24-11-2016
Phiên tòa xét xử Blogger Anh Ba Sàm. Getty Images
Một bài viết mới đăng trên tạp chí Forbes đánh giá Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng về kiểm soát người dùng internet tại khu vực Đông Nam Á.
Freedom House, một tổ chức nghiên cứu phi chính phủ, có trụ sở ở Hoa Kỳ, vừa mới công bố bản báo cáo thường niên về tự do internet (Freedom of the Net) vào tuần trước và cho thấy tình hình khá bi quan.
Nhìn chung, trong vòng sáu năm liên tiếp, tự do internet trên thế giới ngày càng tệ đi do chính phủ các nước tăng cường kiểm duyệt và kiểm soát các ứng dụng về tin nhắn. Đông Nam Á vẫn là vùng hạn chế về tự do internet, mặc dù vẫn còn những nơi tệ hơn như Arab Saudi hoặc là Bangladesh- khi viết blog về tự do tôn giáo.
Bản báo cáo thường niên dày hàng ngàn trang, công bố năm quốc gia có tình trạng tự do internet tệ nhất tại Đông Nam Á. Bản báo cáo cho năm 2016 này cũng chỉ xem xét tình trạng tự do internet của 65 quốc gia, nhưng không có Myanmar, vì nước này đã được vào danh sách của năm 2015.
Trong số 5 quốc gia ở Đông Nam Á bị cho là kiểm duyệt internet, Campuchia ở vị trí thứ năm.
Bài viết của Forbes nhắc tới trường hợp Kong Raya, 26 tuổi, là người sử dụng Facebook bị án tù 18 tháng do kêu gọi ‘một cuộc cách mạng màu thay đổi thể chế của Campuchia’. Tuy nhiên, những nội dung tiếng Anh có vẻ nhưng không bị quản lý chặt, trong đó có tài khoản Twitter của Thủ tướng Hun Sen và tờ Cambodia Daily.
Một điều cần phải chú ý là nếu bị bắt ở Campuchia sẽ bị giam giữ nhiều tháng trước khi bị đưa ra xét xử, và một khi đã ra tòa thì có thể sẽ bị kết án mà không cần bằng chứng, hoặc bị xử vắng mặt, nếu người bị xét xử là thành phần đối lập của chính phủ.
Đánh giá: Chỉ tự do một phần.
Indonesia đứng thứ 4: Theo báo cáo, đất nước Hồi giáo lớn nhất thế giới không có thiện cảm với những nội dung trên mạng về chủ đề người đồng tính, điển hình như vụ gây áp lực với ứng dụng tin nhắn LINE gỡ bỏ những nội dung liên quan người đồng tính hồi năm 2014.
Cùng năm này, một đạo luật được ban hành cho phép nhà cung cấp dịch vụ internet quyền từ chối những nội dung vi phạm giá trị đạo đức hoặc an ninh quốc gia Indonesia, khiến những tên tuổi như Netflix, Reddit, Imgur và VIMEO bị cấm vì nhiều lý do khác nhau.
Hiện có 144 trường hợp vẫn đang bị xét xử do đăng tải nội dung bị cấm đoán trên internet.
Đánh giá: Chỉ được tự do một phần.
Malaysia ở vị trí thứ 3: Tình trạng tự do internet của Malaysia giảm sút nhiều sau khi chính phủ bắt đầu kiểm duyệt tin tức, báo cáo và thông tin về vụ bê bối liên quan đến Thủ tướng Najib Razak- chưa rõ có biển thủ hàng triệu đôla từ một quĩ đầu tư hay không.
Các trang như Malaysian Insider, Malaysia Chronicle, Asian Sentinel đều bị chặn do đăng tải nội dung liên quan đến vụ bê bối của Thủ tướng. Viết blog hoặc các bài báo có nội dung chỉ trích hoặc chế giễu Hồi giáo đều gây phiền phức cho người sử dụng internet và mạng xã hội.
Báo cáo nói Malaysia chặn 1.263 trang mạng trong năm 2015 và 399 trang trong hai tháng đầu năm 2016.
Đánh giá: Chỉ tự do một phần.
Thái Lan: Báo cáo của Freedom House cho thấy Thái Lan kiểm duyệt internet ít hơn Việt Nam, nhưng đó là khi chưa có sự kiện Quốc vương Bhumibol qua đời vào hôm 13 tháng Mười và không có các câu chuyện xung quanh Thái tử Maha Vajiralongkorn, bị nghiêm cấm bởi đạo luật không cho phép xúc phạm đến Hoàng gia. Kể cả những hãng tin tức quốc tế, chỉ được phép đưa tin về quãng thời gian Quốc vương còn khỏe mạnh, chứ không phải thời gian lâm bệnh và sắp qua đời.
Bên cạnh đó, những đăng tải trên Facebook, Twitter hay tin nhắn cá nhân có nội dung chỉ chính chính quyền quân sự của Thái Lan đều có thể khiến người sử dụng internet bị bắt giữ và chịu án tù.
Đánh giá: Không có tự do.
Việt Nam đứng đầu bảng: Việt Nam không có tự do internet do quốc gia chịu sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản- được cho là không chấp nhận sự chỉ trích hoặc chế giễu. Báo cáo nói trong năm 2015, có 15 blogger đang chịu án tù và có thêm ba người khác bị kết án. Những người sử dụng internet ở Việt nam thường tự phải để ý và tránh các chủ đề nhạy cảm, trong khi Facebook và một số trang đôi lúc bị chặn, tùy theo từng thời điểm.
Báo cáo của tổ chức Quan sát Nhân quyền nói có 40 blogger và nhà hoạt động nhân quyền bị cảnh sát mặc thường phục sử dụng vũ lực trong năm 2015
Đánh giá: Không có tự do.