Việt Nam Thời Báo

“Báo chí cách mạng” có nên dùng những tay viết như Đại Anh – phóng viên Petro Times?

Cựu chiến binh – Luật sư Cao Xuân Bái
Lối tư duy bệnh hoạn, lệch lạc, lối viết thiếu văn hóa, thiếu kiến thức pháp luật, thiếu đạo đức nghề nghiệp là tất cả những nét, những “phẩm chất” hội đủ của Phóng viên Đại Anh, một PV  báo chí cách mạng, tờPetro Times.
Chỉ cần đọc cái tựa đề “Quốc hội không phải là phường chèo” đã thấy được cái “đại láo” của PV Đại Anh. Trong ngôn ngữ dân gian Việt Nam, hai từ “phường chèo” ngoài ý nghĩa để chỉ các gánh chèo (thường là nhỏ lẻ, hoạt động tự phát) còn có một dụng ý khác là chê cười, giễu cợt (ví dụ như câu: Cứ như thể phường chèo). Tuy nhiên cụm từ này chỉ được dùng nhiều ở thời phong kiến. Ngày nay, khi bộ môn nghệ thuật chèo đã trở thành một di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, thì những người có học, có đạo đức, có kiến thức chung về xã hội không còn dùng nữa. Các nghệ sỹ của bộ môn chèo cần phải được tôn vinh đúng với giá trị của nó.
Ngoài nghệ sỹ Vượng Râu bị bôi nhọ, còn có Tiến sỹ Nguyễn Quang A, Luật sư Lê Văn Luân. Học vị tiến sỹ hay luật sư đều phải do các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ta hay nước ngoài công nhận. Nó là sự thật. Nó là đương nhiên và chẳng có gì là “mỹ miều” như lối nói mang tính ghen ăn, tức ở của phóng viên Đại Anh.
Nghiêm trọng hơn là hành vi vu khống các công dân ứng cử đại biểu Quốc hội. Trong bài viết của mình, Đại Anh quy kết rằng “có bàn tay của tổ chức phản động Việt Tân đứng sau nhằm phá hoại cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV”. Bạn đọc đặt ra câu hỏi : Phải chăng Đại Anh vừa là phóng viên báo chí, vừa là nhân viên an ninh “chìm” ? Bởi một lý do rất dễ hiểu. Khi cơ quan an ninh Việt Nam chưa công bố bất cứ một tài liệu nào về việc Việt Tân đứng sau lưng các vị ứng cử đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang A, Lê Văn Luân, Nguyễn Công Vượng thì chỉ có nhân viên an ninh “chìm” mới có thể có được loại tài liệu này. Như vậy “nhân viên an ninh kiêm nhiệm” Đại Anh đã phạm vào tội “Làm lộ bí mật công tác” được quy định tại Điều 286 Bộ luật hình sự 1999 (Điều 361 Bộ luật HS 2015). Nếu không phải là “nhân viên an ninh kiêm nhiệm” thì PV Đại Anh đã phạm tội vu khống, được quy định tại Điều 122 Bộ luật HS 1999 (Điều 156 Bộ luật HS 2015).
Khoản 4, Điều 5, Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 của Chính phủ quy định “Không được đăng, phát tin bài ảnh hưởng xấu đến đời tư, công bố tài liệu, thư riêng của cá nhân khi chưa được sự đồng ý của người viết thư, người nhận thư hoặc người chủ sở hữu hợp pháp tài liệu, bức thư đó …”.
Bạn đọc thật sự ái ngại và cảm thấy thương xót nghệ sỹ Vượng Râu, ứng cử viên đại biểu Quốc hội trước những lời trì chiết cay nghiệt của một phóng viên Nhà nước. Không rõ kiếp trước có gây thù, chuốc oán gì với Đại Anh không mà kiếp này Vượng Râu lãnh đủ.
“Quốc hội không phải là phường chèo” còn phảng phất, thoang thoảng mùi nịnh nọt. Nhưng nịnh ai? Nịnh Đảng, nịnh Nhà nước hay nịnh Tổng biên tập? Lịch sử Việt Nam và thế giới đã chứng minh rằng kẻ xu nịnh luôn luôn đồng lõa và đồng nghĩa với kẻ phá hoại. Bởi kẻ xu nịnh thường rất yếu kém về năng lực (hay còn gọi là ngu dốt). Cố Tổng bí thư Lê Duẩn đã đúc rút một công thức để đời: Nhiệt tình + Ngu dốt = Phá phách. Trong trường hợp này, “người được nịnh” bất kể là ai cũng nên thẳng tay loại bỏ kẻ nịnh mình!
Trong kho tàng truyện cổ tích dân gian Việt Nam có câu chuyện thế này: Ngày xửa ngày xưa có một ông vua nọ, do “thiếu kiềm chế” nên đã để thoát khỏi vòng kiểm soát một… trung tiện (có nơi gọi là đánh rắm, đánh địt tùy theo từng vùng, miền). Nhận thấy “hành vi” của mình là mất lịch sự, vị vua tỏ thái độ bối rối, e thẹn, ngượng ngùng và như tỏ ý muốn nói lời xin lỗi. “Chớp cơ hội vàng”, một thần dân nhanh nhảu:
– Thưa bệ hạ, thần thấy thơm lắm ạ!
Nét âu lo xuất hiện trên khuôn mặt, vị vua nói:
– Xưa nay trung tiện phải ngửi thấy mùi thối thì sức khỏe mới tốt, mới bình thường. Nay trung tiện của trẫm lại có mùi thơm, ta e rằng không còn hưởng dương được bao lâu nữa!
Cái “tài” của vị quan lại dưới quyền một lần nữa xuất hiện, ông ta vội vã:
– Thưa bệ hạ, bây giờ thần ngửi thấy mùi rồi ạ, thối lắm, thối chịu hết nổi…
Báo chí cách mạng có “cách mạng” hay “phản cách mạng” một phần trách nhiệm không nhỏ thuộc về người cầm cân, nảy mực. Với tờ Petro Times trách nhiệm này thuộc về Tổng biên tập Nguyễn Như Phong. Bạn đọc biết đến Nguyễn Như Phong có lẽ chủ yếu ở giai đoạn ông công tác tại An ninh thế giới. Công bằng mà nói, ông là một cây viết có tài. Nhiều phóng sự của ông được độc giả tán thưởng, hoan nghênh. Một trong số đó là phóng sự “Một chặng đường Nam Mỹ”. Khi về đầu quân cho Petro Times, danh tiếng, uy tín và tài năng của ông cũng “ít nhiều vơi đi”. Mà nguyên nhân vơi giảm có lẽ phải kể đến lý do vì dưới trướng ông còn tồn tại những thần dân như Đại Anh. Nếu so sánh hai vị trí công tác là “suất phóng viên đơn thuần” và “suất lãnh đạo” thì Nguyễn Như Phong “bén duyên” hơn khi làm phóng viên “tự do”.
Người có tâm huyết, có tài ứng cử vào Quốc hội theo Hiến pháp và pháp luật thì bị kẻ bệnh hoạn vu khống, bôi nhọ. Không biết ai đó đã nói một câu rất hay: “Trong thế giới người gù, người thẳng lưng bị coi là dị dạng”.
C.X.B.
Tác giả gửi BVN

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo