Việt Nam Thời Báo

VNTB- Nói xấu linh mục trên báo quốc doanh, phải chăng bộ máy tuyên truyền đã quẫn trí?

Kiều Phong

 

(VNTB) – Ngày 20 tháng 11 năm 2016, trên tờ báo quốc doanh  Nghệ An có bài viết “Linh mục Đặng Hữu Nam thực sự là ai ?”. Bài báo nặc danh này không được nhiều người chú ý đến, tuy vậy cũng nằm trong mục đích tuyên truyền và gây chia rẽ dân tộc.

Linh mục Đặng Hữu Nam đưa dân đi khiếu kiện vụ Formosa

Báo chính thống đưa tin nặc danh


Tác giả của bài viết là một người sử dụng nickname “Người anh em cùng đức tin”. Từ đó mọi nỗ lực tìm ra tác giả bài viết này để đối chất đều vô hiệu. Người này xưng là “con”, là giáo dân. Nhưng đã xưng là giáo dân thì phải có họ tên, ở giáo họ nào, xứ nào, đằng này không ai biết được gì thêm trên báo Nghệ An. 

Trong suốt bài báo, hết xưng con khi nói với linh mục Đặng Hữu Nam thì “người con chiên ngoan đạo” lại xưng “chúng ta”. Đây lòi ra căn bệnh của những bồi bút xã hội chủ nghĩa. Bởi lẽ “chúng ta” ở đây bao gồm những ai, đại diện cho bao nhiêu người, cây bút nặc danh không đưa ra được. Sự thực thì không có để mà đưa ra.

Cũng dễ hiểu vì sao báo Nghệ An, mà đằng sau đó không nói thì ai cũng biết đó là ai, lại phải dùng một bài báo nặc danh hạ cấp như vậy. Đưa lên VTV thì bị giáo dân phản ứng, trong khi uy tín của VTV đã bết bát sau vụ vu khống giám mục Nguyễn Thái Hợp rồi. Kết quả vụ đó thì sao? Giám mục Nguyễn Thái Hợp càng được biết đến, người dân bất phân lương giáo rủ nhau ủng hộ giám mục Nguyễn Thái Hợp và những người bảo vệ môi trường. Nay Bộ chính trị không dám bêu chức sắc tôn giáo trên đài truyền hình quốc gia VTV nữa, các “đồng chí” chuyển sang đánh du kích trên các tờ báo địa phương như báo Nghệ An, đồng thời sử dụng những ngón nghề đánh lén đối thủ. Bêu xấu các lãnh đạo tôn giáo trên tờ báo nặc danh vntb.org vô hiệu, lần này giai cấp cầm quyền  bêu xấu trên một tờ báo có họ tên đứng đắn nhưng lại cho tác giả nặc danh, hẳn  là tư duy “không trúng thì cũng không trật bao nhiêu”.

 


Đánh tráo khái niệm


Công thức suy luận của tác giả bài báo tóm tắt như sau: Thứ nhất, Linh mục là người làm việc tâm linh nhà Chúa như lời hứa, thế nên đừng có tham gia vào chính trị nữa. Thứ hai, trước khi có linh mục Đặng Hữu Nam thì sống yên bình, bây giờ thì không có yên bình nữa, vậy tất cả trách nhiệm đổ lên đầu linh mục Đặng Hữu Nam. Hai luận điểm này của tác giả bài viết là hết sức tăm tối.


Về luận điểm thứ nhất, nếu nói rằng chức sắc tôn giáo chỉ được làm việc tôn giáo, không được làm việc xã hội thì tác giả bài báo quốc doanh đã phủ nhận đóng góp của nhiều nhà tu hành trong suốt dòng lịch sử dân tộc. Ví dụ tiêu biểu là nhà sư Vạn Hạnh thời nhà Lý. Thời “nhiếp chính” của sư Vạn Hạnh là quốc thái dân an tột đỉnh trong lịch sử dân tộc, bởi vậy nhân dân tri ân và lấy tên tuổi của nhà sư Vạn Hạnh đặt tên cho các con đường lớn ở Việt Nam. Chiếu theo tác giả “Người anh em cùng đức tin” thì sư Vạn Hạnh hóa ra là một tội đồ của nhà chùa.


Một ví dụ khác, đó là trường hợp nhà sư Huyền Quang, quốc sư của nhà Trần. Pháp sư Huyền Quang học giỏi, đỗ cả thi hương, thi hội, đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ (trạng nguyên), được ủy thác nhiệm vụ   tiếp sư Bắc triều. Thời đó Đại Việt chỉ biết đến mấy nước ở  Đông Nam Á và đế quốc Trung Quốc, cho nên việc tiếp sứ Trung Hoa đòi hỏi người có trí tuệ và dám dấn thân cho sơn hà xã tắc. Vậy, nếu nói rằng nhà sư phải 24/24 lo việc nhà Phật thì pháp sư Huyền Quang cũng tội đồ Phật giáo ư?


Từ hai ví dụ trên, ta thấy việc báo Nghệ An công kích linh mục Đặng Hữu Nam, lấy cớ linh mục  không lo việc nhà thờ mà đi làm chính trị là cách lập luận trái với lịch sử dân tộc nói riêng và văn minh nhân loại nói chung.

 

Về luận điểm thứ hai, báo Nghệ An muốn nói rằng linh mục Đặng Hữu Nam phải chịu trách nhiệm, vì trước đây khi chưa có ông thì giáo xứ Phú Yên thanh bình, nay bỗng dưng có căng thẳng giữa khối công giáo và ngoài công giáo. Đây lại là một ngụy biện, sao báo Nghệ An không nói rằng trước đây chưa có thảm họa môi trường Formosa và bây giờ thì có rồi? Đổ hết trách nhiệm lên  một người  phản ứng trước một thảm họa là phi lô-gic, đổ lỗi cho kẻ gây ra thảm họa đó thì hợp lý hơn.

 


Thiên hạ được thêm một trận cười


Thảm họa môi trường Formosa là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những cuộc biểu tình lừng lẫy năm châu của giáo phận Vinh. Chính phủ bị khối Công giáo đòi hỏi phải trục xuất công ty gang thép Fomrosa ra khỏi Việt Nam. Sức ép đó là rất lớn, nhất là khi giám mục chính tòa giáo phận Vinh Phao-lô Nguyễn Thái Hợp cùng hết thảy các linh mục tỏ ý muốn đấu tranh cho môi trường trong sạch.  Dùng hết mọi bộ máy mà vẫn không hạ nhiệt được phong trào, nhà cầm quyền Việt Nam cử đại sứ sang Vatican đòi giáo hoàng Francis thuyên chuyển giám mục Nguyễn Thái Hợp. Nhưng không, Vatican đã lắc đầu, các sứ giả của nền ngoại giao mang tên Bác nhục nhã quay trở về. Đây là trận cười đầu tiên của giáo dân miền Trung, cũng như người dân cả nước trước những bộ óc “sáng ngời” trong Bộ chính trị.


Kết quả hình ảnh cho hinh anh nguyễn thanh sơn sang Vatican
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Antoine Camiller

Bài báo ngày 20/11 trên báo Nghệ An là trận cười thứ hai. Thiên hạ được một trận cười vì một tờ báo được nhà nước bảo hộ nhưng lại không dám đưa tên thật của tác giả bài báo lên. Nửa chính thống, nửa nặc danh là việc cho đến bây giờ mới thấy.


Đã thế, người anh em cùng đức tin còn trích dẫn Kinh Thánh như thật: Thánh Phaolô đã khuyên nhủ các tín hữu Rôma với tâm tình này:“Cần phải phục tùng các chính quyền, không những vì sợ bị phạt, mà còn vì lương tâm.” (Rô-ma 13, 5) . Đây lại là một trận cười nữa, bởi lẽ chính quyền Việt Nam không đưa ra điều luật nào bảo người dân phải im lặng. Phục tùng chính quyền là phục tùng trong luật, luật pháp có chương nào, điều nào cấm làm việc gì cụ thể thì ta mới không làm việc đó. Còn lại điều gì không cấm thì công dân có quyền được làm.Những hình thức dùng quyền lực cưỡng ép  trái với tinh thần luật pháp lại là một chuyện khác, đó không phải là pháp luật từ chính quyền và người dân không nhất thiết phải tuân theo.


Tác giả nặc danh có nhắc đến sự căng thẳng giữa những người trong cùng một địa phương. Một bên là giáo dân, bên kia là ai tác giả nặc danh không nói. Không nói vì không thể nêu ra danh tính của bên đó. Bên đó là bên với những đám đông tự phát, không phải là người địa phương, luôn luôn bịt khẩu trang để trà trộn vào những cuộc biểu tình của bên Công giáo. Không cần nói thì ai cũng biết bên đó là người của nhà cầm quyền. Một chính quyền tốt, đứng đắn và minh bạch thì sẽ không cần dùng công an chìm nổi và côn đồ chức năng để đàn áp những cuộc biểu tình đòi quyền được sống như vậy. Nghĩ được ra cách khác văn minh hơn, thượng tôn pháp luật hơn để giải quyết sự cố mới xứng đáng gọi là chính quyền. Trích dẫn Kinh Thánh nhưng trích dẫn không đến nơi đến chốn, nhân dân lại cười lần nữa. Thà rằng ra một điều luật cấm biểu tình, thì khi đó mới có cớ quy kết tội danh “chống chính quyền” cho những người dân đi biểu tình.


Chưa bao giờ  nền báo chí tự xưng là cách mạng lại  cho đăng những bài hạ cấp như vậy. Nói xấu một một linh mục trên báo quốc doanh, phải chăng bộ máy tuyên truyền đã bị quẫn trí?

 

 

Link bài báo nặc danh trên báo Nghệ An ngày 20/11

http://baonghean.vn/xa-hoi/201611/linh-muc-dang-huu-nam-thuc-su-la-ai–2756717/

Tin bài liên quan:

VNTB – Hà Nội: Phương pháp mới xử lý những con kênh chết

Phan Thanh Hung

VNTB – Tân Hiệp Phát: Bài học dành cho các đại gia khinh thường dư luận

Phan Thanh Hung

VNTB – Phỏng vấn giáo sư Nguyễn Thế Hùng: vì sao Việt Nam không có các nhà cơ học giỏi

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo