Kính Hòa, phóng viên RFA
2016-07-18
Cảnh sát giải tán người biểu tình trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội vào ngày 9 tháng 12 năm 2012.
Trong hai ngày 24 và 25 tháng Năm năm 2016, ông Nguyễn Hồng Điệp, trưởng Ban tiếp dân trung ương bị một nhóm dân chúng bao vây tấn công gây thương tích ngay tại trụ sở của Ban tiếp dân trung ương ở Hà nội.
Một số nhà quan sát trong và ngoài nước có ý kiến về việc sử dụng bạo lực của dân chúng cũng nhưng tình trạng pháp luật tại Việt Nam.
Chuyện dân chúng dùng bạo lực chống lại cơ quan công quyền tại Việt Nam là không mới. Vào năm 2013, dân tại xã Kim Bôi của tỉnh Hòa Bình bắt trói năm nhân viên công an để làm áp lực lên chính quyền giải quyết chuyện đãi vàng trái phép gây ô nhiễm trong địa phương. Điều trớ trêu là năm nhân viên công an này được điều đến để giải quyết chuyện đãi vàng.
Đầu tháng bảy năm 2016, dân chúng khu vực Cồn Sẻ tỉnh Quảng Bình biểu tình chống ô nhiễm môi trường, đã tấn công lực lượng công an. Và nổi tiếng nhất có lẽ là câu chuyện ông Đoàn Văn Vươn dùng súng tự chế tạo bắn vào lực lượng cưỡng chế đất đai.
Một xã hội bạo lực đang thắng thế và cái sự thắng thế này nó bắt đầu từ chính quyền. Chính quyền sử dụng bạo lực với dân, chính quyền đạp lên pháp luật.
– Nhà văn Phạm Đình Trọng
Bên cạnh việc dùng vũ lực chống chính quyền, dân chúng cũng có khuynh hướng dùng vũ lực với nhau, hoặc là dùng vũ lực để giải quyết những chuyện mà đáng ra pháp luật phải làm. Chẳng hạn như đánh và giết những người trộm vặt, hay chủ nhà trọ ngăn chận không cho công nhân đi làm tại vì công nhân không ở nhà trọ của họ. Nếu căn cứ theo pháp luật của Việt Nam thì những hành động này đều phạm pháp.
Nhà văn Phạm Đình Trọng đưa ra lý do của việc dân chúng sử dụng bạo lực:
“Cái này nó báo động một sự việc nghiêm trọng, đó là một xã hội bạo lực. Một xã hội bạo lực đang thắng thế và cái sự thắng thế này nó bắt đầu từ chính quyền. Chính quyền sử dụng bạo lực với dân, chính quyền đạp lên pháp luật. Pháp luật đó không có tác dụng, bây giờ người ta noi gương chính quyền mà sử dụng bạo lực. Chính quyền dùng bạo lực với dân quá phổ biến và trở thành bình thường. Việc đó trở thành một khuôn mẫu ứng xử của xã hội thì bây giờ người dân người ta cũng ứng xử như thế thôi.”
Quan niệm về pháp luật và sử dụng bạo lực
Lực lượng công an và an ninh vốn rất được coi trọng trong thể chế chính trị cộng sản, và người đặt nền móng cho thể chế này là Lenin có nói rằng phải thực hiện một nhà nước dùi cui để trấn áp các kẻ thù giai cấp của đảng cộng sản.
Theo một thống kê chưa chính thức thì ngân sách của lực lượng an ninh bên Trung Quốc dùng để trấn áp các phản kháng trong nội địa lớn hơn ngân sách của quân đội, lực lượng dùng để bảo vệ đất nước.
Theo các nghiên cứu được thực hiện tại phần Đông Đức sau khi chế độ cộng sản sụp đổ thì có đến 1 trên tám người dân Đông Đức có làm việc dù ít hay nhiều với lực lượng an ninh nước này.
Lực lượng an ninh, công an tại Việt Nam, như mô hình các quốc gia cộng sản khác cũng rất hùng hậu. Sau đại hội toàn quốc vừa qua của đảng cộng cộng sản, rất nhiều vị tướng công an được nắm giữ nhiều quyền lực trong bộ máy chóp bu là Bộ chính trị. Ngoài ra cơ quan công an còn sử dụng một lực lượng có tổ chức rất đông đúc như dân phòng, trật tự, thanh niên xung phong,… thậm chí cả thành phần tội phạm vào công việc trấn áp các lực lượng đối lập. Các lực lượng này đôi khi được các cơ quan tuyên truyền của đảng cầm quyền gọi là lực lượng quần chúng.
Ông Bùi Thanh Hiếu, tức blogger Người Buôn Gió, cho biết là trong những vụ đàn áp, các cơ quan an ninh tỉnh sử dụng các lực lượng đoàn viên thanh niên, còn cấp thấp hơn thì sử dụng nhóm người côn đồ và tội phạm.
Nhiều nhà quan sát tin rằng việc sử dụng lực lượng tội phạm để đàn áp các phong trào đối kháng là có thật, nhưng cơ quan chức năng luôn phủ nhận điều này, và theo ông Phil Robertson, Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế nói với đài RFA rằng rất khó chứng minh cho điều này.
Viễn cảnh một quốc gia không có pháp luật
Trong một lần trao đổi với chúng tôi, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng tại Sài Gòn có nói rằng điều trớ trêu là với một lực lượng công an và an ninh hùng hậu, nhưng tình trạng tội phạm tại Thành phố Sài Gòn không giảm đi, mà đôi khi lại phải dựa vào các “Hiệp sĩ đường phố” tình nguyện truy quét tội phạm.
Ông Bùi Thanh Hiếu nói về cái cách mà cơ quan công an trả công những lực lượng mà cơ quan này dùng để trấn áp những hoạt động đối kháng ôn hòa, theo đó những hoạt động tội phạm sẽ được dung dưỡng.
“Các đoàn viên thanh niên hăng hái mà cấp công an thành phố dùng (nhờ) thì sẽ được ghi vào là có thành tích bảo vệ đảng, thành tích thế này, thành tích thế kia. Còn bọn ở cấp dưới, bọn lưu manh giang hồ mà công an phường nhờ vả, thì nếu có hoạt động gì trong địa bàn chẳng hạn như cờ bạc thì sẽ được làm ngơ.”
Nói về tình trạng bất chấp pháp luật đó, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đánh giá rằng nó nguy hiểm, báo hiệu rằng lòng tin trong dân chúng đã mất, tuy nhiên ông cho rằng tình trạng hiện tại vẫn chưa phải là một thay đổi gì lớn:
“Cái mà dân gian vẫn nói là quân hồi vô phèng, hiện nay đã lẻ tẻ nhìn thấy nhưng chưa phải là ở một tình trạng đêm trước của một đổi thay gì cả, tôi chưa thấy cái điều ấy. Nếu nhìn vào người dân thì đại đa số vẫn không phản ứng gì cả, vẫn lặng lẽ mà thôi. Còn khi đã có cái hiện tượng ấy, thì tình trạng nó còn tệ hơn, nhưng hiện nay chưa đến mức ấy. Nhưng cái niềm tin thì người dân coi như đã thiếu một cách trầm trọng rồi.”
Giáo sư Huệ Chi là một trong những người thành lập trang Bauxite Việt Nam nêu lên những tiếng nói phản biện của trí thức trong nước về những vấn đề kinh tế xã hội và chính trị.
Các đoàn viên thanh niên hăng hái mà cấp công an thành phố dùng (nhờ) thì sẽ được ghi vào là có thành tích bảo vệ đảng, thành tích thế này, thành tích thế kia.
– Ông Bùi Thanh Hiếu
Trong sự kiện có đổ máu tại Cồn Sẻ, Linh Mục Hoàng Anh Ngợi, trong bài trả lời đài RFA cũng cho rằng nguyên nhân của việc đụng độ đầy bạo lực giữa dân chúng và công an cũng là do sự thiếu niềm tin.
“Chính quyền có yêu cầu về ủy ban xã để gặp, nhưng dân nói bây giờ không tin gì vào sự gặp gỡ nên họ không về. Chính quyền bảo nếu vậy thì về nhà thờ; dân cũng nói bây giờ không tin gì vào lời giải thích của chính quyền nữa.”
Trong một lần trao đổi với chúng tôi, nhà bất đồng chính kiến Hà Sĩ Phu có trích lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói về pháp luật trong những năm đầu tiên nắm chính quyền sau năm 1954 là không muốn để luật pháp trói tay hành động của đảng và chính phủ.
Bình luận về hiện trạng luật pháp Việt Nam giáo sư Nguyễn Huệ Chi nói:
“Luật pháp thì chưa đứng ra ngoài sự chi phối của chính trị. Nếu như có một nền luật pháp như thế thì tiếng nói của mọi người nó vững vàng hơn vì mình có cái chỗ tựa. Mình có thể đứng khách quan, nhìn mọi vấn đề mà lên tiếng, vì có luật pháp làm chổ tựa cho mình. Nhưng bây giờ thì luật pháp chưa đạt được, vẫn bị chi phối bởi chính trị, cho nên là mọi tiếng nói đều không có chỗ tựa nào cả, nó mù mờ thành ra người dân muốn tìm ở đâu một niềm tin để mà lên tiếng, để mà có ý kiến cũng không có được.”
Trở lại với câu chuyện ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban tiếp dân Trung ương bị dân chúng hành hung, trong bài trả lời phóng viên VTC news được báo Lao Động đăng lại thì ông lo ngại rằng với vị trí thủ trưởng như ông mà còn bị như vậy thì các cán bộ cấp dưới của ông còn bị nguy hiểm tới chừng nào.
Ông Phil Robertson, Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế, thì nói với đài RFA là nếu Việt Nam cứ để tình trạng này tiếp diễn thì có thể Việt Nam sẽ trở thành một đất nước vô luật pháp.