Việt Nam Thời Báo

Ai bảo một nửa là khiếm khuyết, chơi vơi?

Một nửa cây cầu đổ sập, nửa còn lại vẫn xài tốt ư? Nhảm nhí đến thế là cùng. Dù có thoái thác trách nhiệm cũng có nhiều cách chứ không thể coi thường tính mạng của người dân như vậy được.

Chiếc cầu vừa khánh thành hai tuần đã đổ sập một nửa ở Long An. Ảnh: Internet

Dùng gần 2,5 tỉ đồng xây một cây cầu, chỉ sau 14 ngày khánh thành thì một nửa cầu đã đổ sập xuống sông. Dư luận còn chưa hết bàng hoàng, “quan sở” lại có phát ngôn ấn tượng, rằng “một nửa cầu còn lại vẫn dùng tốt”.

Hóa ra, những cái “một nửa” đâu phải là đáng ngại. Lâu nay, phần lớn mọi người thường e dè với những gì nửa vời nhưng trên thực tế, có những cái một nửa còn nhiều tác dụng lắm. Ví như một nửa chiếc cầu bắc qua kênh 28 theo tỉnh lộ 831 xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An trong con mắt của Phó giám đốc sở Giao thông Vận tải tỉnh này, nó vẫn đảm bảo chất lượng tốt để tiếp tục được tái sử dụng.

Đến một cái ấm nước, một chiếc quạt điện vài trăm nghìn đồng mua ngoài cửa hàng còn được bảo hành tới hàng năm trời. Cây cầu gần 2,5 tỉ đồng chẳng qua được ngưỡng dùng thử. Như thế đã đáng ngại, mà nay, một nửa chưa kịp sập lại được khoác cái mác mĩ miều là “dùng tốt”. Tin được không?

Một nửa ổ bánh mỳ vẫn là “bánh mỳ”. Một nửa tình yêu cũng khiến con người bị mê hoặc, cuốn hút kỳ lạ. Đâu phải ai cũng dễ dàng tìm được cái gọi là “một nửa”, có những người cả đời đi tìm mà vẫn chơi vơi…. Ấy mới bảo, chớ vội coi thường “một nửa”, bởi sức mạnh của “một nửa” cũng đáng bàn lắm.

Nhưng có lẽ, cây cầu không có được sự may mắn như ổ bánh mỳ để một nửa vẫn là bánh mỳ. Cũng may là còn nửa kia cây cầu chưa bị sập, nên nó vẫn được tiếng là “tốt”. Mà cái tốt kiểu này thật khiến cho người ta dễ rùng mình, đáng sợ. Giả dụ có nghiên cứu và đưa cái “tốt” ấy tái sử dụng cũng khiến người qua cầu phải dè chừng. Biết đâu được đấy, sau hai tuần thậm chí là chưa đến hai tuần, một nửa tốt kia mới đổ sập thì sao? Một nửa đã đổ sập ngoạn mục như thế rồi thì chuyện gì cũng có thể xảy ra.

Không có lẽ khi nghiên cứu xây dựng cầu, các vị lại khéo léo làm cho một nửa tốt, một nửa không? Vậy chắc phải có một danh hiệu đặc biệt để tôn vinh những con người đã tạo nên kiến trúc cầu có một không hai này. Lâu nay, một là cây cầu tốt hẳn, chịu đựng qua hàng trăm năm mưa gió, thời gian vẫn hiên ngang đứng vững, hai là nó không đảm bảo, phải thay mới, sửa chữa hoàn toàn từ lúc nghiệm thu. Đằng này, chiếc cầu một nửa gãy sập vì thi công quá ẩu, nửa còn lại vẫn dùng tốt. Khen cho người thiết kế, thi công khéo léo vô cùng. Họ đã tạo ra thêm một khái niệm “một nửa” tuyệt vời.

Nghe người ta bảo cầu xây một nửa sập, một nửa tốt thấy kỳ lạ thật, chắc phải có tên cây cầu này trong kỷ lục Guinness của thế giới về độ độc lạ trong đợt bình chọn sắp tới. Nghe qua cứ ngỡ chuyện đùa, nhưng thiết nghĩ, đã mang cái chức sắc vào mình chắc chẳng mấy ai đùa vui kiểu ấy. Mà kể cả đùa cũng đáng tội, ai lại bảo nửa cầu vừa sập vẫn dùng tốt bao giờ. Lại còn định tái sử dụng ư? Nghe sợ phát khiếp. Ai dám đi qua cây cầu có một nửa vừa bị sập dù sự bảo lãnh có “tốt” đến mức nào? Phải chăng, cái lối mòn của tư duy lâu ngày đã hình thành một thói quen phát ngôn ấn tượng? Và, nhiều người đang muốn khẳng định mình qua những phát ngôn? Điều này là không khó lý giải bởi có nhiều cách để con người ta có thể làm một khi muốn hướng tới sự nổi tiếng, bằng mọi giá.

Tôi cứ đắn đo mãi về một điều, ấy là lâu nay, một số quan chức khiến dư luận sốc vì những phát ngôn ấn tượng. Hình như nhiều người, vì bộn bề những lo toan của cuộc sống mà quên mất việc “lựa lời” nói sao cho vừa lòng người nghe. Lời nói thì “không mất tiền mua” thật đấy, nhưng nói những lời vô lý, sáo rỗng thì lời nói không những không mang lại giá trị mà còn dễ vạ miệng. Nếu ai cũng thuộc lòng bài học “uốn lưỡi bảy lần” thì chẳng bao giờ phải lo ngại. Nhưng khổ một nỗi, “lời nói gió bay” nên nhiều người cũng chẳng kiệm lời, cứ muốn nói sao cũng được, đôi khi thành ra phát biểu liều.

Có nhà thơ đã từng nói “nửa cây cầu chỉ bắc nửa dòng sông”. Đúng vậy, sẽ chẳng có gì tốt khi là một nửa, đến hạnh phúc nửa vời còn bị hắt hủi, chối từ. Một nửa cây cầu đổ sập, nửa còn lại vẫn xài tốt ư? Nhảm nhí đến thế là cùng. Dù có thoái thác trách nhiệm cũng có nhiều cách. Còn như coi thường tính mạng của người dân kiểu như thế này, dư luận khó chấp nhận. Nếu một nửa mà tốt thì có lẽ cây cầu đã không sập một nửa như thế. Rồi đây, niềm tin vào sự vững chắc của những chiếc cầu như thế này có lẽ cũng chỉ còn non một nửa mà thôi.

Theo Dương Thu (Người Đưa Tin)

Tin bài liên quan:

Tham nhũng vặt vẫn “trêu ngươi”

Phan Thanh Hung

VNTB – “Mối” hại “thân đê”

Trương Thế Tử

VNTB – Nỗi niềm hải quan

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo