Việt Nam Thời Báo

ASEAN trỗi dậy và Việt Nam 20 năm xin viện trợ (*)

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, sau 20 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam vẫn chấp nhận nằm trong nhóm nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam). Theo bà Lan, đây là một điều đáng tiếc bởi Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để vươn xa hơn nữa…
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. Ảnh: IJAVN

Nội dung nổi bật:

– Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, tầm nhìn của AEC là đưa ASEAN thành khu vực ổn định, thịnh vượng, có tính cạnh tranh cao, cùng với sự phát triển kinh tế công bằng, giảm nghèo, giảm chênh lệch xã hội.

– Dường như doanh nghiệp Việt đang quá chú trọng đến những thị trường lớn như Mỹ, EU… mà bỏ qua ngõ nhỏ là ASEAN, trong khi Việt Nam có điều kiện thuận lợi ở ngay trong thị trường này.

– ASEAN cũng là một khu vực đang trỗi dậy, đầu tư tăng lên với tốc độ phát triển nhanh chóng. Phần trăm của đầu tư đóng góp và GDP cũng như tốc độ tăng trưởng của dòng vốn đầu tư của các nước trong khu vực đều tăng cao qua các năm.

– Theo bà Lan, điều đáng tiếc là sau 20 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam vẫn chấp nhận nằm trong nhóm nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam).


Sáng nay (11/4), Mạng cộng đồng nghề nghiệp Việt Nam Mylink phối hợp với KPMG và Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội tổ chức Tọa đàm CEO NETWORK số 1 với chủ đề “Cộng đồng kinh tế ASEAN: Chiến lược cạnh tranh cho SMEs Việt Nam”.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, khu vực ASEAN nói riêng và thế giới nói chung đều đang thay đổi rất nhanh chóng. Việc hình thành ASEAN đã là cả một quá trình và bản thân ASEAN cũng không ngừng dịch chuyển. Trong giai đoạn 2005-2010, ASEAN vẫn chủ yếu là một liên minh kinh tế dựa trên ưu đãi thuế quan và thúc đầy thương mại tự do.

Thêm chú thích

Bà Lan chia sẻ, tầm nhìn của AEC là đưa ASEAN thành khu vực ổn định, thịnh vượng, có tính cạnh tranh cao, cùng với sự phát triển kinh tế công bằng, giảm nghèo, cũng như chênh lệch xã hội. Một khu vực dịch chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động có kỹ năng cũng như dịch chuyển tự do hơn về vốn.

Theo đó, 4 trụ cột chính của AEC bao gồm: Một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất (tự do hóa thương mại, đầu tư, dịch vụ); một khu vực kinh tế cạnh tranh (chính sách cạnh tranh, bảo việc người tiêu dùng, phát triển cơ sở hạ tầng); sự phát triển kinh tế công bằng; hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.


CEO NETWORK số 1 với chủ đề “Cộng đồng kinh tế ASEAN và Chiến lược cạnh tranh cho SMEs Việt Nam” đã diễn ra sáng ngày 11/4/2015 tại Hà Nội.

Chương trình được Mạng cộng đồng nghề nghiệp Việt Nam Mylink.vn phối hợp cùng Tổ chức phát triển doanh trí Việt Vietfounder, dưới sự phối hợp và bảo trợ của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội đồng tổ chức chuỗi chương trình CEO NETWORK 2015, cùng sự bảo trợ thông tin của Kênh thông tin tài chính CafeF và các cơ quan thông tấn báo chí khác.

Doanh nghiệp Việt đang ham biển lớn mà quên ngõ nhỏ?

Tại hội thảo, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đưa ra 7 đặc điểm nên biết về AEC trước thềm hội nhập (theo kết quả nghiên cứu của McKinsey).

Thứ nhất, 10 thành viên ASEAN cộng lại sẽ là một nền kinh tế lớn (đứng thứ 7 thế giới). Đây là thị trường gần như không thể bỏ qua. Tuy nhiên, dường như doanh nghiệp Việt đang quá chú trọng đến những thị trường lớn như Mỹ, EU… mà bỏ qua ngõ nhỏ là ASEAN, trong khi Việt Nam có điều kiện thuận lợi ở ngay trong thị trường này.

Thứ 2, AEC không phải là 1 thị trường đơn nhất, mà rất đa dạng. Trong đó, Singapore là nước phát triển cao nhất, sau đó đến nhóm Malaysia, Thái Lan, Indonesia đến nhóm CLMV. Trong ASEAN có các nước hồi giáo như Indonesia, Malasia… Nếu biết tận dụng tốt những đặc điểm này thì sẽ có chiến lược phát triển và cạnh tranh phù hợp.

Thứ 3, Các nước ASEAN có nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc cho tăng trưởng. Trong đó, những nền kinh tế nhỏ (như Lào, Campuchia thuộc nhóm CLMV) cũng có mức độ tăng trưởng cao.

Thứ 4, AEC là 1 khu vực tiêu dùng có nhu cầu tăng cao. Đối với một quốc gia sản xuất hàng tiêu dùng lớn, đây sẽ là một lợi thế lớn cho Việt Nam khi gia nhập AEC.

Thứ 5, AEC xác lập vị thế tốt trong thương mại toàn cầu.

Thứ 6, Giao dịch nội vùng của ASEAN sẽ phát triển sâu rộng khi thực hiện AEC, nhưng có thể sẽ không đồng đều giữa các khu vực: thương mại, dịch vụ, đầu tư.

Thứ 7, AEC là cứ điểm của nhiều công ty có sức cạnh tranh quốc tế. Bản thân các nước ASEAN đã hình thành được những công ty mạnh có sức cạnh tranh toàn cầu.

Khu vực ASEAN đang trỗi dậy

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, ASEAN thực sự là một khu vực đang trỗi dậy, đầu tư tăng lên với tốc độ phát triển nhanh chóng. Phần trăm của đầu tư đóng góp và GDP cũng như tốc độ tăng trưởng của dòng vốn đầu tư của các nước trong khu vực đều tăng cao qua các năm.

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế vĩ mô của khu vực này khá tốt. Tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ càng được thúc đẩy bởi chỉ số tin dùng tăng lên và khoản nợ giảm dần.

Thị trường ASEAN có tiềm năng lớn về tiêu thụ trong nước. Trong giai đoạn từ 2000-2011, tiêu thụ trong nước đóng góp tới 67%; 55%; 63% và 73% vào GDP của các nước tương ứng Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.

Yếu tố dân số và năng suất lao động cũng là một trong những yếu tố thuận của ASEAN. Mặc dù vậy, trong so sánh tương quan với Trung Quốc, lương thực tế của khu vực ASEAN vẫn thấp hơn.

Việt Nam cứ đi xin viện trợ mãi sao?


Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, sau 20 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam vẫn chấp nhận nằm trong nhóm nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam). Theo bà Lan, đây là một điều đáng tiếc bởi Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để vươn xa hơn nữa.

“Chúng ta cứ đi xin viện trợ mãi sao? Nếu chỉ dựa vào sự hỗ trợ từ bên ngoài thì Việt Nam sẽ không thể vươn lên được” – bà Lan lo ngại.

Trong giai đoạn 2005-2012, ASEAN chiếm khoảng 18% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hàng thô, ít giá trị gia tăng, trong khi đó lại nhập khẩu hàng hóa có hàm lượng giá trị gia tăng cao.

Thời gian gần đây có một lượng lớn doanh nghiệp ASEAN thâm nhập thị trường Việt Nam ở cả thương mại và đầu tư. Điều này sẽ dẫn đến những nhóm bị tổn thương nhiều hơn. Bà Lan dẫn chứng, doanh nghiệp Thái Lan mua Metro sẽ đe dọa khả năng hàng Thái tràn ngập thị trường Việt Nam. Hay như mặt hàng nông sản của Việt Nam trước sức ép từ AEC, TPP…

Bà Lan nhận định, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) hầu như chưa được chuẩn bị những vũ khí cần thiết cho hội nhập. Doanh nghiệp đang điều chỉnh nhiều hơn là chủ động tận dụng, nắm bắt cơ hội. Trong khi đó, đã xuất hiện rào cản từ thị trường các nước khác đối với hàng hóa Việt Nam.

“Việt Nam sẵn sàng mở toang cửa cho người nước ngoài, nhưng lại chưa có các quy chuẩn, rào cản bắt buộc. Chúng ta chưa kiểm soát tốt FDI, gây bất bình đẳng với doanh nhiệp trong nước. Doanh nghiệp FDI được nhận rất nhiều ưu đãi, trong khi doanh nghiệp trong nước bị gây khó nhiều hơn. Con số doanh nghiệp đóng cửa là thật nhưng số thành lập mới vẫn chưa chắc chắn” – bà Lan chia sẻ.

Trên cơ sở đó, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đưa ra những giải pháp chung cho quản lý nhà nước cần nắm chắc các cam kết để thực thi cho đúng (tránh bị kiện và trừng phạt), đồng thời tận dụng được cơ hội và vượt qua thách thức. Đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng khả năng kết nối thuận lợi, tạo điều kiện thu hút đầu tư.

Cùng với đó, Nhà nước và doanh nghiệp cần coi trọng đào tạo nguồn nhân lực; đổi mới cơ chế và nâng cao năng lực quản trị các cấp; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Chiến lược tăng trưởng thực chất phải là chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh. Nếu tăng GDP bằng cách thu hút đầu tư nước ngoài thì cũng không giúp tăng năng lực cạnh tranh cho Việt Nam. Doanh nghiệp Việt cần tạo văn hóa “đường xa” để có thể đi được trên “đường dài”. Càng hộp nhập thì càng đòi hỏi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cao hơn. Phải tiến hành sớm những dự báo và phân tích thị trường, các vấn đề về pháp lý, đầu tư kỹ năng và kiến thức cần thiết. Thất bại là cơ hội để bắt đầu một cách thông minh hơn” – bà Lan kết luận.

Theo Nguyệt Quế/ Tri Thức trẻ

(*) Tiêu đề do VNTB đặt lại
(*) Việt Nam cứ đi xin viện trợ mãi sao?

Tin bài liên quan:

Thêm một định chế tài chính sắp ngưng cấp ODA cho Việt Nam

Phan Thanh Hung

VNTB – Quảng Nam: Nơi hội tụ đầy đủ mặt trái của thể chế Việt Nam

Phan Thanh Hung

VNTB – Biếm họa Chủ nhật: ĐH XII, ODA, nợ công number one

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo