Người Việt
Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy sẽ ra tòa phúc thẩm vào ngày 22 tháng 9 năm 2016 tới đây, theo thông báo tòa án thành phố Hà Nội. Luật Sư Hà Huy Sơn, luật sư biện hộ cho ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy phổ biến bản thông báo của tòa án thành phố Hà Nội gửi ông về phiên tòa phúc thẩm sắp diễn ra.
Nhiều người đứng trước tòa án Hà Nội đòi trả tự do cho ông Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy hôm 23 tháng 3, 2016 khi họ bị lôi ra tòa sơ thẩm kết án tù. (Hình: Getty Images) |
Luật Sư Hà Huy Sơn từng biện hộ cho ông Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy trong phiên tòa sơ thẩm ngày 23 tháng 3, 2016. Ông đã yêu cầu tòa trả tự do cho cả hai người vì những vi phạm thủ tục tố tụng hình sự của hệ thống tư pháp và công an CSVN từ bắt giữ cũng như truy tố.
Bất chấp các lời chứng minh của các luật sư bào chữa cho thấy hệ thống tư pháp và công an vi phạm pháp luật khi bắt giữ, những gì được ông phổ biến trên mạng chỉ là biểu hiện của quyền tự do ngôn luận, ông Nguyễn Hữu Vinh đã bị kết án 5 năm tù và bà Nguyễn Thị Minh Thúy 3 năm tù, vì bị vu cho tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” theo Điều 258, bộ luật hình sự của chế độ.
Điều luật này và một số điều nữa bị các tổ chức nhân quyền quốc tế tố cáo là trái với chính bản hiến pháp của chế độ cũng như trái với Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị mà Việt Nam đặt bút ký cam kết tuân hành.
Trên nguyên tắc, phiên tòa phúc thẩm phải diễn ra trong vòng 45 ngày sau phiên tòa sơ thẩm, nhưng nay đã gần 6 tháng mới thông báo xử phúc thẩm.
Ông Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy bị “bắt khẩn cấp” ngày 5 tháng 5, 2014, bị cáo buộc tội đăng tải 24 bài báo “sai phạm” trên 2 trang Dân Quyền và Chép Sử Việt nhằm “bôi nhọ, xuyên tạc đường lối, chính sách của đảng và nhà nước…”
Tuy cơ quan điều tra hoàn tất bản kết luận điều tra vụ án này vào ngày 30 tháng 10, 2014 nhưng sau hơn 22 tháng giam giữ ông Vinh và bà Thúy, tòa án Hà Nội mới đưa vụ án đem ra xét xử cấp sơ thẩm, cho thấy tính cách co giãn rất tùy tiện của hệ thống tư pháp CSVN xử án chính trị theo chỉ thị “ở trên,” và bản án được gọi là bản án “bỏ túi.”
“Trong vụ án này thì ngoài điều tra bổ sung đến 4 lần và trong vụ án này có những sai phạm Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự từ cái khâu bắt giữ khẩn cấp, bởi vì ông Vinh và bà Thúy không phạm tội thuộc trường hợp theo quy định tại Điều 81, 82 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự mà bắt khẩn cấp ông Vinh và bà Thúy. Về thời gian giam giữ ông Vinh và bà Thúy thì vi phạm nhiều về pháp luật, tức là [trong quá trình] giam giữ có nhiều giai đoạn không có căn cứ pháp luật để mà giam giữ. Trong vụ án này có đến ba lần điều tra bổ sung để nhằm xác định vấn đề ông Vinh có phải là đảng viên hay không, thì vi phạm vào Điều 5 của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự quy định về mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, nghĩa là không phân biệt người đó thuộc thành phần tôn giáo, hay thành phần xã hội, hay nói tóm lại là không phân biệt người đó thuộc đảng viên hay không đảng viên. Thực tế vụ án này có vi phạm luật trong quá trình điều tra.” Luật Sư Hà Huy Sơn nói với trang thông tin mạng “Tin Mừng Cho Người Nghèo” trước khi có phiên tòa sơ thẩm. Và đây cũng là những căn cứ để ông đòi tòa án trả tự do cho các thân chủ nhưng đã bị lờ đi.
Khi đến thăm viếng Việt Nam, tin cho hay, hôm 7 tháng 9, 2016, Tổng Thống Pháp Francois Hollande đã kêu gọi Hà Nội trả tự do cho một số tù chính trị trong đó có ông Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Blogger Trần Huỳnh Duy Thức.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức, bị bắt ngày 24 tháng 5, 2009, từng bị kêu án 16 năm tù vì bị vu cho tội “âm mưu lật đổ” cùng một vụ với Luật Sư Lê Công Định và thạc sĩ tin học Nguyễn Tiến Trung. Cả hai ông Định và Trung có bản án nhẹ hơn, đều đã được trả tự do trước thời hạn theo áp lực của các chính phủ Tây phương, chỉ còn ông Thức là vẫn bị giam.
Trong hai ngày thăm viếng của ông Hollande, Pháp và Việt Nam ký một số hợp đồng thương mại, đặc biệt là hợp đồng cung cấp 40 máy bay Airbus cho ba hãng hàng không của Việt Nam tổng cộng khoảng $ 6.5 tỷ.
Trước khi ông Hollande đến Việt Nam, ba tổ chức nhân quyền tại Pháp cũng đã gửi một bức thư ngỏ kêu gọi ông đặt vấn đề nhân quyền với nhà cầm quyền Việt Nam. Hôm 6 tháng 9, Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế cũng thúc giục ông đừng vì lợi lộc kinh tế mà bỏ quên nhân quyền.