Vietstock
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã dội một gáo nước lạnh vào CTCP – TCT Phú Tài (HOSE: PTB) của Việt Nam, vốn sản xuất đồ nội thất cho các cửa hàng Wal-Mart, theo Bloomberg.
Từ việc áp đặt hệ thống thuế biên giới (border tax) cho tới thuế suất cao hơn, việc khởi động lại mối quan hệ thương mại của Mỹ đang đẩy nền kinh tế Việt Nam rơi vào tình thế khó khăn. Phú Tài có 40% doanh số xuất phát từ Mỹ.
Nguyễn Sỹ Hòe, Phó Tổng Giám đốc CTCP Phú Tài, cho hay: “Nếu lập trường bảo hộ thương mại trỗi dậy ở Mỹ thì điều này sẽ tác động tiêu cực đến các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu như Việt Nam. Chính phủ cần phải giúp đỡ các công ty”.
Việt Nam bán 20% hàng xuất khẩu cho Mỹ, là một trong vài quốc gia châu Á có Mỹ là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn hơn Trung Quốc. Dù vậy, 32 tỷ USD thặng dư trong cán cân thương mại với Mỹ đã đẩy Việt Nam rơi vào tầm ngắm của Nhà Trắng sau khi Donald Trump yêu cầu nghiên cứu để xác định bất kỳ sự “lạm dụng thương mại” làm gia tăng thâm hụt giao thương của Mỹ.
Ông Trump cũng tuyên bố ủng hộ một hệ thống thuế điều chỉnh theo biên giới để khuyến khích hoạt động sản xuất hàng hóa ở Mỹ và giảm bớt các động lực để các công ty Mỹ chuyển ra nước ngoài.
Trong báo cáo tháng 1/2017, các nhà phân tích tại Credit Suisse Group AG là Santitarn Sathirathai và Michael Wan cho biết, thuế suất cao hơn đánh trên các nhà nhập khẩu ở Mỹ sẽ tác động tiêu cực đến Việt Nam nhiều hơn mọi quốc gia châu Á nào, cụ thể làm giảm gần 0.9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam.
“Nếu Mỹ tạo ra làn sóng bảo hộ thương mại thì kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động vô cùng nặng nề”, Alexsander Vuving, Chuyên gia phân tích chính trị Việt Nam tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương (ACSS) ở Hawaii, nhận định.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Wilbur Ross, cho biết Mỹ sẽ điều tra kỹ lưỡng các quốc gia nào có thâm hụt thương mại song phương lớn nhất để đánh giá xem họ đã bị tác động bởi “hành vi không phù hợp” như thế nào.
Đây là một quan điểm đáng báo động cho Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết rằng các chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ có thể gây tổn thương đến nền kinh tế Việt Nam và dẫn tới sự suy yếu trong kim ngạch xuất khẩu cũng như hoạt động đầu tư nước ngoài.
Các tập đoàn Samsung, Intel
Các lời tuyên bố trên diễn ra trong một thời điểm không thích hợp dành cho một quốc gia nơi các ông lớn công nghệ nước ngoài như Samsung Electronics, Intel và LG Display đã thiết lập các cửa hàng của mình. Các tập đoàn này đã chuyển các nhà máy từ Trung Quốc đến Việt Nam trong những năm gần đây vì chi phí ngày càng gia tăng và lực lượng lao động bị thu hẹp ở Trung Quốc.
Kể từ khi đưa ra kế hoạch cải cách theo định hướng thị trường mang tên “Đổi mới” trong thập niên 80. Việt Nam ngày càng gắn bó với thương mại toàn cầu, chuyển mình từ nền kinh tế nông nghiệp sang một trung tâm sản xuất mọi thứ từ giày dép cho đến điện thoại thông minh.
Kim ngạch xuất khẩu vọt lên mức kỷ lục 177 tỷ USD trong năm 2016; trong đó giao thương với Mỹ chiếm tới 42 tỷ USD, gấp đôi so với thời điểm 5 năm trước. Điện thoại di động và các phụ tùng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 27%.
Các số liệu thống kê GDP mới nhất cho thấy Việt Nam lệ thuộc vào hoạt động thương mại nhiều đến mức nào. Quyết định hủy sản xuất điện thoại thông minh Samsung Note 7 của Samsung hồi năm ngoái đã châm ngòi cho đà sụt giảm 11% trong hoạt động vận chuyển điện thoại và các phụ tùng trong suốt quý 1/2017, Tổng Cục Thống kê Việt Nam cho biết.
Điều này đã góp phần giảm tăng trưởng kinh tế còn 5.1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn ước tính trung bình 6.25% của các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Bloomberg.
Chính phủ Việt Nam đang nhắm tới mức tăng trưởng kinh tế 6.7% trong năm nay.
Tiếp tục cập nhật…