, dùng ngôn ngữ mang tính nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhiều người.
Rồi nay, vừa ra tù thì bà ta lại cho dựng sân khấu nói chuyện hàm hồ, hết dám livestream trên mạng xã hội nhưng lập đàn để người khác quay phim mình. Khiến dư luận phẫn nộ nhất là khi bà Hằng chửi bới sư Thích Minh Tuệ bằng những thứ ngôn ngữ tục tĩu, bẩn thỉu nhất, mà một người có giáo dục không bao giờ nói ra. Dĩ nhiên, ông Thích Minh Tuệ không có phản ứng, hay phản biện lại bất cứ điều gì mà bà Hằng vu khống, Nguyễn Phương Hằng chẳng là gì trong mắt Thích Minh Tuệ. Thế là bà ta quay sang chửi đổng những người ủng hộ ông Minh Tuệ là u mê, là “phản động”…
Bị dư luận phản ứng, ngày 21/11, Nguyễn Phương Hằng lại tiếp tục làm đơn tố giác hơn 100 người những người chỉ trích mình. Nhưng lần này bà ta lại để chồng, ông Huỳnh Uy Dũng, ký đơn, với danh nghĩa tổng giám đốc công ty Đại Nam. Đi vu khống, công kích, xúc phạm danh dự người khác rồi lại làm đơn tố giác người ta, có khác nào phạm nhân đóng vai nạn nhân.
Ỷ vào quyền thế, Nguyễn Phương Hằng từng tuyên bố “quất không trượt phát nào”, “đi tù vì dân”, nhưng bà Hằng chỉ dám gây sự, công kích những người thấp cổ bé họng. Chứ nếu thật sự có bản lãnh thì bà Hằng có thể lên án những bất công xã hội mà nhà nước CSVN gây ra. Lên án những kẻ trong bộ chính trị đang đấu đá tranh giành từng cái ghế, từng địa bàn ảnh hưởng, gây ra hàng triệu thứ bất công ở đất nước này.
Nếu chưa đủ bản lãnh vạch mặt bộ chính trị thì có thể bắt chước Tô Lâm, lên án thể chế, lên án chính sách để tìm cách chấn chỉnh. Còn nếu sợ các thể lực đang mạnh, thì vẫn có thể đấu tố những đại án đã và đang diễn ra. Ở Việt Nam, đầy rẫy bất công, tham nhũng, đâu có thiếu cái để “quất”. Đại án Việt Á, đại án Chuyến bay giải cứu, đại án Vạn Thịnh Phát, đại án AIC, đại án FLC, đại án Xăng dầu Xuyên Việt Oil, đại án cờ bạc của tướng Trần Việt Tân, Bùi Văn Thành…
Nếu hèn hơn nữa, không dám “quất” những đại án có thế lực mạnh chống lưng, bà Hằng có thể “quất” những án nhỏ. Như vụ cảnh sát giao thông chặn đường xin “bánh mỳ”, chuyện thiếu tá công an mua dâm học sinh rồi bị thượng mã phong, chuyện công an mua bán ma tuý, công an tiếp tay buôn lậu…
Không dám “quất” công an thì bà Hằng có thể “quất” những hiệu trưởng, ban giám hiệu làm giáo dục mà đang ăn bớt ăn xén từng đồng từng cắt của học sinh. Chuyện thực phẩm bẩn tràn lan, chuyện thuốc giả, ô nhiễm môi trường, nạn phá rừng xây đập thuỷ điện, nạn hút cát làm sạt lở nhà dân, nạn xả thải đầu độc biển…
Nói đi cũng phải nói lại, thật ra, ngay sau khi ra tù, Nguyễn Phương Hằng cũng có vài lần ẩn ý lên án giám thị trại giam An Phước, về những đối xử bất công mà bà Hằng thấy trong thời gian bị giam tại đây. Nhưng sau đó thì bà ta không nhắc lại chuyện này nữa, có lẽ là đã bị nhắc nhở từ nhà chức trách. Đây cũng cho thấy cái sự hèn của bà Hằng, khi nghe nhà cầm quyền hăm dọa là bà ta “đổi bài” ngay lập tức, chứ làm sao dám “quất” tới cùng với cường quyền.