Việt Nam Thời Báo

VNTB- Thủy điện xả lũ giết dân: Phải lôi những tội đồ ra tòa! (bài 3)

Trần Thành – Thảo Vy

(VNTB) – Hiện tại có 13 luật sư đã gửi đơn kiến nghị đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, về “đập thủy điện Hố Hô xả nước tạo lũ mạnh khiến nhiều người chết và nhấn chìm tài sản của người dân các tỉnh Miền Trung”. Nhiều nhà khoa học trước đó cũng đã cảnh báo về chuyện người dân đang khổ sở vì thủy điện.

   Cựu bộ trưởng công thương – “Tội đồ” Vũ Huy Hoàng


   Bộ trưởng công thương Trần Tuấn Anh cũng phải chịu trách nhiệm liên đới

Những quả bom nước khổng lồ
Tại Hội thảo Tư vấn phản biện “Quy hoạch thủy lợi, thủy điện miền Trung” do Hội Tưới Tiêu Việt Nam (thuộc Liên Hiệp các Hội KH- KT Việt Nam) tổ chức tại TP.Đà Nẵng, hơn 100 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia về thủy điện- thủy lợi đã chỉ ra rằng, hiện hệ thống thủy điện đang phát triển thiếu khoa học.
Các nhà khoa học ví von rằng: đi dọc các tỉnh miền Trung, đâu đâu cũng thấy những cái “túi nước” khổng lồ có thể “dội” vào đầu hàng triệu người dân bất kỳ lúc nào, nhất là mùa mưa, lũ.
Nguy cơ tạo nên thảm họa về môi trường do việc chặn ngang dòng chảy làm thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn (Quảng Nam) nói riêng và tại các tỉnh miền Trung nói chung đã được Trung tâm Quốc tế về quản lý môi trường (ICEM – một cơ quan nghiên cứu độc lập do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ nhằm đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch lưu vực thủy điện Vu Gia – Thu Bồn) cảnh báo từ trước.
Theo ICEM, hiện lượng phù sa ở các con sông bồi lắng ở Quảng Nam đã đến mức báo động. Sông Vu Gia tại trạm quan trắc Thành Mỹ (Nam Giang) bình quân mỗi năm có 460.000 tấn đất, cát bồi lắng. Với lượng bồi lắng như vậy, cơ quan này cảnh báo thành phố cổ Hội An (Quảng Nam) sẽ là nơi hứng chịu nhiều cơn lũ lớn do chính tác động này. Bên cạnh đó, với việc thủy điện sông Bung 4 đi vào tích nước hồi tháng 9-2016, dự báo mai này nước ở sông Bung sẽ cạn kiệt, dẫn đến hạ lưu khô hạn.
Ông Trần Quốc Hùng, cựu phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh nói rằng, “Làm thủy điện sinh lời cao nên các nhà đầu tư đầu muốn đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, họ chỉ coi trọng lợi ích riêng mà quên đi sinh mạng của hàng vạn người dân vùng hạ lưu. Trong một thời gian dài, chúng ta đã buông lỏng quản lý và thiếu một tầm nhìn chiến lược…”.
Ông Lê Đa Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Trị nêu ý kiến: “Tôi thấy, cứ ở đâu có nhà máy thủy điện là người dân đều khổ. Đó là người dân mất đất, nhà nước mất rừng. Đời sống nơi tái định cư thiếu thốn đủ thứ, kể cả điện chiếu sáng. Trong khi đó, cứ đến mùa mưa lũ thì chính họ cũng là người hứng chịu những “túi nước” do chính các nhà máy thủy điện xả xuống”.
Ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng, hiện là chuyên gia Dự án quản lý rủi ro thiên tai WB5 (VN-Haz) TP Đà Nẵng, cho rằng có quá nhiều cơ quan quản lý “ông điện” nhưng lại không ai dám đứng ra chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố. “Điểm chung và cũng là bản chất của vấn đề là các nhà máy thủy điện đều “bức tử” nguồn nước để “sinh ra” tiền” rồi bỏ túi. Nhưng cũng nguồn tài nguyên nước ấy lại có rất nhiều cơ quan quản lý nhưng lại không có cơ quan nào chuyên. Do đó, theo tôi chúng ta nên tái lập lại Bộ Thủy Lợi để khai thác nguồn nước và trị “ông” thủy điện”.

Nhìn từ nước Mỹ
Ở Mỹ, từ những năm 90 thế kỳ trước, hình ảnh đích thân ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ – Bruce Babbitt, với chiếc búa tạ đi thị sát các đập thủy điện, và bổ những nhát búa đầu tiên mở màn cho chiến dịch phá bỏ các đập thủy điện, để mở đường cho các con sông chảy tự do  (International River Network, 1998). Đây còn là sự thể hiện lãnh đạo quốc gia này đã nhận ra cái giá phải trả do tác động xấu của các đập thủy điện gây ra, là làm mất đi những hệ sinh thái quan trọng, cùng với đa dạng sinh học của chúng mà dựa vào đó là sinh kế của nhiều cộng đồng dân cư.
Cơn bão Katrina cũng là bài học đắt giá cho nước Mỹ do việc xây dựng nhiều đập thủy điện dọc theo sông Misissippi đã ngăn không cho phù sa ra cửa sông bồi đắp cho những bãi bùn triều là lực ma sát đáng kể có thể làm giảm tốc độ của bão. Thêm vào đó, người ta lại xây dựng những bức tường kiên cố xung quanh thành phố nhằm bảo vệ khu đô thị ngăn không cho phù sa vào (dù ở mức hạn chế) và do đó không có đất ngập nước mà xung quanh thành phố chỉ là nước trắng.
Hậu quả là bão Katrina đã ập vào thành phố mà không hề bị một lực cản nào nên độ tàn phá cự kỳ lớn (ước tính cứ mỗi 2,7 dặm đất ngập nước có thể giảm được 1 foot (0,3048m) của bão nhiệt đới).  Đầu tháng 10-2009, có 29 tổ chức ở Mỹ đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc phá bỏ bốn đập thủy điện để trả lại nguyên vẹn dòng sông Klamath chảy dọc ranh giới hai bang California – Oregon. Quyết định này được đưa ra sau nhiều năm gây áp lực bởi các nhóm bảo vệ môi trường với lý lẽ rằng các đập nước phá hoại môi trường tự nhiên của sông Klamath, ngăn cản sự di cư của cá hồi và các loài cá khác cũng như làm nhiễm độc dòng nước.
Dự kiến đến năm 2020, các đập nước khổng lồ của Mỹ sẽ được phá bỏ để trả lại dòng sông như nguyên trạng lịch sử của nó.

Mạng người là vô giá
Trong đơn kiến nghị đề ngày 16-10-2016 nói ở trên, nhóm 13 luật sư viết: “Chúng tôi cho rằng các đập thủy điện đem lại lợi ích không bõ cho cái thiệt hại gây ra. Mạng người là vô giá, không thể để mạng dân cứ chết vơi mỗi năm một ít như thế được, không thể để cơ nghiệp của dân tích cóp bao năm tiêu tán dần vì lũ. Việc này nếu không xử lý dứt điểm thì với lòng tham và sự thiếu trách nhiệm rồi sẽ lại có lũ khác và người chết khác.
Hiến pháp Việt Nam sửa đổi năm 2013 tại Điều 28 quy định: 1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.
Nay chúng tôi đề nghị các vị lãnh đạo:
1. Cho tiến hành nghiên cứu, rà soát, đánh giá lại về bố trí và hoạt động của các đập thủy điện dựa trên các hậu quả đã gây ra, tiến tới chấm dứt phá bỏ ngay những đập thủy điện gây nguy hại.2. Trong hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của trận lũ vừa rồi có yếu tố con người (nhân tai). Hậu quả như thế và có dấu hiệu trách nhiệm của con người, như thế là đủ yếu tố dấu hiệu của tội phạm và do vậy cần chỉ đạo khởi tố điều tra, xác định người phải chịu trách nhiệm truy tố ra trước pháp luật và buộc bồi thường khắc phục hậu quả cho người dân.
Trên đây là nội dung kiến nghị, chúng tôi hy vọng các vị lãnh đạo quan tâm, để bảo vệ tính mạng và tài sản cho đồng bào”.
——————
Xem lại:
VNTB- Bộ trưởng công thương sẽ là bị can trong các vụ xả đập thủy điện gây thiệt hại cho dân? (Bài 1)
http://www.ijavn.org/2016/11/vntb-bo-truong-cong-thuong-se-la-bi-can.html

VNTB- 6 năm trước, Nhà máy Thủy điện Hố Hô đã bị kiện (Bài 2)
http://www.ijavn.org/2016/11/vntb-6-nam-truoc-nha-may-thuy-ien-ho-ho.html

Tin bài liên quan:

VNTB- Công an Đắk Nông khép ông Trần Minh Lợi vào tội danh ‘đưa hối lộ’ để làm gì?

Phan Thanh Hung

VNTB- Có thể bỏ tù ông chủ đường ống xả thải dưới biển Vũng Áng?

Phan Thanh Hung

VNTB- Bộ trưởng công thương sẽ là bị can trong các vụ xả đập thủy điện gây thiệt hại cho dân? (bài 1)

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo