Việt Nam Thời Báo

Quyết tâm chính trị

25-10-2016
h1

“Quyết tâm chính trị” là cách nói khác của việc “mọi thứ đã được quyết định xong xuôi, bây giờ chỉ cần hợp thức hoá và triển khai thôi.” Cụm từ này xuất hiện khi chính quyền cần chuẩn bị dư luận cho một việc gì đó gây tranh cãi, hoặc để dập tắt dư luận. Quyết tâm chính trị đã khiến cho lần bỏ phiếu của Quốc hội chống việc Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội trở thành phiên “bỏ phiếu thử” và lần bỏ phiếu 99% đồng ý sáp nhập chỉ sau phiên thử 2 tiếng thành kết quả chính thức. Nếu như một vụ việc nào đó “quyết tâm chính trị chưa cao” hoặc “cần có quyết tâm chính trị cao” thì mới làm được thì mọi người nên hiểu đó là khi tầng lớp lãnh đạo chưa thống nhất được đường lối.
Nói tóm lại, quyết tâm chính trị là lời hiệu triệu, bản mật lệnh để xã hội vận hành theo ý chí của tầng lớp lãnh đạo.
Nhưng kể từ 2 năm trở lại đây, “quyết tâm chính trị” của Nhà nước đã vấp phải một vật cản mới, đó là các phong trào xã hội. Phong trào xã hội là khi mọi người cùng hoà giọng để theo đuổi một mục tiêu nào đó bất chấp địa vị, quan điểm chính trị, xuất thân. Mục tiêu đó thường là tự do. Hồi tháng 8, có tin rằng Nhà nước đã có “quyết tâm chính trị” để thông qua luật về hội vào tháng 11 này. Chiều nay, sau nhiều tuần xã hội vận động để hoãn, đích thân bộ trưởng Bộ Nội Vụ, đơn vị chủ quản và chấp bút dự thảo, đã phải xin Quốc hội hoãn thông qua luật hội tại phiên lần này Luật về hội có khả năng cao sẽ được hoãn lại thêm một nhiệm kỳ nữa. Tức là phong trào xã hội đã chiến thắng được “quyết tâm chính trị” của Nhà nước.
Đó sẽ là lúc cụm từ “quyết tâm chính trị” mang một ý nghĩa khác. Hay nói đúng hơn, lần đầu tiên “quyết tâm chính trị” không còn là độc quyền của một ai nữa.
Người dân thường không biết rằng họ có quyền lực trong tay và chỉ cần họ cùng quyết tâm, không điều gì có thể chỉnh huấn họ được. Phong trào hoãn luật hội cần phải hiểu không đơn giản là việc trì hoãn một dự luật vi phạm nhân quyền, mà là cơ hội để mọi thứ cùng tịnh tiến về phía tự do. Chắc chắn có nhiều bên đang nghĩ rằng hoãn luật hội cũng là điều tốt nhằm “tạo đồng thuận” cho một dự luật đang vấp phải nhiều sự phản đối, để rồi tới phiên làm việc sau thì dự luật lại được thông qua. Nhưng, mục tiêu và là lý do mà phong trào hoãn luật hội đang dần trở thành một quyết tâm chính trị đó là vì xã hội thật sự đồng lòng muốn có một đạo luật hội đạt đến chuẩn mực nhân quyền quốc tế.
Do đó, “quyết tâm chính trị” của người dân không thể dừng ở việc hoãn luật hội. Bởi vì hoãn luật hội tức là đánh bại được một dự luật sẽ tạo ra nhiều vi phạm nhân quyền hơn nữa, nhưng điều đó không có nghĩa là nó chấm dứt những vi phạm về quyền lập hội của người dân. Ngoài kia, những người điếc câm vẫn đang không thể lập được hội, và những anh em hướng đạo sinh vẫn đang bế tắc với lý tưởng của mình. Hoãn được luật hội không phải là chiến thắng của một tiến trình mà là bắt đầu cho một tiến trình khác để hướng đến một luật hội tự do và công bằng hơn.
Sẽ còn rất nhiều việc phải làm sau ngày Quốc hội bỏ phiếu hoãn thông qua dự luật này (nếu điều đó xảy ra). Điều thường khiến các phong trào xã hội bị chỉ trích chính là tính nhất thời của nó. Quyết tâm chính trị của người dân đã không đủ lớn để Quốc hội hoãn thông qua Luật Hôn Nhân Gia Đình để công nhận hôn nhân bình đẳng, nhưng nó đã đủ kiên định để chiến thắng với Bộ Luật Dân Sự công nhận quyền chuyển đổi giới tính. Với luật hội, chắc chắn, đang tồn tại một quyết tâm chính trị khác phản tự do, rình rập chờ bộc phát khi người dân nguôi ngoai. Để điều đó không xảy ra, xã hội có trách nhiệm tiếp tục nuôi dưỡng quyết tâm đó. Khi một phong trào, một ý tưởng trở thành một quyết tâm chung của cộng đồng thì nó không chỉ giúp cho chúng ta mà còn cho chính những đại biểu Quốc hội không phải uốn nắn lương tri của mình để bỏ phiếu theo chủ trương như họ đã phải làm với Hà Tây.

(Ba Sàm)

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo