Zing.vn
Nhiều chuyên gia cho rằng việc ông Trump bị Quốc hội buộc tội và phải rời Nhà Trắng là điều có thể xảy ra.
Tờ Independent hôm 11/11 dẫn phân tích của giáo sư Christopher Lewis Peterson của Đại học luật Utah (Mỹ) cho rằng tỷ phú Donald Trump có thể bị Quốc hội buộc tội và mất chức tổng thống.
Cơ sở pháp lý
Ông Trump đang phải đối mặt với vụ án liên quan đến cáo buộc gian lận ở Đại học Trump sẽ được đem ra xét xử cuối tháng này. Ngoài ra, hồ sơ thuế của Trump vẫn đang bị cơ quan thuế nội bộ của chính phủ Mỹ (IRS) điều tra. Tại New York, Quỹ Trump cũng đang bị điều tra.
Theo giáo sư Peterson, Hiến pháp Mỹ không ngăn cản Quốc hội buộc tội tổng thống nếu hành vi bị cáo buộc diễn ra trước khi nhậm chức. Về mặt lý thuyết, Hạ viện Mỹ có đủ cơ sở pháp lý để buộc tội ông Trump mặc dù quá trình này phức tạp hơn những gì mà người ủng hộ bà Clinton mong đợi.
Ông Donald Trump trước khi bước ra phát biểu về chiến thắng trong đêm 8/11. Ảnh: Reuters. |
Theo Independent, buộc tội chỉ là bước đầu trong quá trình 2 giai đoạn được quy định bởi Hiến pháp Mỹ để có thể bãi nhiệm một tổng thống vì “có hành vi phản quốc, nhận hối lộ hay phạm tội nghiêm trọng”. Trong đó, những tội danh nghiêm trọng gồm tội ác hình sự, lạm dụng chức quyền hoặc tổn hại niềm tin của công chúng.
Hạ viện sẽ xem xét các bằng chứng để quyết định có buộc tội tổng thống hay không thông qua thẩm vấn, tranh luận và biểu quyết. Nếu đạt đa số đồng ý thì Hạ viện có quyền buộc tội tổng thống.
Lúc này, tổng thống vẫn làm việc bình thường chờ đến giai đoạn hai: xét xử tại Thượng viện. Tổng thống có quyền mời luật sư tại phiên tòa do thẩm phán Tòa án Tối cao làm chủ tọa. Một nhóm hạ nghị sĩ đóng vai trò công tố viên và 100 thượng nghị sĩ đóng vai trò bồi thẩm đoàn. Nếu ít nhất 2/3 thành viên Thượng viện đồng ý, tổng thống sẽ bị cách chức.
Liệu ông Trump sẽ bị buộc tội?
Câu trả lời là có nhưng khả năng điều này xảy ra không cao. Theo giáo sư Peterson, những hành vi bị cáo buộc của ông Trump có thể được xếp vào loại “tội danh nghiêm trọng”. Vị chuyên gia đã có bài phân tích dài đến 23 trang về việc tại sao Quốc hội có thể buộc tội ông Trump.
Giáo sư Peterson cho rằng chướng ngại trong việc buộc tội vị tỷ phú vừa đắc cử tổng thống là cả Hạ viện và Thượng viện hiện đều do đảng Cộng hòa kiểm soát. Đảng Cộng hòa không thể buộc tội người của mình, trừ khi sức ép dư luận quá lớn.
Tuy nhiên, điều này cũng không phải là không thể khi nhiều thành viên đảng này không hề thích ông Trump, điển hình là Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan. Hai người công khai thể hiện sự chống đối nhau trong chiến dịch tranh cử.
Tổng thống đắc cử Donald Trump cùng Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan (giữa) và phó tổng thống đắc cử Mike Pence (phải) tại Điện Capitol hôm 10/11. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, tờ Washington Post dẫn lời giáo sư Allan Lichtman ở Washington D.C dự đoán rằng nếu ông Trump đắc cử, trước sau gì ông cũng sẽ bị Quốc hội buộc tội và ông Mike Pence (hiện là phó tổng thống đắc cử) sẽ lên thay.
“Họ [đảng Cộng hòa] không muốn Trump làm tổng thống, bởi vì họ không thể kiểm soát ông ta. Trump là người rất khó lường. Họ thích Pence hơn vì Pence hoàn toàn là một người trung thành, cẩn trọng và có thể điều khiển được”, giáo sư Lichtman nói.
Ông nhấn mạnh: “Tôi khá chắc chắn Trump sẽ tạo cơ hội để người ta buộc tội ông, hoặc là bằng việc làm gì đó tổn hại đến an ninh quốc gia, hoặc là bằng việc lạm dụng chức quyền để tư lợi cá nhân”.
Nhà báo David Brooks của New York Times cũng cho rằng việc ông Trump bị buộc tội hoặc phải từ chức là điều có thể xảy ra trong năm đầu nhiệm kỳ. Nếu ông Trump bị bãi nhiệm, người thay thế theo thứ tự lần lượt là phó tổng thống, chủ tịch hạ viện.
Lịch sử chính trị Mỹ chưa từng có vị tổng thống nào mất chức vì bị buộc tội. Tổng thống Andrew Jackson và Bill Clinton từng bị buộc tội bởi Hạ viện nhưng sau đó được Thượng viện xóa án. Còn Tổng thốngRichard Nixon từ chức trước khi bị Hạ viện buộc tội do bê bối Watergate.