Thảo Vy
* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB
Ông Phạm Văn Lình, hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Cần Thơ, phát biểu tại cuộc làm việc của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ – Ảnh: V.Trường (TTO) |
Ngày 25-9 tại TP Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã họp với ban giám hiệu Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Bộ Giáo dục – Đào tạo và báo Tuổi Trẻ để trao đổi, làm rõ thêm vấn đề đào tạo bác sĩ cử tuyển mà báo Tuổi Trẻ phản ánh trên các số báo ngày 22, 23 và 24-9.
Vấn đề đặt ra tại cuộc họp này là “Bác sĩ cử tuyển, nên cử ai?”. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của luật định liên quan đến vấn đề này, cho thấy lẽ ra vấn đề phải là “Vì sao lại xé rào trong đào tạo bác sĩ cử tuyển?”.
Lý do: Cho đến nay, Chính phủ mới đồng ý đào tạo bác sĩ cử tuyển đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trường hợp đó là tỉnh thuộc “vùng khó khăn, vùng núi” (Điều 1.2.a Quyết định 1544/QĐ-TTg năm 2007 phê duyệt “Đề án đào tạo nhân lực y tế cho vùng khó khăn, vùng núi của các tỉnh thuộc miền Bắc và miền trung, vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng Tây Nguyên theo chế độ cử tuyển” do Thủ tướng Chính phủ ban hành).
Thế nào là vùng khó khăn?
Quyết định 1544/QĐ-TTg, cho biết trong thời gian từ năm 2007 đến năm 2018, tổ chức đào tạo theo chế độ cử tuyển 06 khoá đào tạo bác sĩ đa khoa hệ tập trung 06 năm, với chỉ tiêu 840 bác sĩ cho “vùng khó khăn, vùng núi” cho ĐBSCL.
Theo tìm hiểu của báo Tuổi Trẻ, phần lớn trong số gần 1.000 sinh viên hệ cử tuyển đã và đang học tại Trường ĐH Y dược Cần Thơ có học lực năm lớp 12 chỉ đạt loại trung bình hoặc khá. Các sinh viên này ở các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Đồng Nai, Trà Vinh, Vĩnh Long, Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu.
Như vậy, nếu căn cứ Quyết định 1049/QĐ-TTg năm 2014 về Danh mục đơn vị hành chính thuộc “vùng khó khăn” do Thủ tướng Chính phủ ban hành, thì trong việc cử tuyển của các tỉnh là phù hợp.
Cử tuyển sai đối tượng?
Quyết định 1544/QĐ-TTg năm 2007 cho biết phạm vi Đề án được thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 134/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các quy định liên quan hiện hành. Thời gian thực hiện Đề án bắt đầu từ năm 2007 đến năm 2018.
Theo Nghị định 134/2006/NĐ-CP, chỉ cử tuyển sinh viên ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn từ 5 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh.
Trong các văn bản liên quan quy định về “vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn” (Quyết định số 106/2004/QĐ-TTg, Quyết định số 163/2006/QĐ-TTg, Quyết định số 164/2006/QĐ-TTg, Quyết định số 113/2007/QĐ-TTg, Quyết định 539/2013/QĐ-TTg), thì không thể xác định được xã, huyện nào ở Trà Vinh, Vĩnh Long, Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu là “khó khăn từ 5 năm liên tục”.
Tham nhũng chính sách?
Ghi nhận của báo Tuổi Trẻ, tại ĐH Y Dược Cần Thơ, trong số 42 sinh viên cử tuyển năm học 2006-2007 có tới 28 người xếp loại trung bình và 12 người loại khá. Năm học 2009-2010 trường nhận 102 sinh viên thì có 43 trung bình và 47 khá. Còn năm học 2010-2011 có tới 55 khá, 28 trung bình trong tổng số 99 người được cử đi học.
Bắt đầu đào tạo cử tuyển từ năm 2006, đến nay đã có hai khóa đầu tiên của Trường ĐH Y dược Cần Thơ tốt nghiệp ra trường.
Khóa đầu tiên có 39 sinh viên y đa khoa, trong đó có 34 người tốt nghiệp, 4 người vẫn phải học tiếp năm thứ 7 vì không đủ điều kiện tốt nghiệp, 1 người bị buộc thôi học. Thế nhưng cũng chỉ có sáu người tốt nghiệp loại khá, còn lại là trung bình và trung bình khá.
Khóa thứ hai có 28 sinh viên y đa khoa nhưng mới có 14 người tốt nghiệp ra trường, 14 người phải học tiếp năm thứ 7 vì không đủ điều kiện tốt nghiệp. Chỉ duy nhất một người tốt nghiệp loại khá, còn lại là trung bình và trung bình khá.
Như vậy liệu có vấn đề lợi ích nhóm gì ở đây khi Đề án liên quan về “bác sĩ cử tuyển” được Chính phủ phê duyệt vào tháng 11-2007 (Quyết định 1544/QĐ-TTg), nhưng thực tế lại được thực hiện từ tháng 9-2006?.
Nghị định số 134/2006/NĐ-CP buộc đối tượng xét chọn cử tuyển phải có học lực năm cuối cấp được xếp loại từ khá trở lên. Thế nhưng thông tin của báo Tuổi Trẻ, thì phần lớn trong số gần 1.000 sinh viên hệ cử tuyển đã và đang học tại ĐH Y dược Cần Thơ có học lực năm lớp 12 chỉ đạt loại trung bình.
Nguy hiểm hơn, báo Tuổi Trẻ dẫn lời bà Sơn Thị Ánh Hồng, phó bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh – là người trực tiếp tuyển chọn sinh viên cử tuyển những năm trước đây, cho biết: Khi chọn sinh viên đi học bác sĩ hệ cử tuyển thì tỉnh rất quan tâm chất lượng đầu vào. Chỉ con em gia đình chính sách mới được ưu tiên nên học lực trung bình vẫn được chọn.
Với chuyện “bác sĩ cử tuyển”, liệu có quá lời khi nhận định rằng tham nhũng tiền bạc, vật chất dù hàng trăm, hàng nghìn tỷ cũng chỉ là tham nhũng “vặt” so với tham nhũng chính sách?
Bởi ở nội dung Quyết định 2054/QĐ-TTg năm 2013, về phê duyệt danh mục Dự án “Giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế” vay vốn Ngân hàng Thế giới do Thủ tướng Chính phủ ban hành, phần nhân lực đào tạo nhận được khoản tiền 63 triệu USD; sử dụng nhân lực y tế 12 triệu USD; và 41 triệu USD dành cho đội ngũ cán bộ y tế huyện, xã. (Riêng phần “quản lý Dự án”, nhận đến 5 triệu USD).
Xin đừng tiếp tục mang tính mạng của người dân nghèo ra đặt cược cho chuyện chất lượng của “bác sĩ cử tuyển”.