Lê Dung
(SBTN)
Cuộc bầu cử tổng thống nghẹt thở và khiến đảo lộn gần hết các kết quả thăm dò dư luận trước đó ở Hoa Kỳ đã dẫn đến một khả năng tệ hại cho TPP: Trump.
Dứt khoát hơn nhiều so với Hillary, ứng cử viên Trump không hé lộ bất cứ một tình cảm nào dành cho TPP. Lời tiên đoán của nhà tiên tri Nostradamus 500 năm vè trước về một biệt danh “trumpet” sẽ phá vỡ hàng loạt hiệp ước đang có vẻ ứng vào tân tổng thống Trump.
Thông tin mới nhất về việc chính quyền Obama tạm ngừng nỗ lực vận động cho TPP càng cho thấy một tương lai xám xịt.
Nhưng với giới lãnh đạo Việt Nam, TPP lại gần như một lẽ sống còn. Sống còn đối với nền kinh tế đang suy thoái thảm hại và khiến lung lay chân đứng của chế độ. Sống còn cũng bởi ý nghĩa chính trị mà nhân vật đứng đầu đảng là Nguyễn Phú Trọng đã đánh cược cả uy tín cá nhân ông ta trong cuộc đi Washington để bàn thảo về TPP. Hậu quả chính trị và thể diện nào sẽ xảy ra đối với Tổng bí thư Trọng và ê kíp của ông ta nếu TPP biến mất?
Chỉ vài tuần trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra, một người được tổng bí thư Trọng sủng ái là Đinh Thế huynh đã đến Mỹ, với một trong những mục tiêu có vẻ như muốn Ngoại trưởng John Kerry tái xác nhận cam kết Mỹ sẽ “cho” Việt Nam vào TPP.
Nhưng bây giờ, không phải là Hillary – người có xác xuất rõ nhất sẽ kế thừa cơ bản các chính sách của Obama, mà là Trump – nhân vật chỉ muốn hất đổ hàng chục chính sách của người tiền nhiệm.
Thời gian bàn thảo TPP là quá dài – từ năm 2010 đến nay. Nhưng vẫn còn cả một chặng đường khá dài trước khi kết thúc việc thông qua và ký kết chính thức, tức phải được các quốc hội, trong đó chủ yếu là Quốc hội Hoa Kỳ, bỏ phiếu thông qua. Thời gian lại còn quá ít cho chính quyền Obama. Nếu đến ngày 20 tháng Giêng năm 2017 mà Obama không thuyết phục nổi Quốc hội Hoa Kỳ tổ chức bỏ phiếu, và hơn cả là bỏ phiếu thông qua TPP, số phận hiệp định thương mại này sẽ đương nhiên bị treo ít nhất 1 năm sau khi tổng thống mới là Trump chấp nhiệm. Đó là chưa kể kịch bản trong thời gian điều hành một năm đó, ông Trump có thể ra quyết định chấm dứt số phận TPP bất kỳ lúc nào.
Bởi thế, khoảng thời gian hai tháng còn lại của nhiệm kỳ Obama cũng là thời gian chạy đua vào TPP của chính thể Việt Nam. Có thể một số động tác ngoại giao con thoi sẽ diễn ra để thuyết phục Mỹ càng sớm càng tốt đưa TPP vào “lộ trình”, và sau đó chấp nhận Việt Nam như “nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh” – một nhu cầu mà những lãnh đạo Việt Nam như Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng năm 2013 và Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc năm 2016 luôn lặp đi lặp lại, trong lúc chính phủ Việt Nam lại hầu như chẳng làm gì để bảo đảm ít nhất 1-2 trong số 5 tiêu chí quốc tế để trở thành nền kinh tế thị trường đó.
Bây giờ, không còn là “hành pháp Obama” dễ chơi, mà giới lãnh đạo Việt Nam sẽ phải “đối tác toàn diện” với Quốc hội Hoa Kỳ với thế áp đảo của đảng Cộng hòa trong cả hai viện trong nhiệm kỳ tới.