SBTN
Sau gần ba tháng loay hoay tìm cách đưa ra câu trả lời chính thức về nguyên nhân và thủ phạm gây ra vụ nhiễm độc, hải sản chết trong khu vực vùng biển miền Trung kéo dài từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế, vào chiều ngày 30/6/2016, Hà nội đã công bố nguyên nhân cá chết bất thường và hoạt cảnh xin lỗi của tập đoàn Formosa Hà Tĩnh kèm theo hứa hẹn bồi thường 500 triệu Mỹ kim.
Tập đoàn Formosa Hà Tĩnh đưa ra lời xin lỗi vào ngày 30/6/2016
Thắc mắc được công luận đưa ra là: đảng Cộng sản Việt Nam dựa vào đâu để tính ra con số 500 triệu. Cho đến nay, không có một công bố diễn tiến của bất kỳ cuộc điều tra nào hay thẩm định, nghiên cứu khoa học về hậu quả tác hại trên môi trường, con người và thiệt hại kinh tế. Đương nhiên, khi không có điều tra thì cũng không có luôn thủ tục truy tố cũng như một phiên tòa minh bạch để đưa ra phán quyết theo đúng luật pháp. Công chúng chỉ thấy nhà cầm quyền Cộng sản Hà nội vội vã chấp nhận và trưng ra con số 500 triệu bí hiểm. 500 triệu Mỹ kim này chỉ là một con số phản khoa học, phản mọi lý luận luật pháp. Con số 500 triệu này chỉ nêu lên nghi vấn về một sự đồng lõa, đổi chác của những người đưa ra và diễn một màn kịch trước dân tộc Việt cũng như lương tri nhân loại.
Con số 500 triệu Mỹ kim chỉ có một diễn giải thực tế gần sự thật nhất đó là tương đương với 11,500 tỉ đồng tiền Việt hiện hành.
Con số 11,500 tỉ này không thể hiện ở tiền bồi thường cho những ngư dân ở những vùng bị thiệt hại hay không thể hiện được sự tương đương ở vài ký lô gạo mốc được phát chẩn.
Con số 11,500 tỉ này không thấy trong túi, trong cuộc sống của người dân Việt.
Nhưng con số 500 triệu Mỹ kim được gọi là bồi thường lại được thấy rõ ràng nhất với sự kiện được nhà nước Cộng sản công bố mới đây: Formosa đã và sẽ được Tổng Cục Thuế của nhà nước Cộng sản dự kiến miễn thuế, hoàn thuế và không truy thu số thuế lên đến hơn 10,450 tỷ đồng, do bị thiệt hại từ sự kiện cuộc biểu tình trong ngày 13/5/2014! Một cuộc biểu tình có bạo động, do có tổ chức, đã gây nên vụ Nạn Kiều giả tạo sau khi Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển và thềm lục địa Việt Nam. Tóm lại Formosa đã và sẽ nhận khoảng 10,500 tỷ đồng do miễn thuế, bồi hoàn thuế. Tổng số nầy so với 11 ngàn tỷ mà Formosa hứa hẹn bồi thường sau thảm hoạ môi trường đã chỉ ra rõ ràng rằng: Formosa không mất mát gì cả! Trong 500 triệu đôla được gọi là hứa bồi thường có đến 448,5 triệu thật ra không đến từ Formosa, mà đến từ chính tiền thuế của người dân Việt. Nạn nhân của Formosa.
Như vậy, có nghĩa là chính dân tộc Việt phải nuốt trọn độc dược thải ra từ Formosa dưới sự đồng lõa tiếp tay của những người Cộng sản Việt nam.
Làm sao có thể nghĩ khác hơn, khi giữa cơn thảm họa biển Vũng Áng đang diễn ra, tổng bí thư của đảng, Nguyễn Phú Trọng, đã đến thăm nơi này và đưa lời khen ngợi khu công nghiệp Formosa Vũng Áng là một điển hình tiên tiến xã hội chủ nghĩa, đúng chủ trương lớn của đảng và nhà nước. Rồi sau đó ông và những đồng chí của mình hoàn toàn im lặng và thậm chí đã ra lệnh đàn áp, đánh đập những người dân yêu cầu nhà nước cộng sản phải bạch hóa sự thật.
Làm sao có thể kết luận khác hơn chính người Cộng sản Việt nam là thủ phạm tiếp tay với Formosa đầu độc đất nước cho dù họ cố đẩy lỗi lầm cho nguyên bí thư Hà Tĩnh, là ông Võ Kim Cự, đã trực tiếp ký hợp đồng cho Formosa thuê đất tới 70 năm sái luật. Nhưng ông Cự tuyên bố đã việc ký giấy chứng nhận đầu tư cho Formosa là đúng luật, đúng theo Nghị Định 108 và Quyết Định 72 của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Cho dù, ông Dũng đã bước ra khỏi trật tự quyền lực. Nhưng, tất cả, những người có liên quan vừa kể, từ các ông Trọng, Dũng, Cự, Phúc đều là đồng chí trong đảng Cộng sản với nhau. Tất cả, đều là những nhân vật nắm quyền lực trước và sau khi xảy ra vụ cá chết liên quan đến Formosa.
Chỉ với một tập đoàn tư bản tư nhân Đài Loan mà đảng, nhà nước cộng sản Hà Nội còn dễ dàng bị quy phục để bán đứng môi trường sống của dân tộc Việt với giá rẻ mạt như vậy. Thử hỏi: khi đối diện với tập đoàn cầm quyền thống trị đầy quyền lực Bắc Kinh về những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia, thì giá bán sẽ rẻ hơn hay được cho không?
Phan Nhật Nam & Mai Phi-Long/ SBTN