Việt Nam Thời Báo

Lời xin lỗi trễ của Thanh Niên

Trung Bảo

Thanh Niên gỡ bỏ bài viết về “chất lượng nước mắm”
Không lạc quan tới nỗi tin rằng facebook khiến ông Trương Minh Tuấn phải lên tiếng về “truyền thông bất lương” để rồi báo Thanh Niên phải gỡ bỏ những bài viết liên quan đến nước mắm và “trần tình” cùng bạn đọc nhưng rõ ràng tiếng nói của dư luận đã khiến mọi thứ khác xưa.
Một bạn phóng viên nhắn tôi, ấm ức vì bị nghi “ăn tiền Masan viết bài”. Bạn này cũng có mặt trong buổi họp báo của Vinastas và đã đưa tin theo kết quả công bố. Tôi nói rằng nếu là tôi phải đi dự buổi họp báo hôm ấy, với kinh nghiệm của vụ nước tương 10 năm trước có thể làm tôi băn khoăn nhưng do áp lực tin bài của báo mạng, có lẽ tôi cũng chẳng kịp phối kiểm mà hộc tốc nộp ngay bản tin đó cho toà soạn.
Những sai sót kiểu này có thể xảy ra và người phóng viên rơi vào sự sắp đặt của kẻ đứng sau, trở thành công cụ phao tin cho họ. Không người làm báo nào dám vỗ ngực cho mình giỏi, cho mình sẽ tránh được những chuyện như vậy. Nhưng, khi đã “dàn quân” theo kế hoạch để đi từng bài kết hợp trang quảng cáo với ý đồ chiến thuật rõ ràng như loạt bài nước mắm trên báo Thanh Niên thì không cần là một người trong nghề, một bạn đọc bình thường cũng không tin rằng đó là sự tình cờ. Tôi biết trong đội ngũ “gác cổng” ở báo Thanh Niên có những người dư tài và tâm để nhìn thấy ra mọi vấn đề nhưng không phải cứ có tài có đạo đức thì có quyền.
Nhà báo Tâm Chánh, cựu Tổng Biên Tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, gọi những điều vừa diễn ra là “một cuộc khủng hoảng giá trị trong nền báo chí cách mạng”. Ông Chánh nhìn thấy sự giằng xé trong một con – người – nhà – báo khi “cái ghế, tấm thẻ là của đảng và nhà nước; nhưng cái túi, thân phận mình lại được tiền bạc định đoạt”. Sự tủi hổ của những nhà báo chân chính khi thấy ở đâu đâu, ai ai cũng có thể miệt thị nghề nghiệp của mình mà khó lòng mở miệng biện bạch.
Nghề báo trên thế giới đang đi xuống và nghề báo tại Việt Nam đi xuống nhanh hơn.
Khi báo chí không nói được những diễn biến của các sự kiện chính trị – kinh tế có ảnh hưởng lớn đến xã hội, thì tự nhiên, để tồn tại báo chí phải quay sang nói những chuyện xằng bậy hòng câu kéo độc giả. Thế nhưng, dạng độc giả đó không bao giờ bỏ tiền cho việc quảng cáo trên tờ báo. Gánh nặng tài chính và sự tham lam suy đồi của người làm báo khiến họ không từ bất kỳ đồng tiền nào. Bất kể có đi ngược lại mọi nguyên tắc nghề nghiệp đã được xây dựng hàng trăm năm.
Sự mâu thuẫn đó gay gắt tới mức độ nhiều người chấp nhận bỏ nghề chứ không thể nào chịu được cái tư tưởng “Doanh nghiệp X là đối tác của chúng ta, tránh đụng chạm”. Nghề báo và nhà báo chỉ có duy nhất một đối tác đó là bạn đọc. Mất bạn đọc là mất hết. Không ai đi quảng cáo trên một tờ báo không có bạn đọc. Vậy mà nay chỉ vì hợp đồng quảng cáo vài mươi triệu, có những tờ báo sẵn sàng ngó lơ nỗi bức xúc của bạn đọc.
Lời xin lỗi của báo Thanh Niên, hy vọng sẽ đăng báo in sáng mai, đưa ra đã muộn màng. Muộn không phải vì nó lên mạng lúc 11g đêm, mà nó chỉ xuất hiện khi có những đe nẹt từ ông Bộ trưởng. Nó xuất hiện không phải bởi nhu cầu tự thân của nhà báo, biết xấu hổ với chức nghiệp được giao, nó xuất hiện để thể hiện sự biết lỗi với quan trên, chứ không phải với bạn đọc.
Mọi thứ đã trễ. Giờ là lúc phải chỉ rõ ai sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật cho sự bất lương của truyền thông trong lần này.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo